Làm gì để “đôi bên cùng có lợi”?

Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 12/09/2014

(HNM) - Việc nhận diện thực trạng, những yếu kém của các doanh nghiệp (DN) thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ (CNHT) Việt Nam nhằm khắc phục tồn tại, đặc biệt là tìm hướng đột phá thông qua việc trở thành nhà cung cấp linh kiện, phụ tùng cho các DN đầu tư nước ngoài (ĐTNN) là chủ đề chính


Chưa xứng với tiềm năng

Theo Chủ tịch Hiệp hội DN ĐTNN Nguyễn Mại, chủ trương phát triển CNHT nước ta chậm hơn nhiều nước trong khu vực. Vì vậy, DN CNHT trong nước vẫn trong tình trạng manh mún, phát triển tự phát, thiếu định hướng cụ thể; đặc biệt là không xác định được một số sản phẩm chủ lực. Thực trạng èo uột này khiến DN CNHT Việt thua kém hẳn so với DN nước ngoài. Thực tế cho thấy, một số công ty ĐTNN đã đi vào hoạt động nhưng thiếu nguồn cung cấp chi tiết tại chỗ, buộc phải nhập khẩu từ nước thứ ba và đây là sự bất đắc dĩ. Hầu hết DN Việt mới chỉ đảm nhận được về cung cấp khung vỏ sản phẩm bằng kim loại, sơn, in ấn bao bì hoặc làm thùng đựng sản phẩm. Theo thống kê của giới đầu tư Nhật Bản và Hàn Quốc, hiện tỷ lệ nội địa hóa chung của sản phẩm DN công nghiệp của Việt Nam mới đạt 27,8% so với mức 50-60% ở Trung Quốc và Thái Lan; tất nhiên còn kém hơn hẳn các nước phát triển.

Thiếu chiến lược phát triển khiến công nghiệp hỗ trợ Việt Nam chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp đầu tư nước ngoài. Ảnh: Thanh Hải


Bên cạnh đó, mặc dù Việt Nam đã mở cửa thu hút vốn ĐTNN từ 25 năm qua nhưng chưa làm tốt việc kết nối DN ĐTNN với DN trong nước. Nói cách khác là DN nước ngoài chưa tạo ra sức lan tỏa và hỗ trợ DN nội. Đây là một khiếm khuyết cần được nhận diện để điều chỉnh trong thời gian tới để phát huy tối đa sức mạnh của khu vực ĐTNN. Mặt khác, bản thân các DN thuộc ngành CNHT trong nước chưa bao giờ tạo lập được sự liên kết, hỗ trợ nhau trong hoạt động sản xuất; từ đó không thể trở thành bạn hàng lâu dài của nhau, dẫn đến việc thiếu nguồn đơn hàng và không có điều kiện nâng cao chất lượng sản phẩm hoặc đa dạng hóa sản phẩm. Vì vậy, sản phẩm CNHT Việt Nam hầu như chưa có uy tín hay thương hiệu cao trên thị trường. Thực tế này đã diễn ra bấy lâu và chính là căn nguyên khiến ngành CNHT phát triển rất chậm, chưa tương xứng với tiềm năng, nguồn lực nội tại.

Cơ hội lớn nhưng không dễ nhập cuộc

Đến nay, nhiều tập đoàn quốc tế, DN lớn chủ yếu đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản đã đầu tư một số dự án thuộc lĩnh vực điện tử ở Việt Nam. Trong đó, nổi lên là trường hợp của Samsung (Hàn Quốc) với 2 đại dự án sản xuất điện thoại và linh kiện tại Bắc Ninh và Thái Nguyên, thông qua tổng vốn đăng ký gần 8 tỷ USD. Hai dự án này lập tức nảy sinh nhu cầu cần có 100 DN vệ tinh - nhà cung cấp linh kiện, chi tiết để lắp ráp thành phẩm trước khi xuất khẩu ra thị trường thế giới. Như vậy, đây là thời cơ rất lớn để các DN trong nước tận dụng, vươn lên đáp ứng yêu cầu của Samsung và xa hơn là tìm chỗ đứng vững chắc trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Ông Shim Wonhwan, Tổng Giám đốc tổ hợp Samsung Complex xác nhận, tập đoàn này chủ trương tiếp tục mở rộng kinh doanh trong tương lai gần. Đây là dịp để thắt chặt quan hệ đối tác giữa Samsung và các DN thuộc lĩnh vực CNHT của Việt Nam. Làm được như vậy sẽ tạo ra điều kiện thuận lợi hơn thông qua việc tiết giảm chi phí vận chuyển linh kiện, lại tận dụng được lợi thế giá nhân công thấp tại chỗ. Từ đó, mỗi chiếc điện thoại nhãn hiệu Samsung sẽ tăng tỷ lệ nội địa hóa tại Việt Nam, cũng như sẽ tăng sức cạnh tranh trên thị trường thế giới và đôi bên cùng có lợi.

