Scotland trưng cầu dân ý: Nguy cơ “tan đàn, xẻ nghé”?

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 07:03, 12/09/2014

(HNM) - Tương lai của Liên hiệp Vương quốc Anh (UK) và sự nghiệp chính trị của Thủ tướng David Cameron đang đứng trước thời điểm định mệnh khi chỉ còn 6 ngày nữa, Scotland sẽ tiến hành cuộc trưng cầu dân ý về việc có tiếp tục là một phần của UK hay tách ra thành quốc gia độc lập.

Nhiều người dân Scotland ủng hộ trở thành quốc gia độc lập.


Cách đây 2 năm, kết quả các cuộc điều tra dư luận về tỷ lệ cử tri với tương lai độc lập của Scotland hầu như chưa khiến các nhà lãnh đạo UK phải quá bận tâm. Nhưng giờ đây, sự thể đã có nhiều thay đổi khi càng đến sát ngày trưng cầu dân ý (18-9), Thủ tướng Anh D.Cameron và đội ngũ lãnh đạo càng tỏ ra "sốt ruột" vì số cử tri dự định nói "có" với nền độc lập của Scotland trước UK gia tăng mạnh. Đặc biệt, vào đầu tháng này, lần đầu tiên trong lịch sử, cuộc thăm dò dư luận về nền độc lập của Scotland cho kết quả "có" chiếm ưu thế với 51% người đồng ý và 49% phản đối. Khả năng UK (gồm: Anh, Xứ Wales, Scotland và Bắc Ireland) có thể bị tan vỡ sau hơn 300 năm tồn tại đang khiến không ít người dân UK cảm thấy lo lắng.

Hiện tại, những người ủng hộ Scotland độc lập hy vọng Edinburgh có thể thoát khỏi ảnh hưởng của cuộc khủng hoảng nợ công và sử dụng nguồn lợi nhuận từ việc khai thác dầu mỏ ở Biển Bắc để xây dựng một xã hội thịnh vượng và công bằng hơn. Trong khi đó, những người phản đối độc lập thì cho rằng việc nằm trong UK sẽ giúp Scotland hùng mạnh hơn. Thực tế, để có một nền độc lập, Scotland sẽ đối mặt với không ít khó khăn với hàng loạt vấn đề như sẽ sử dụng đồng tiền nào, tư cách thành viên trong EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO)... Bên cạnh đó, UK còn là một trụ cột kinh tế của cả trong khu vực lẫn trên phạm vi toàn cầu. Nếu chia tách, Scotland sẽ phải gây dựng từ đầu và không dễ dàng trở thành một quốc gia có vị thế trên bản đồ thế giới.

Nếu trong cuộc trưng cầu sắp tới, đa số người dân Scotland tán thành độc lập, dù vẫn còn lại Xứ Wales và Bắc Ireland, nhưng sức mạnh kinh tế và quân sự của UK sẽ bị giảm sút. Đó là chưa kể nếu Scotland độc lập sẽ mở đường cho một đe dọa mới với nền hòa bình ở Bắc Ireland. Nghiêm trọng hơn, dư luận lo ngại nền độc lập của Scotland sẽ truyền cảm hứng cho phong trào đòi ly khai ở nhiều quốc gia Châu Âu khác như Bỉ và Tây Ban Nha trong bối cảnh hậu quả của khủng hoảng nợ công vẫn đang khiến Cựu lục địa lao đao. Đây là lý do "ông chủ" nhà số 10 phố Downing và cấp phó Nick Clegg cùng thủ lĩnh Công đảng E.Miliband vừa phải gấp rút tới Scotland - chỉ 1 tuần trước cuộc trưng cầu dân ý - nhằm thuyết phục các cử tri xứ này đưa ra quyết định ở lại với UK. Một cam kết đầy hứa hẹn đã được Thủ tướng D.Cameron thảo ra để chuyển giao nhiều quyền độc lập hơn cho Scotland trong các lĩnh vực như ngân sách công, thuế và các phúc lợi xã hội... Đề xuất này tiến rất gần tới mô hình Nhà nước liên bang. Để chứng tỏ tinh thần gắn bó chặt chẽ hơn, Chính phủ UK còn quyết định từ nay cho đến ngày diễn ra cuộc trưng cầu dân ý, cho treo cờ Scotland ở khắp nơi trong Vương quốc và đặc biệt là tại trụ sở chính phủ ở số 10 phố Downing.

Tuy nhiên, theo dư luận từ Châu Âu, lẽ ra Thủ tướng D.Cameron phải hành động như vừa thực hiện từ cách đây 2 năm, ngay sau khi cùng Thủ hiến Scotland Alex Salmond ký thỏa thuận chấp nhận để Scotland trưng cầu dân ý. Thế nên, nhiều ý kiến cho rằng chuyến thăm Edinburgh quá muộn màng của Thủ tướng D.Cameron là hoàn toàn có cơ sở và khó đảo ngược kết quả trưng cầu, tức là phe ủng hộ độc lập ở Scotland thắng. Cả Châu Âu và xứ Sương mù đang hồi hộp dõi theo nền độc lập của Scotland. Nếu cuộc ly khai hoàn tất, nhà lãnh đạo 47 tuổi của Anh quốc sẽ không còn cách lựa chọn nào khác là từ chức và tên tuổi của Thủ tướng D.Cameron sẽ lưu lại lịch sử UK như một người đã để Khối thịnh vượng Anh “tan đàn, xẻ nghé”.

Phương Quỳnh