Mở rộng cuộc chiến chống khủng bố
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 07:01, 11/09/2014
"Liên minh nòng cốt" gồm Mỹ, Anh, Pháp, Đức, Canada, Australia, Thổ Nhĩ Kỳ, Italia, Ba Lan và Đan Mạch đã đồng ý sử dụng vũ lực tấn công IS bởi những nguy cơ mà nó có thể gây ra đối với các nước thành viên.
Sự lớn mạnh nhanh chóng của tổ chức IS đang đe dọa an ninh khu vực và thế giới. |
Sự tàn bạo của IS với các vụ tàn sát tập thể, bắt cóc, kỳ thị tín ngưỡng cũng như các vụ hành quyết con tin… vi phạm nghiêm trọng luật pháp quốc tế đã làm dấy lên làn sóng giận dữ khắp thế giới. Hơn thế, tổ chức này ngày càng khiến các quốc gia phương Tây, nhất là Anh, Mỹ "đứng ngồi không yên" khi các tin tức tình báo cho thấy, số công dân mang quốc tịch Anh, Mỹ tham gia IS đang tăng từng ngày. Tất cả các quốc gia trên thế giới từ Bắc Mỹ đến Châu Âu và các nước Arab ở vùng Vịnh đều quan ngại sâu sắc về sự cực đoan tôn giáo đến vô cảm của IS. Và vụ hành quyết 2 nhà báo Mỹ James Foley và Steven Sotloff khiến cả thế giới bàng hoàng là "giọt nước làm tràn ly". Trước đó, cộng đồng quốc tế đã phản ứng mạnh khi phiến quân IS thảm sát người Kurd và các sắc dân thiểu số tại những vùng IS chiếm cứ trên lãnh thổ Iraq và Syria. Vì thế, trong bài phát biểu trước một ủy ban của Quốc hội Pháp, Ngoại trưởng Laurent Fabius đã hối thúc tất cả các nước trong khu vực hãy cùng phương Tây chống lại IS. Còn Mỹ đã bắt đầu chiến dịch ngoại giao tìm kiếm sự ủng hộ các chiến dịch quân sự mà nước này có thể để chống IS.
Mới nhất, ngày 9-9, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry đã lên đường tới Trung Đông để bàn thảo với các nước trong khu vực nhằm đối phó và đi đến xóa bỏ IS. Trong chuyến thăm, ông Kerry có cuộc gặp với những người đồng cấp của 6 quốc gia Arab tại thành phố cảng Jeddah (Saudi Arabia) để bàn biện pháp đối phó với chủ nghĩa khủng bố, cụ thể là nhóm phiến quân IS đang gây căng thẳng ở Iraq. Trước khi tới Saudi Arabia, Ngoại trưởng J.Kerry sẽ dừng chân tại Jordan. Cũng trong tuần này, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Chuck Hagel cũng đã tới Thổ Nhĩ Kỳ (9-9) để xây dựng một liên minh quốc tế chống IS.
Trên tinh thần đó, Hội nghị Ngoại trưởng Liên đoàn Arab (AL) vừa nhóm họp tại Cairo (Ai Cập) tuyên bố sẵn sàng hợp tác cả trên bình diện khu vực lẫn quốc tế nhằm chống lại IS - lực lượng được xác định là "thách thức chưa từng có" đối với sự tồn vong của các quốc gia thành viên AL. Bước đầu, AL đã ngay lập tức nhất trí chặn các nguồn cung vũ khí và tài chính cho IS, buộc quốc gia thành viên như Saudi Arabia và Qatar đoạn tuyệt các hợp đồng "ma" từng giúp IS phát triển như vũ bão chỉ trong một năm qua.
Với nguồn lực lớn về tài chính cùng các quan hệ gần gũi với các lực lượng trên thực địa ở biên giới Iraq và Syria - nơi được xác định là vùng ảnh hưởng của IS - tổ chức khu vực gồm 22 thành viên của AL được đánh giá là "mắt xích" không thể thiếu trong liên minh quốc tế vừa được Mỹ khởi xướng hứa hẹn một bảo đảm chiến thắng cho bất kỳ chiến dịch nào chống lại IS. Mặc dù không có trong danh sách liên minh chống IS của Mỹ nhưng Chính phủ Syria cũng lên tiếng sẽ chiến đấu chống lại IS; trong khi đó, Iran cho hay, sẽ giúp đỡ về chính sách cũng như "cố vấn" cho Chính phủ Iraq và người Kurd đang chiến đấu chống lại IS…
Hiện đã có hơn 40 quốc gia sẵn sàng gia nhập "liên minh quốc tế" do Mỹ đứng đầu chống lại nguy cơ có thể từ IS. Chưa một cuộc chiến nào trong lịch sử hiện đại do Washington phát động lại tập hợp được một liên minh chiến đấu lớn đến vậy. Điều này đủ thấy thách thức trong tương lai của Mỹ về một cuộc chiến nhuốm màu ý thức hệ sâu sắc.
Bằng các cuộc tiến công chớp nhoáng và đẫm máu, IS đang tham vọng vẽ lại bản đồ Trung Ðông. Nếu không được ngăn chặn, đây sẽ là thảm kịch khu vực và đe dọa lợi ích không chỉ của Mỹ. Do đó, để làm suy yếu và đi đến diệt trừ IS, Tổng thống Mỹ B.Obama dường như đã sẵn sàng cho một chiến lược mở rộng hơn. Quyết tâm này sẽ được thể hiện qua bài phát biểu của ông chủ Nhà Trắng về kế hoạch tổng tấn công và quét sạch lực lượng Nhà nước Hồi giáo vào chiều tối ngày 10-9 (giờ Mỹ), đúng thời điểm xứ Cờ hoa kỷ niệm 13 năm thảm họa khủng bố 11-9-2001.
Dẫu vậy, Mỹ cũng như một số quốc gia trong liên minh đã lên tiếng cảnh báo cuộc chiến chống IS có thể không nhanh chóng thành công; và rằng sự đoàn kết, ổn định giữa các quốc gia trong liên minh là vô cùng quan trọng. Đây hẳn là một thách thức không mong đợi với Mỹ cũng như nhiều quốc gia trong một cuộc chiến chống khủng bố kiểu mới.