Đại diện Samsung khẳng định luôn chào đón đối tác Việt Nam nếu đáp ứng được cả 3 tiêu chí là: Chất lượng, thời gian vận chuyển và giá cả. Đặc biệt, để trở thành nhà cung cấp của Samsung thì DN phụ trợ phải bảo đảm được 8 yêu cầu. Đó là công nghệ hiện đại, phải có cơ sở hạ tầng cho nghiên cứu và phát triển sản phẩm, chất lượng phải được kiểm soát, có chứng nhận ISO; có khả năng quyết định, đáp ứng nhanh chóng đối với yêu cầu của công ty; quản lý tốt các dữ liệu; có khả năng sản xuất và giao hàng nhanh trong trường hợp cần gấp; giá cả cạnh tranh; tuân thủ quy định về môi trường; bảo đảm chỉ số tín dụng, tỷ lệ nợ; tuân thủ các luật liên quan đến lao động.

Về phía mình, một số DN nội đã bày tỏ sự e ngại. Đại diện Công ty Công nghệ Bắc Việt băn khoăn, nếu chỉ cung cấp số lượng linh kiện ít, dưới dạng đơn lẻ thì có được coi là đầu mối cấp 1, tức là ký hợp đồng trực tiếp với Samsung hay không? Ngược lại, có DN đặt câu hỏi nếu đơn vị của mình đủ khả năng cung cấp nhiều loại sản phẩm, với số lượng lớn thì có đương nhiên là nhà cung cấp cấp 1 và có quyền đứng ra kêu gọi những DN khác sản xuất linh kiện, rồi thu gom, chuyển giao cho Samsung không?

Trong khi đó, đại diện Hiệp hội DN điện tử Việt Nam nhận xét, qua một số triển lãm cho thấy rất ít DN Việt Nam có thể làm được sản phẩm đáp ứng yêu cầu của Samsung. Thực tế đó đặt ra câu hỏi là liệu Samsung có thể chủ động tham gia liên doanh hoặc liên kết với các công ty Việt Nam để chia sẻ tiềm năng tài chính cũng như công nghệ cho đối tác trong nước. Ngoài ra, một số DN tỏ ra e ngại về sự ổn định chính sách của Samsung trong thời gian dài.

Theo các chuyên gia, để xích lại gần nhau và đạt được sự "lắp ghép" suôn sẻ giữa Samsung (cũng như các DN ĐTNN khác) và DN Việt vẫn cần một thời gian thích ứng nhất định. Vấn đề là sự quyết tâm từ hai phía. DN Việt Nam cần có thời gian để vươn lên, tự tìm ra phương hướng, chủ yếu là trang bị công nghệ, dây chuyền sản xuất hiện đại kết hợp với đội ngũ lao động lành nghề.

Theo Cục trưởng Cục ĐTNN Đỗ Nhất Hoàng, phát triển CNHT là một trong những ưu tiên hàng đầu của Chính phủ Việt Nam, được kỳ vọng sẽ làm thay đổi bộ mặt của hoạt động công nghiệp, với tỷ trọng sản phẩm ngành này chiếm trên 33% tổng giá trị sản phẩm công nghiệp chế biến, chế tạo cả nước đến năm 2020. Xét về tầm nhìn trung và dài hạn, phát triển CNHT sẽ đóng vai trò quan trọng, góp phần hiện thực hóa mục tiêu đưa Việt Nam cơ bản trở thành nước CNH năm 2020.

Hồng Sơn