Khoảng 3.500 đại biểu dự lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô

Chính trị - Ngày đăng : 06:01, 13/09/2014

(HNM) - Chiều 12-9, Văn phòng UBND TP Hà Nội cho biết, lễ kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô (10/10/1954 - 10/10/2014), trao tặng Huân chương Hồ Chí Minh, tuyên dương


Ngoài ra, theo Đề án 161/ĐA-UBND ngày 8-9 của UBND TP Hà Nội về tổ chức các hoạt động kỷ niệm 60 năm Giải phóng Thủ đô sẽ có nhiều chương trình ý nghĩa.

Kỷ niệm 60 năm ngày giải phóng thủ đô được tổ chức quy mô quốc gia nhưng trên tinh thần tiết kiệm, hiệu quả



Cụ thể là các hoạt động đền ơn, đáp nghĩa; gặp mặt đại biểu gia đình chính sách; thăm và tặng quà gia đình chính sách có công trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp giải phóng Thủ đô; tổ chức gặp mặt đại biểu chiến sĩ và thanh niên xung phong trực tiếp tham gia kháng chiến chống Pháp; tổ chức đoàn lãnh đạo thành phố vào Lăng viếng Chủ tịch Hồ Chí Minh, Đài tưởng niệm các anh hùng liệt sĩ trên đường Bắc Sơn, Nghĩa trang liệt sĩ Mai Dịch, dâng hoa tại tượng đài Quyết tử để Tổ quốc quyết sinh… Nhiều hoạt động cũng sẽ được tổ chức là: Trưng bày triển lãm về thành tựu kinh tế, văn hóa, xã hội của Thủ đô 60 năm xây dựng và phát triển; hội thảo khoa học 60 năm Giải phóng Thủ đô; bắn pháo hoa vào tối 10-10…


10 cá nhân dự kiến đề nghị xét tặng danh hiệu "Công dân thủ đô ưu tú" năm 2014

1. Ông Dương Tuấn Anh - Công nhân lái xe tuyến buýt số 50 - Xí nghiệp Xe buýt 10-10 Hà Nội (sinh năm 1962): Với vai trò là Tổ trưởng sản xuất, tổ xe do ông phụ trách với 40 công nhân, lái xe trong thời gian qua đã bảo đảm không để xảy ra tai nạn giao thông, liên tục nhiều năm đạt Tổ lao động xuất sắc của xí nghiệp.

Cá nhân ông nhiều năm liên tục được Tổng Công ty Vận tải Hà Nội tặng danh hiệu Người tốt, việc tốt, Chiến sĩ thi đua cơ sở; năm 2012 được Công đoàn ngành giao thông vận tải tặng Bằng khen trong phong trào thi đua lao động giỏi và công tác công đoàn năm 2012; năm 2013 được Ủy ban ATGTQG cấp giấy chứng nhận đạt giải thưởng “Vô lăng vàng”; năm 2014 được Tổng Công ty Vận tải Hà Nội công nhận danh hiệu “Vô lăng vàng” lần thứ nhất năm 2014.

2. Ông Lâm Văn Bảng - Giám đốc Bảo tàng Chiến sĩ cách mạng bị địch bắt tù đày (sinh năm 1943): CCB Lâm Văn Bảng đã từng bị địch bắt giam cầm ở trại giam Phú Quốc. Là Phó ban Liên lạc tù binh Việt Nam, ông trực tiếp cùng với đồng đội, với K92 tỉnh Kiên Giang tìm được 1.620 hài cốt liệt sĩ bị địch thủ tiêu tại nhà tù Phú Quốc.

Ông đã được Bộ Giao thông - Vận tải tặng Bằng khen (năm 1998, 2002); Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội tặng Bằng khen năm 2011; Bộ trưởng Bộ Công an trao tặng Huy chương Vì an ninh Tổ quốc; Thành ủy Hà Nội tặng Bằng khen năm 2013; UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2013...

3. Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Thị Hiền (sinh năm 1945): Nguyên là giảng viên của Trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ. Là một trong những người đặt nền móng đầu tiên xây dựng Trường THDL Đoàn Thị Điểm. Trong những năm qua, trường luôn là lá cờ đầu của bậc tiểu học của thành phố, đã có nhiều trường trong nước và nước ngoài đến tham quan học tập.

