Điều hành tín dụng những tháng cuối năm: Vẫn là ''trông giỏ bỏ thóc''

Tài chính - Ngày đăng : 06:28, 30/08/2022

(HNM) - Số liệu mới nhất của Ngân hàng Nhà nước cho thấy, tăng trưởng tín dụng tính đến ngày 15-8 đạt 9,62%, nhưng mức tăng đã chậm lại so với thời điểm cuối tháng 6 (tín dụng tăng 9,35%). Theo lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước, trong những tháng cuối năm 2022, tín dụng sẽ vẫn là "trông giỏ bỏ thóc", dồn vốn vào những lĩnh vực được đánh giá là an toàn cho nền kinh tế, góp phần hỗ trợ doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh.

Khách hàng giao dịch tại Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt. Ảnh: Nguyễn Quang

Tăng trưởng tín dụng đang chậm lại

Với mức tăng 9,62% tính đến ngày 15-8, tín dụng toàn nền kinh tế đạt trên 11,45 triệu tỷ đồng. Nếu quan sát trong vòng hơn 1,5 tháng qua, tín dụng ngân hàng chỉ tăng 0,27% (đến cuối tháng 6-2022 tín dụng tăng 9,35%). Mặc dù mức tăng đã chậm lại, song nếu so với cùng kỳ những năm trước, tín dụng tăng trưởng khá mạnh. Đến thời điểm này, Ngân hàng Nhà nước vẫn giữ mục tiêu tăng trưởng tín dụng cả năm 2022 ở mức 14%, vì thế nhiều ngân hàng thương mại đã gần như sử dụng hết hạn mức (room) tín dụng được cho phép từ đầu năm.

Theo Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa, thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tài chính, tiền tệ quốc gia, trong những tháng cuối năm, dư nợ tín dụng toàn nền kinh tế có thể tăng thêm 400-500 nghìn tỷ đồng. Con số này không nhỏ. Nếu cơ quan chức năng không áp dụng cơ chế room tín dụng, hệ thống ngân hàng gặp rủi ro thanh khoản, nợ xấu, kéo theo bất ổn kinh tế vĩ mô.

Mặc dù cần thận trọng, nhưng đại diện của các ngân hàng thương mại đều khẳng định, hoạt động của các ngân hàng vẫn rất an toàn và tín dụng tiếp tục tập trung vào lĩnh vực ưu tiên của nền kinh tế. Theo đại diện Ngân hàng thương mại cổ phần Bưu điện Liên Việt (LienVietPostBank), hiện nay, thanh khoản hệ thống ngân hàng hoàn toàn trong khả năng kiểm soát, tỷ lệ cho vay so với vốn lưu động theo tính toán sơ bộ là 92%, vẫn ở mức an toàn. Tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn hiện nay 25,2% trong khi ngưỡng cho phép của Ngân hàng Nhà nước bắt đầu từ ngày 1-10-2022 là 34%.

Các ngân hàng thương mại cũng cho biết, dòng vốn trung và dài hạn chảy vào hệ thống ngân hàng đang mạnh hơn, đặc biệt là trong 3 tháng gần đây. Trong đó, tỷ trọng vốn ngắn hạn và trung dài hạn hiện nay không còn ở tỷ lệ 20-80% như trước đây, mà đã được cải thiện rất nhiều.

Theo Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng, với biện pháp điều hành hằng năm, từ năm 2011 đến nay, tăng trưởng tín dụng đã giảm từ mức trên 30%/năm, cá biệt có năm tăng 53,8%, xuống khoảng 12-14%/năm, từ đó góp phần ổn định thị trường tiền tệ, kiểm soát và duy trì lạm phát ổn định dưới 4%.

Phân bổ tăng trưởng tín dụng

Chuyên gia kinh tế, Tiến sĩ Cấn Văn Lực cho rằng, Ngân hàng Nhà nước nên xem xét sớm nới room còn lại cho các tổ chức tín dụng, bởi nếu không khơi thông dòng vốn, nền kinh tế mất cơ hội phục hồi, nợ đọng giữa các doanh nghiệp và nợ xấu ngân hàng tăng lên. Việc phân bổ dần hạn mức tín dụng trong tháng cuối quý III và quý IV-2022 sẽ giúp hoạt động của các ngân hàng và doanh nghiệp vận hành nhịp nhàng, hài hòa cùng với các yêu cầu về an toàn vốn, giúp thu hẹp khoảng cách giữa huy động và cho vay.

“Ngân hàng Nhà nước sẽ cấp thêm hạn mức tín dụng cho ngân hàng thương mại vào thời điểm hợp lý, song room tín dụng sẽ có sự phân hóa. Mức điều chỉnh room tín dụng cho từng ngân hàng phụ thuộc vào nhiều yếu tố như chất lượng tài sản, quy mô hoạt động của ngân hàng, cũng như việc thực hiện chủ trương, định hướng điều hành của Chính phủ…”, Tiến sĩ Lê Xuân Nghĩa nhận định.

Các chuyên gia cũng cho rằng, chỉ nên ưu tiên nới room tín dụng cho các ngân hàng tập trung cho vay 5 lĩnh vực ưu tiên, như sản xuất, dịch vụ, xuất, nhập khẩu, nông - lâm - thủy sản… Với những ngân hàng có dư nợ tập trung vào các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro vẫn cần tăng cường quản lý, bảo đảm mục tiêu an toàn hệ thống.

Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, kiểm soát lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô là mục tiêu quan trọng nhất trong điều hành chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước. Các mục tiêu khác như tín dụng, tỷ giá... đều điều hành linh hoạt xoay quanh mục tiêu này. Biện pháp điều hành và giao chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng hằng năm cho từng tổ chức tín dụng đã góp phần thúc đẩy các tổ chức tín dụng nâng cao năng lực quản trị, điều hành và các chỉ số an toàn hoạt động, đẩy mạnh quá trình cơ cấu lại, xử lý nợ xấu, giảm mặt bằng lãi suất thị trường.

Lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước thông tin, thời gian tới, Ngân hàng Nhà nước sẽ phân bổ nốt tăng trưởng tín dụng theo chất lượng và các tiêu chí đối với tổ chức tín dụng, để hướng tín dụng vào các lĩnh vực ưu tiên. Đây là thời điểm để các tổ chức tín dụng cơ cấu lại tín dụng, lựa chọn phân khúc khách hàng.

Hà Linh