Khẳng định vị thế dẫn đầu về văn hóa

Văn hóa - Ngày đăng : 07:18, 12/09/2014

(HNM) - Sau Giải phóng Thủ đô, ngành văn hóa cũng như nhiều ngành khác gặp khó khăn về mọi mặt.


Nỗ lực giữ gìn nền tảng truyền thống

Hà Nội vốn có bề dày truyền thống văn hóa với hàng nghìn di tích lịch sử, hàng trăm loại hình nghệ thuật độc đáo cùng cách giao tiếp, ứng xử giữa con người với con người, với môi trường tự nhiên và xã hội rất đặc trưng, không lẫn với bất kỳ địa phương nào. Nhưng sau những năm tháng chiến tranh, chưa ai có thể thống kê hết được bao nhiêu công trình văn hóa, di tích bị phá hủy hoặc chiếm dụng, bao nhiêu loại hình nghệ thuật không có người gìn giữ, phát huy… Điều đó đã khiến không ít những giá trị thuộc về bản sắc văn hóa riêng có của người Hà Nội bị mai một, biến dạng, thậm chí bị hiểu sai lệch…

Nghệ thuật Ca trù sau nhiều nỗ lực truyền dạy nay đã được khôi phục ở nhiều địa phương của Hà Nội. Ảnh: Hải Anh


Nhằm khôi phục những mai một về văn hóa sau chiến tranh, trong nhiều năm qua, các thế hệ lãnh đạo TP Hà Nội luôn xác định: Văn hóa là nền tảng, là động lực phát triển kinh tế, xã hội của Thủ đô. Hà Nội có thể chưa đứng đầu về kinh tế, nhưng phải dẫn đầu cả nước về văn hóa. Trên tinh thần đó, hằng năm Hà Nội đã dành một nguồn kinh phí không nhỏ để khôi phục, gìn giữ và phát huy vốn văn hóa cổ, khôi phục các di tích bị phá hủy, xuống cấp do chiến tranh và thời gian. Ví như nghệ thuật ca trù sau nhiều nỗ lực truyền dạy nay đã được khôi phục ở nhiều địa phương. Rất nhiều nông dân ban ngày bận với công việc ruộng đồng, tối về gõ nhịp phách giòn tan, cất giọng ca sắc ngọt và không quản ngại khó khăn truyền dạy cho thế hệ trẻ. Hay như nghệ thuật cồng chiêng ở các xã miền núi huyện Ba Vì, Thạch Thất, Quốc Oai từng rơi vào quên lãng, nay ngành văn hóa các địa phương này đã chủ động mở lớp tập huấn cồng chiêng cho bà con, góp phần đưa nhịp cồng chiêng ở Hà Nội vang xa, mang lại niềm vui cho các bản làng… Điều đáng mừng hơn nữa là mỗi năm có hàng chục di tích ở Hà Nội được cấp kinh phí tu bổ, tôn tạo hoặc chống xuống cấp, và một số phế tích cũng đã được phục dựng… Có thể kể đến như đền Voi Phục - Thủ Lệ, đền Quán Thánh (Ba Đình); đình Tây Đằng, đình Chu Quyến, đền thờ Tản Viên Sơn Thánh (Ba Vì); đình Mông Phụ, đền Và (Sơn Tây), đền Hai Bà Trưng (Mê Linh), lăng mộ và đền thờ hoàng hậu Lê Ngọc Hân (Gia Lâm)… Cùng với hệ thống di tích, hơn 1.000 lễ hội truyền thống diễn ra dịp đầu xuân ở Hà Nội cũng đã có sự quản lý chặt chẽ của ngành văn hóa từ thành phố tới cơ sở, những "hạt sạn" trong các lễ hội của ít năm trước đây từng bước được loại bỏ…

Có thể nói, thành quả trong việc giữ gìn vốn văn hóa truyền thống của ngành văn hóa sau Ngày Giải phóng Thủ đô đã được "kiểm định" qua thành công lớn hơn mong đợi của hàng trăm sự kiện diễn ra trước và trong dịp Đại lễ kỷ niệm 1000 năm Thăng Long - Hà Nội - năm 2010; qua những dấu chấm đỏ ghi tên Hoàng thành Thăng Long, 82 bia đá Tiến sĩ triều Lê - Mạc ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám, hội Gióng, ca trù… trên bản đồ di sản văn hóa thế giới và danh sách dày đặc các di tích quốc gia đặc biệt…