Cá nhân bà nhiều năm được tặng Bằng khen của thành phố (năm 2011, 2012, 2013); hai lần được tặng danh hiệu CSTĐ thành phố (năm 2010, 2013); Nhà nước phong tặng danh hiệu Nhà giáo Ưu tú năm 2010, tặng thưởng Huân chương Lao động hạng Ba năm 2012.

4. Đại tá Trần Đức Long - Chánh Thanh tra Công an thành phố, nguyên Trưởng phòng Cảnh sát điều tra tội phạm về ma túy, Công an Hà Nội (sinh năm 1960): Là cán bộ trực tiếp chỉ huy mặt trận điều tra tội phạm về ma túy, ông đã tích cực tham mưu cho Ban Giám đốc Công an thành phố trong công tác phòng chống ma túy, triển khai các đợt cao điểm phòng, chống ma túy theo chỉ đạo của Chính phủ và của Bộ Công an; triển khai kế hoạch chuyên đề chỉ đạo điểm, tập trung đấu tranh, giải quyết tội phạm và tệ nạn ma túy.

Quá trình công tác, ông đã hai lần được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba (năm 2007, 2010); Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2013, hai lần đạt danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng CAND (năm 2007, 2010); nhiều lần được Bộ Công an và UBND thành phố tặng Bằng khen.

5. Bà Hồ Hương Nam - phường Yên Phụ, quận Tây Hồ (sinh năm 1932): Nguyên là giáo viên Trường Tiểu học Hoàng Hoa Thám. Sau khi nghỉ hưu, bà tham gia công tác tại phường Yên Phụ (làm Chi hội trưởng Hội Phụ nữ khu dân cư 10 năm, tham gia tình nguyện viên công tác xã hội sau cai nghiện tái cộng đồng xã hội, tham gia Hội Người cao tuổi, BCH Hội Khuyến học phường, Chi hội trưởng Hội Khuyến học khu dân cư).

Bà đã được Bộ Y tế tặng Bằng khen năm 2009; Bộ Giáo dục và Đào tạo tặng Bằng khen năm 2013; Kỷ niệm chương “Vì trẻ em khuyết tật” do Trung ương Hội CTĐ Việt Nam tặng năm 2013; UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu năm 2013; nhiều năm liền bà được UBND phường Yên Phụ, quận Tây Hồ tặng Giấy khen.

6. Bà Nguyễn Thị Nga, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Đông Nam Á, Tổng Giám đốc - đồng Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Tập đoàn BRG (sinh năm 1955): Trên cương vị là Chủ tịch HĐQT SeABank, bà đã có những quyết sách, chiến lược đúng đắn để đưa ngân hàng phát triển ổn định, hiệu quả. Tại Hà Nội, SeABank có 52 điểm giao dịch, góp phần tích cực vào sự nghiệp phát triển kinh tế, an sinh xã hội của Thủ đô.

Nhiều năm liền bà được UBND TP Hà Nội khen thưởng (năm 2008, 2009, 2010); hai lần danh hiệu CSTĐ ngành ngân hàng (năm 2008, 2011); Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ năm 2009; Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu CSTĐ toàn quốc năm 2013.

7. Nhạc sĩ Phú Quang (sinh năm 1949): Là một trong những nhạc sĩ có nhiều bài hát hay, sâu sắc về Hà Nội với những ca khúc rất đặc sắc. Đặc biệt từ năm 1990 đến nay, cứ mỗi mùa thu về, ông là nhạc sĩ duy nhất cả nước có chương trình âm nhạc của riêng mình về Hà Nội, tạo nên một hoạt động văn hóa rất đặc biệt chào mừng kỷ niệm Ngày Giải phóng Thủ đô (10-10).

Ông đã được tặng nhiều giải thưởng về âm nhạc như: Huy chương Vàng âm nhạc trong liên hoan cho các phim: “Bao giờ cho đến tháng mười”, “Huyền thoại mẹ”; giải thưởng của Hội Nhạc sĩ Việt Nam cho chùm ca khúc viết về Hà Nội. UBND TP Hà Nội tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” năm 2013.

8. PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết, Anh hùng Lao động, Thầy thuốc Nhân dân, Giám đốc Bệnh viện Việt - Đức (sinh năm 1954): Là người đứng đầu một bệnh viện đầu ngành đóng trên địa bàn Thủ đô, nổi tiếng cả nước về phẫu thuật ngoại khoa, một trong số ít những bệnh viện được thành lập sớm nhất ở Việt Nam, PGS.TS Nguyễn Tiến Quyết đã kế thừa, phát huy tốt truyền thống của bệnh viện, từng bước lãnh đạo đưa bệnh viện ngày càng phát triển.

Ông được Thủ tướng Chính phủ tặng danh hiệu Chiến sĩ thi đua toàn quốc năm 2005; Nhà nước phong tặng Thầy thuốc Nhân dân năm 2008, danh hiệu Anh hùng Lao động năm 2011; Chủ tịch nước tặng Huân chương Lao động hạng Nhất năm 2014; nhiều năm được UBND thành phố tặng danh hiệu “Người tốt, việc tốt” tiêu biểu.

9. Ông Phùng Mạnh Thực, Chủ tịch Hội Cựu TNXP xã Hòa Thạch, huyện Quốc Oai (sinh năm 1947): Tham gia lực lượng Thanh niên xung phong từ năm 1965. Đến năm 1970, là thương binh hạng 4/4, trở về với cuộc sống đời thường, dù vết thương cũ luôn tái phát, ông vẫn tích cực tham gia công tác xã hội. Đặc biệt, hưởng ứng phong trào xây dựng nông thôn mới, ông đã vận động gia đình tình nguyện 3 lần hiến đất làm đường với tổng số trên 1.000m² đất.

Với những đóng góp trên, ông đã được Thành ủy tặng Bằng khen năm 2013; ông là cá nhân duy nhất của Hà Nội được Thủ tướng Chính phủ tặng Bằng khen năm 2014 trong sơ kết 3 năm thực hiện phong trào “Toàn dân chung sức xây dựng nông thôn mới”.

10. Nghệ nhân Ưu tú Nguyễn Ngọc Trọng (sinh năm 1938): Hơn 60 năm lao động, sáng tạo trong lĩnh vực khảm tam khí, chạm bạc. Với Hà Nội, ông đã có nhiều tác phẩm có giá trị kinh tế, mỹ thuật cao và làm công tác đối ngoại của thành phố như: Cúp bạc biểu tượng Thăng Long - Hà Nội để tặng thành phố Toulouse, Cộng hòa Pháp nhân Ngày Văn hóa Hà Nội - Toulouse; năm 2010 kỷ niệm 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội ông đã tham gia chạm khắc bức thư gửi Mai sau bằng đồng khắc 1.000 từ để ở Bảo tàng Hà Nội...

Ông đã được Bộ Ngoại thương tặng danh hiệu CSTĐ cấp Bộ năm 1967; 5 Huy chương Vàng cho các sản phẩm thủ công mỹ nghệ; Huy chương Bàn tay Vàng quốc tế; Huy chương Bàn tay Vàng do Liên minh HTX Việt Nam tặng...

3 tập thể, 1 cá nhân dự kiến đề nghị Xét tặng danh hiệu “Anh hùng Lao động”

1. Trường THCS Ngô Sỹ Liên, quận Hoàn Kiếm: Với bề dày lịch sử gần 100 năm tuổi (thành lập năm 1920), trường nhiều năm là tập thể tiêu biểu dẫn đầu, đóng góp vào sự phát triển của ngành giáo dục và đào tạo của Thủ đô và đất nước. Trong hơn 10 năm gần đây, trường luôn nằm top đầu của thành phố về chất lượng dạy và học với kết quả thi vào lớp 10 THPT luôn đứng đầu thành phố; top 10 trường có điểm xét tuyển cao nhất thành phố; kết quả học lực, hạnh kiểm học sinh đạt cao (trên 99% hạnh kiểm khá, tốt và trên 90% học lực khá, giỏi); kết quả thi giáo viên dạy giỏi, học sinh giỏi luôn nằm trong top những trường đứng đầu thành phố (bình quân 40 giải/năm) với nhiều giải cấp quốc gia, khu vực.

Trường đã được Nhà nước tặng thưởng HCLĐ hạng Ba (năm 2003), HCLĐ hạng Nhất (năm 2008), 10 năm liền được tặng nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của các cấp, các ngành với 2 Cờ Chính phủ, 5 Cờ thành phố cùng nhiều Bằng khen của Bộ GĐ-ĐT, UBND thành phố...

2. Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu Hà Anh, huyện Đông Anh: Là một trong những doanh nghiệp đi đầu trong nhập khẩu, xuất khẩu và phân phối phân bón, hóa chất lớn nhất Việt Nam, có phạm vi sản xuất kinh doanh trên thị trường toàn quốc và xuất khẩu đi các nước. Trong 10 năm qua, sản xuất kinh doanh của công ty luôn tăng trưởng cao và bền vững; doanh thu tăng trưởng 164,9%; nộp ngân sách nhà nước tăng 31,7%; thu nhập bình quân người/tháng tăng 600%. Là đơn vị tiêu biểu trong phong trào “Xây dựng nông thôn mới” với đóng góp 700 triệu đồng cho huyện Đông Anh, đồng thời hỗ trợ phân bón phục vụ sản xuất cho nông dân 44 tỉnh, thành cả nước mỗi năm lên đến hàng chục tỷ đồng với hình thức trả chậm 6 tháng không tính lãi…

Công ty đã được tặng thưởng HCLĐ hạng Nhì (năm 2004), HCLĐ hạng Nhất (năm 2012), 10 năm liền được tặng nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của các cấp, các ngành với 1 Cờ Chính phủ, 6 Cờ thành phố cùng nhiều Bằng khen của Bộ Tài chính, Tổng cục Thuế, UBND thành phố...

3. Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn, Sở Y tế Hà Nội: Bệnh viện Đa khoa Xanh Pôn là bệnh viện có bề dày lịch sử, được thành lập từ năm 1911. Trong 10 năm gần đây, bệnh viện là tập thể tiêu biểu của ngành y tế Hà Nội, luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ với chất lượng cao, đóng góp vào sự phát triển của ngành y tế Thủ đô. Bệnh viện luôn dẫn đầu ngành y tế Hà Nội trong đổi mới công nghệ, có nhiều thành tích trong việc ứng dụng tiến bộ khoa học, kỹ thuật, phát huy sáng kiến, cải tiến kỹ thuật trên các lĩnh vực ngoại khoa, nhi khoa, chẩn đoán hình ảnh, nội khoa, lọc máu, can thiệp mạch vành, can thiệp tim bẩm sinh qua da, làm mỏng vạt da bằng phương pháp vi phẫu…

Bệnh viện đã được tặng thưởng HCLĐ hạng Nhì (năm 2005), HCLĐ hạng Nhất (năm 2010), 10 năm liền được tặng nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của các cấp, các ngành với 7 Cờ thi đua và nhiều Bằng khen của Bộ Y tế, UBND thành phố...

4. Ông Nguyễn Mạnh Thản, Chủ tịch Hội đồng Quản trị kiêm Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Ao Vua, huyện Ba Vì (sinh năm 1955): Với tinh thần năng động sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, mặc dù gặp không ít khó khăn trong thương trường nhưng ông đã lãnh đạo doanh nghiệp của mình luôn đi trước đón đầu, mạnh dạn triển khai các dự án mới, mang tính đột phá, đem lại hiệu quả kinh tế cao như: Khai thác thế mạnh thiên nhiên vùng núi rừng Ba Vì, biến rừng hoang hóa, đầm lầy, bãi bồi thành các khu du lịch sinh thái bền vững, trọng điểm của Thủ đô và cả nước, mỗi năm thu hút hàng vạn lượt khách du lịch trong và ngoài nước, tổng số khách trong 10 năm là 5,5 triệu người, đồng thời góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động tại các địa phương...

Công ty đã được tặng thưởng HCLĐ hạng Nhì (năm 2012), từ năm 2004 đến năm 2013 liên tục được tặng Cờ thi đua của tỉnh Hà Tây và TP Hà Nội. Cá nhân ông đã được tặng thưởng HCLĐ hạng Ba (năm 2006), HCLĐ hạng Nhì (năm 2008); HCLĐ hạng Nhất (năm 2012), 10 năm liền được tặng nhiều danh hiệu thi đua và hình thức khen thưởng của các cấp, các ngành với 2 lần đạt danh hiệu CSTĐ toàn quốc, 3 lần đạt danh hiệu CSTĐ tỉnh, thành phố cùng nhiều Bằng khen của thành phố, bộ, ngành, đoàn thể, Trung ương...

Hà Phong