Đừng để sự đã rồi!

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:08, 12/09/2014

(HNM) - Đã chục ngày trôi qua kể từ khi vụ tai nạn thương tâm xảy ra ở Lào Cai làm bàng hoàng dư luận. Trong khi các cơ quan chức năng vẫn đang điều tra, xác định chính xác trách nhiệm từng cơ quan, cá nhân có liên quan thì số người thiệt mạng tiếp tục tăng, đến nay đã có 14 người tử vong!


Trong vụ việc này, dư luận đánh giá khá tích cực sự vào cuộc của các cơ quan chức năng sau khi tai nạn xảy ra, thậm chí một số lãnh đạo còn năng nổ "đu dây" xuống hiện trường trực tiếp chỉ đạo cứu hộ, cứu nạn.

Tuy nhiên, đấy chỉ là cái được khi… "sự đã rồi". Giao thông vận tải vốn là lĩnh vực liên quan trực tiếp đến đời sống xã hội, có đối tượng phục vụ đa dạng, liên quan đến nhiều cơ quan, địa phương và do vậy cũng nảy sinh nhiều phức tạp. Dù đã rất nỗ lực với nhiều giải pháp tích cực, mang lại kết quả nhất định, nhưng tình hình tai nạn giao thông những năm gần đây vẫn diễn biến phức tạp, trong đó có nhiều vụ tai nạn đặc biệt nghiêm trọng. Mỗi năm, tai nạn giao thông đã cướp đi sinh mạng của trên dưới 10 nghìn người. Sở dĩ tai nạn còn nhiều là chưa "bịt" được những lỗ hổng trong công tác quản lý. Trong dư luận vẫn tồn tại những hoài nghi về chất lượng đào tạo sát hạch cấp giấy phép lái xe, chất lượng đăng kiểm phương tiện, khám sức khỏe lái xe… Và phần lớn các tai nạn, đặc biệt là tai nạn thương tâm xảy ra do lỗi chủ quan của người điều khiển phương tiện, đặc biệt là không chấp hành luật, chạy quá tốc độ, chở quá tải trọng, làm việc quá thời gian quy định, không bảo đảm sức khỏe, thậm chí nghiện ma túy… Đó là chưa kể tình trạng "bảo kê" cho vi phạm tại một số địa phương được Bộ trưởng Bộ GTVT thẳng thắn nêu ra trong một số cuộc họp. Điều đó chứng tỏ, không phải cơ quan chức năng, chính quyền địa phương không phát hiện ra những lỗ hổng chết người nói trên, nhưng đáng tiếc chưa thể xử lý rốt ráo, triệt để. Vài năm gần đây, dư luận đặc biệt ủng hộ việc lắp đặt thiết bị hành trình để giám sát phương tiện hay việc lắp đặt trạm kiểm tra tải trọng phương tiện. Những tưởng những giải pháp kỹ thuật này sẽ hạn chế đáng kể vi phạm, nhưng rồi tai nạn thương tâm vẫn xảy ra.

Khi vụ tai nạn đáng tiếc xảy ra ở Lào Cai, các cơ quan chức năng mỗi địa phương đều phủ nhận trách nhiệm kiểm tra, quản lý phương tiện. Đáng ngạc nhiên là lái xe đăng ký điều khiển phương tiện không có trên xe ở thời điểm xảy ra tai nạn mà cả chủ xe đến các cơ quan quản lý đều… không biết. Còn số người có mặt trên xe khi vụ việc xảy ra chỉ là 48, thay vì 53 như báo cáo ban đầu. Chỉ thế đã thấy, công tác quản lý có vấn đề và thiết bị, dù hiện đại đến đâu cũng khó có thể kiểm soát chặt chẽ, hiệu quả nếu các cơ quan chức năng và mỗi nhà xe không thực sự có trách nhiệm, trước hết với công việc của chính mình. Chẳng nói đâu xa, ngay việc truyền dữ liệu thiết bị hành trình về Tổng cục Đường bộ Việt Nam cũng chưa được các địa phương thực hiện nghiêm túc. Cụ thể, trong tháng 8-2014, chỉ có bình quân 63,6% phương tiện truyền dữ liệu về đơn vị này và đáng nói hơn là có tới 16/63 tỉnh, thành phố truyền dữ liệu rất thấp (dưới 60%). Việc truyền và quản lý dữ liệu còn vậy, nói gì tới việc kiểm soát phương tiện. Rõ ràng, không thể đặt trọn niềm tin vào thiết bị hỗ trợ mà phải đặt trách nhiệm lên "đôi vai" của mỗi cán bộ thực thi công vụ và mỗi cơ quan hữu quan…

Không thể cứ chạy theo khắc phục vụ việc rồi đâu lại vào đó!

Nguyễn Đức