Chân dung một trí thức nhân văn
Sách - Ngày đăng : 07:20, 12/09/2014
GS Hồ Đắc Di (11/5/1900-25/6/1984), sinh tại làng An Truyền, huyện Phú Vang, tỉnh Thừa Thiên Huế, trong một gia đình danh gia vọng tộc. GS Hồ Đắc Di là người Việt Nam đầu tiên đỗ bằng Thạc sĩ Y khoa Pháp những năm 1940. Ông nhiều năm làm Hiệu trưởng Trường Đại học Y Hà Nội, Tổng Thanh tra Y tế, Tổng Giám đốc Đại học vụ (Bộ Giáo dục)... Năm 1996, GS Hồ Đắc Di được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh đợt đầu tiên về y khoa.
Xuất bản cuốn sách "Hồ Đắc Di - nhà y học triết nhân", NXB Chính trị Quốc gia - Sự thật và Trường Đại học Y Hà Nội mong muốn "tái hiện chân dung một trí thức yêu nước chân chính, người có nhiều công lao, đóng góp cho sự phát triển của nền y học Việt Nam hiện đại, người thầy của những người thầy và của rất nhiều thế hệ y, bác sĩ Việt Nam". Đây cũng là công trình tiếp nối ấn phẩm trước đó mang tên "Hồ Đắc Di - Cuộc đời và sự nghiệp" (NXB Y học ấn hành) với nhiều nội dung mới được bổ sung, hoàn thiện hơn.
Sách "Hồ Đắc Di - nhà y học triết nhân" gồm hai phần. Một phần tập hợp 30 bài viết là công trình nghiên cứu, bài viết của GS Hồ Đắc Di về y học, sự phát triển của y học nước nhà, những trăn trở, suy tư của ông về ngành y, về y đức của người thầy thuốc, về nhiệm vụ của người trí thức dưới chế độ xã hội chủ nghĩa... Bạn đọc, đặc biệt là những người thầy thuốc có thể tìm thấy ở đây nhiều vấn đề sâu sắc không chỉ về y học trong cái nhìn tổng thể gắn bó với triết học, văn hóa. Phần còn lại là tập hợp 22 bài viết của nhiều thế hệ đồng nghiệp, bạn bè, học trò... của GS Hồ Đắc Di nhớ lại những kỷ niệm sâu sắc, khó quên với ông. Có thể nhắc đến chuyện một đêm lửa trại ở ấp Thanh Thúy (đồn điền Phú Hộ) thôn Trung Giáp, xã Anh Dũng, huyện Phù Ninh, tỉnh Phú Thọ. Khi đó, ông Trần Thông Côn, nguyên cán bộ phụ trách Văn phòng Trường Đại học Y khoa (1949) đề nghị: "Thưa cụ, tiếng đồn từ lâu cụ có tài chơi violon, thời còn ở bên Pháp là thời oanh liệt nhất của cụ. Giá có đàn, được nghe cụ chơi bài Sérénade (Khúc ca chiều) của nhạc sĩ lừng danh thế giới Schubert thì thật sướng!". Cụ Di rất tự nhiên lấp láy đôi mắt: "Đã lâu, mình mất chữ Oanh rồi! Chỉ còn mỗi chữ LIỆT viết hoa thôi!". Thế là cả nhà phá lên cười trong tiếng cười thoải mái hồn nhiên của cụ, chịu tài chơi chữ nhanh nhạy, thông minh, trí thức của cụ.
Cuốn sách "Hồ Đắc Di - nhà y học triết nhân" không nặng nề trong cách phản ánh công lao của một trong những người đặt nền móng đầu tiên cho nền y học Việt Nam hiện đại; toàn bộ cuốn sách nổi bật lên chân dung nhà y học với cả chiều sâu tư tưởng của một nhà trí thức cùng cả sự sống động về khía cạnh con người và đặc biệt là nhân cách của ông.
Để rời trang sách, vẫn còn vẳng những lời nhắn nhủ của giáo sư "Nếu như có một cuộc đời mà mỗi phút giây trôi qua đều có ý nghĩa nhân lên nghìn lần, mỗi chúng ta đều yêu thương tới say đắm và thèm sống đến mấy lần cuộc sống ấy vẫn chưa đủ... Phải, nếu quả có được một cuộc đời như thế dù điều đó chỉ dành cho đời con, đời cháu chúng ta mai sau, ta cũng sẵn sàng hiến dâng cả đời mình!".