Bài cuối: Đầu tư phải thiết thực, hiệu quả
Kinh tế - Ngày đăng : 07:12, 11/09/2014
Khó hoàn thành mục tiêu
Kế hoạch 166 đề ra mục tiêu đến năm 2015, giảm hộ nghèo vùng đồng bào DTTS xuống còn 8%; trường đạt chuẩn quốc gia từ 50% trở lên; thanh niên trong độ tuổi đạt trình độ THPT và tương đương trên 85%; giảm sinh bình quân từ 0,01% đến 0,02%/năm; hộ dân có điện sinh hoạt đạt 100%; hộ dân được dùng nước sinh hoạt bảo đảm vệ sinh đạt 100%; các thôn, bản đều có chi bộ và trên 65% tổ chức cơ sở Đảng đạt danh hiệu trong sạch, vững mạnh; đường liên thôn, bản, xã nhựa hóa hoặc bê tông đạt 100%. Tuy nhiên, nhiều thành viên Ban Chỉ đạo Kế hoạch 166 cho rằng nguyên nhân đầu tiên khiến chậm về đích là do việc xây dựng mục tiêu trong kế hoạch quá cao; các huyện đề xuất nhu cầu đầu tư quá lớn. Số lượng dự án, quy mô đầu tư của một số dự án đường giao thông nông thôn chưa thực sự sát với nhu cầu và khả năng cân đối nguồn lực bởi ngân sách của thành phố giai đoạn 2013-2015 tiếp tục gặp khó khăn do kinh tế suy giảm, giảm thu ngân sách.
Người dân xã Yên Bài, huyện Ba Vì thu hái chè. Ảnh: Quốc Ân |
Theo kế hoạch, năm 2014 sẽ cần 617 tỷ đồng để triển khai tiếp các dự án, nhưng do nguồn lực đầu tư hạn chế nên chỉ phân bổ được 174,5 tỷ đồng cho 31 dự án chuyển tiếp. Tuy nhiên, với chức năng là cơ quan tham mưu cho thành phố Sở KH-ĐT đề nghị Ban Chỉ đạo Kế hoạch 166 đề xuất HĐND, UBND thành phố xem xét cân đối, bố trí nguồn lực bổ sung kế hoạch vốn đầu tư năm 2014 khoảng 150 tỷ đồng, tập trung đầu tư cho khoảng 60 dự án. Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Kế hoạch 166, nếu thành phố bố trí 150 tỷ đồng theo đề xuất của Sở KH-ĐT thì con số này mới chỉ đạt 1/3 kế hoạch bổ sung vốn của năm 2014, chưa thể giải quyết được dứt điểm tình trạng các công trình thi công dang dở.
Ưu tiên các công trình cấp thiết
Đứng trước thực tế khó khăn về vốn, UBND thành phố chỉ đạo Ban Dân tộc chủ trì, phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát, đánh giá tổng thể việc thực hiện các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội của 14 xã đồng bào dân tộc miền núi; dự báo khả năng thực hiện và đề xuất các giải pháp đồng bộ, quyết liệt để thành phố chỉ đạo các ngành và các huyện thực hiện. Ban Dân tộc cùng Sở KH-ĐT, Sở Tài chính rà soát thật kỹ xác định danh mục để bảo đảm hoàn thành một số mục tiêu tối thiểu. Nhiều ý kiến cho rằng nên tập trung xây nhà văn hóa thôn theo thiết kế định sẵn thay vì xây dựng nhà văn hóa trung tâm của xã bởi xây nhà văn hóa thôn vừa phục vụ trực tiếp cho sinh hoạt văn hóa của bà con vừa tránh lãng phí. Đối với chỉ tiêu 50% số xã đạt trường chuẩn nên thay bằng tiêu chí bổ sung phòng học thiếu và xây dựng phòng học đạt tiêu chuẩn cho các bậc học.
Trong một cuộc họp gần đây, Phó Chủ tịch UBND TP Hà Nội, Trưởng ban Chỉ đạo Trần Xuân Việt yêu cầu, Ban Dân tộc cần phối hợp với các sở, ngành liên quan rà soát các dự án, sắp xếp thứ tự ưu tiên, lựa chọn các công trình cấp thiết, sớm xây dựng danh mục các dự án cần ưu tiên đầu tư, báo cáo thành phố bố trí vốn. Về quan điểm thực hiện, cần tập trung nguồn lực cho 32 dự án đang thực hiện chưa hoàn thành và các dự án mới thuộc nhóm các công trình hạ tầng dân sinh bức xúc. Phó Chủ tịch UBND thành phố cũng yêu cầu các sở, ngành cần cùng nhau xác định quy mô đầu tư trong quá trình thẩm định nguồn vốn và khả năng cân đối bố trí vốn bảo đảm công trình được đầu tư thực sự thiết thực, hiệu quả và phù hợp với nhu cầu sử dụng trong điều kiện ngân sách cân đối còn khó khăn, tránh lãng phí. Mặt khác, các thành viên Ban Chỉ đạo cần tích cực kêu gọi sự góp sức của các tổ chức đoàn thể, doanh nghiệp, người dân, tiến tới xã hội hóa công tác đầu tư, xây dựng cơ sở hạ tầng tại những khu vực có đông đồng bào DTTS miền núi sinh sống trên địa bàn thành phố.
Hà Nội là một trong ba địa phương trong cả nước đã ban hành nghị quyết chuyên đề về phát triển vùng đồng bào DTTS miền núi. Điều đó thể hiện sự quan tâm sâu sát của lãnh đạo thành phố tới đồng bào DTTS sinh sống trên địa bàn. Trong số 152 thôn của đồng bào DTTS miền núi còn 26 thôn thuộc diện đặc biệt khó khăn rất cần quan tâm đến sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, thành phố và các ngành chức năng cần nghiên cứu thật kỹ trong việc cân đối ngân sách cũng như kêu gọi đầu tư để việc thực hiện Kế hoạch 166, nhất là công trình dân sinh bức xúc hoặc các dự án đang chậm tiến độ sớm hoàn thành, đưa vào sử dụng. Qua đó tạo điều kiện thuận lợi để bà con người DTTS sinh hoạt, sản xuất, sớm thoát khỏi đói nghèo và lạc hậu, bắt nhịp được với cuộc sống của các vùng khác trên địa bàn Thủ đô, góp phần thực hiện chủ trương của Đảng về phát triển kinh tế đi đôi với công bằng xã hội, tăng cường củng cố khối đại đoàn kết dân tộc.
Bên cạnh đó, tiến độ và khả năng không hoàn thành Kế hoạch 166 cũng là bài học cần rút kinh nghiệm chung đối với các cơ quan tham mưu của UBND thành phố trong việc xây dựng các chủ trương, chính sách. Khi xây dựng kế hoạch phải bảo đảm sát thực tế, năng lực của thành phố và địa phương, tránh gây khó khăn trong quá trình triển khai thực hiện.