Kiên trì mục tiêu xây dựng con người văn hóa

Trước thực trạng những giá trị văn hóa đặc trưng của người Hà Nội như lối sống giản dị mà hào hoa, ứng xử văn minh, thanh lịch, hòa nhã… bị "pha loãng", Hà Nội đã có những chương trình, hành động kịp thời để giữ gìn nét đẹp vốn có, đồng thời góp phần xây dựng những con người văn hóa phù hợp với thời đại mới. Điển hình nhất là Chương trình 04 của Thành ủy Hà Nội về "Phát triển văn hóa xã hội, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực Thủ đô, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh". Triển khai Chương trình 04, Sở VH-TT&DL Hà Nội đã lập đề án "Xây dựng hệ thống quy tắc ứng xử trong cơ quan, doanh nghiệp, cộng đồng, dân cư, nơi công cộng thành phố Hà Nội"; đồng thời lấy ý kiến giới học giả trong nước để xây dựng bộ quy tắc ứng xử cho nhân dân Thủ đô. Dự thảo hệ thống quy tắc ứng xử cho người Hà Nội tập trung vào những đối tượng chính: Các cơ quan hành chính; doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh thương mại; các đơn vị trong ngành giáo dục; y tế; các khu dân cư và khu vực công cộng. Bộ quy tắc ứng xử giành giải "Ý tưởng - Vì tình yêu Hà Nội" năm 2013 và được dư luận đánh giá, kỳ vọng sẽ là bản "hương ước" chung cho người dân Hà Nội. Còn ở các quận, huyện, ngay cả khi bản "hương ước" trên chưa được xây dựng thì việc gìn giữ cốt cách người Tràng An thanh lịch, văn minh đã có sức lan tỏa rộng khắp. Người dân khu phố cổ quận Hoàn Kiếm đã và đang thực hiện 5 quy tắc ứng xử: Thực hiện tốt nghĩa vụ công dân; giao tiếp, ứng xử có văn hóa; có ý thức giữ gìn trật tự đô thị, vệ sinh môi trường; trang phục gọn gàng, lịch sự; kinh doanh văn minh thương mại. Quận Hai Bà Trưng triển khai cuộc vận động "Nói lời hay, làm việc tốt, phong cách đẹp" nơi công sở. Quận Long Biên thực hiện đề án xây dựng nếp sống văn minh đô thị gắn với nâng cao chất lượng xây dựng tổ dân phố văn hóa; rà soát và thực hiện các quy ước cộng đồng…

Nêu cao tinh thần tiết kiệm, tránh lãng phí trong việc cưới, ngày 3-10-2012, Thành ủy Hà Nội ban hành Chỉ thị 11 về tiếp tục thực hiện nếp sống văn minh trong việc cưới với yêu cầu đội ngũ cán bộ, đảng viên phải là những người tiên phong, gương mẫu. Sau gần hai năm triển khai, những đám cưới tiệc ngọt, tiệc trà được tổ chức nhiều hơn. Thậm chí, người dân thôn Nhân Hòa, xã Tả Thanh Oai (Thanh Trì) còn có sáng kiến mời dự đám cưới qua hệ thống loa truyền thanh nhằm tiết kiệm tiền in thiệp mời và thời gian cho gia chủ. Cũng ở huyện Thanh Trì, mô hình đám cưới không nhận tiền mừng của người già, người có hoàn cảnh khó khăn đã và đang trở thành phong trào ở xã Yên Mỹ, Đông Mỹ, Thanh Liệt, Tứ Hiệp… Bên cạnh đó, việc tang văn minh, tiết kiệm cũng đã được đưa vào nghị quyết của Đảng ủy, chương trình hoạt động của UBND 100% xã, phường, thị trấn trên địa bàn Thủ đô…

Để nhân dân có đời sống văn hóa, tinh thần lành mạnh, vui tươi, Hà Nội còn tạo điều kiện về quỹ đất, nguồn kinh phí xây dựng nhà văn hóa cho nhân dân sinh hoạt. Đến nay, toàn thành phố có hơn 3.300 nhà văn hóa thôn, làng, cơ bản đáp ứng được nhu cầu sinh hoạt cộng đồng của dân cư; hơn 1,3 triệu hộ (bằng 84%) đạt chuẩn gia đình văn hóa, cao hơn nhiều so với mức trung bình của cả nước.

Mặc dù còn nhiều việc phải làm, song với những kết quả kể trên, Hà Nội đã, đang và tiếp tục khẳng định vị thế dẫn đầu cả nước về văn hóa.

Minh Ngọc