Thi theo môn, tổ chức thi theo cụm
Tuyển sinh - Ngày đăng : 06:04, 10/09/2014
Lựa chọn phương án thi theo môn và tổ chức thi tại cụm do trường ĐH chủ trì, ngành GD-ĐT đã nhận về mình những khó khăn trong tổ chức triển khai để kỳ thi đạt được mục tiêu kép là điều có thể thấy rõ qua cuộc trao đổi của Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển với phóng viên Báo Hànộimới ngay sau cuộc họp báo.
Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Vinh Hiển. |
- Như vậy, sau một thời gian nghiên cứu, lắng nghe ý kiến của toàn xã hội, Bộ GD-ĐT đã quyết định phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia nghiêng về phương án 1 như đã công bố. Có vẻ như Bộ đã chọn giải pháp an toàn, chứ không phải chọn sự đổi mới thực sự thưa ông?
- Chủ trương tổ chức một kỳ thi THPT quốc gia đã được thai nghén từ hàng chục năm nay, nhưng vì nhiều lý do chưa thể thực hiện được. Sau những thành công trong đổi mới thi, tuyển sinh của một vài năm vừa qua, nhất là năm 2014, được xã hội thừa nhận, ngành GD-ĐT đã xin phép và được Thủ tướng Chính phủ đồng ý tổ chức kỳ thi THPT quốc gia ngay năm 2015.
Tuy nhiên, kỳ thi không thuần túy là một công việc mang tính kỹ thuật của ngành giáo dục mà nó là vấn đề có tính xã hội rất lớn. Bởi thế, mọi quyết định đều phải thận trọng. Khi lựa chọn phương án, Bộ GD-ĐT đã cân nhắc rất kỹ mọi phương diện, đặc biệt là phải đặt quyền lợi của thí sinh lên trên hết. Phương án tổ chức thi được lựa chọn đã bảo đảm được mục tiêu cao nhất này bởi nó ít xáo trộn, không gây lo lắng, áp lực tâm lý đối với giáo viên, với cả những học sinh sẽ tốt nghiệp vào năm 2015 và những học sinh đã học xong chương trình THPT từ năm 2014 về trước; việc chấm bài thi thuận lợi, dễ dàng; học sinh có thể dự thi nhiều môn nên có nhiều cơ hội dự tuyển vào các trường ĐH, CĐ.
Việc thi theo môn và cho thí sinh chọn môn thi phù hợp với định hướng của Nghị quyết 29-NQ/TƯ; tạo thuận lợi cho việc ra đề thi, bảo đảm đánh giá được mức độ học vấn phổ thông và phân hóa tốt hơn năng lực của thí sinh; phân luồng mạnh đối với người học sau cấp THPT; giúp các trường ĐH, CĐ lựa chọn được thí sinh phù hợp với ngành đào tạo của trường.
- Phương án cụ thể đối với học sinh đang học lớp 12 và với những thí sinh đã tốt nghiệp THPT các năm trước có gì khác nhau thưa ông?
- Với học sinh đang học lớp 12 năm nay, để được xét công nhận tốt nghiệp THPT và xét tuyển sinh vào các trường ĐH, CĐ, thí sinh phải thi 4 môn (gọi là 4 môn thi tối thiểu) gồm 3 môn bắt buộc là toán, ngữ văn, ngoại ngữ và 1 môn tự chọn trong số các môn vật lý, hóa học, sinh học, lịch sử và địa lý. Ngoài 4 môn thi tối thiểu, thí sinh có thể đăng ký thi thêm các môn khác trong số các môn tự chọn để có thêm cơ hội xét tuyển vào ĐH, CĐ. Những học sinh không được học ngoại ngữ hoặc học trong điều kiện không bảo đảm chất lượng sẽ được chọn thi môn thay thế. Với những học sinh có chứng chỉ ngoại ngữ trong danh mục chứng chỉ được Bộ GD-ĐT công bố sẽ được sử dụng để xét công nhận tốt nghiệp THPT.
Với những thí sinh đã tốt nghiệp THPT từ năm 2014 trở về trước, nay có nguyện vọng thi ĐH, CĐ, sẽ đăng ký các môn thi phù hợp với yêu cầu tuyển sinh của trường ĐH, CĐ mà thí sinh lựa chọn.
- Với cách tổ chức thi như ông vừa trao đổi, có vẻ như mục tiêu tuyển sinh ĐH, CĐ đã được ưu tiên hơn. Thời gian thi cũng được công bố đối với các môn tự luận tối đa là 180 phút, trắc nghiệm là 90 phút. Chắc hẳn đề thi sẽ giống đề thi ĐH hơn là đề thi tốt nghiệp, thưa ông?
- Trong vài năm gần đây, đặc biệt là năm 2014, đề thi tốt nghiệp THPT hay tuyển sinh ĐH, CĐ cũng đều đánh giá 4 mức độ: Nhận biết, hiểu, vận dụng và vận dụng cao. Đề thi năm 2015 cũng sẽ yêu cầu 4 trình độ này, trong đó có phần kiến thức cơ bản để đáp ứng đánh giá tốt nghiệp, đồng thời có độ phân hóa cao để phục vụ cho mục đích tuyển sinh. Trong những năm tiếp theo, cùng với việc nâng cao chất lượng giáo dục phổ thông, những câu hỏi trình độ vận dụng và vận dụng cao sẽ được tăng dần. Riêng với môn ngoại ngữ, trong năm tới, đề thi vẫn là thi trắc nghiệm. Sau này, khi Bộ GD-ĐT xây dựng xong trung tâm khảo thí năng lực ngoại ngữ quốc gia, thi ngoại ngữ sẽ kiểm tra cả 4 kỹ năng nghe, nói, đọc, viết và học sinh có thể dự thi vào những thời điểm khác nhau trong năm để có chứng chỉ.
- Theo quyết định của Bộ GD-ĐT, việc coi thi, chấm thi được tổ chức theo cụm. Bộ GD-ĐT sẽ công bố các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường đại học đủ năng lực. Có vẻ như Bộ GD-ĐT thừa nhận nếu giao cho ngành GD-ĐT địa phương tổ chức thì sẽ có độ "chênh" về độ tin cậy?
- Bộ GD-ĐT cũng như Sở GD-ĐT các địa phương luôn cố gắng để tổ chức kỳ thi nghiêm túc, công bằng để kết quả thi bảo đảm sự tin cậy. Kết quả thi tốt nghiệp THPT cũng như tuyển sinh ĐH, CĐ thực tế của những năm qua, đặc biệt là năm 2014 cũng đã chứng minh kỳ thi đã thực chất. Có thể nêu lên một minh chứng minh cho điều này. Tuy tỷ lệ đỗ tốt nghiệp các tỉnh, thành đều cao, nhưng tỷ lệ bài thi trên 5 điểm của từng môn không cao và có sự phân hóa rõ rệt giữa các địa phương. Tỷ lệ thí sinh trúng tuyển vào ĐH, CĐ khi tham gia kỳ thi chung do các trường ĐH, CĐ chịu trách nhiệm tổ chức coi, chấm thi cũng cho thấy, học sinh đến từ khu vực nông thôn chiếm tỷ lệ lớn.
Tuy nhiên, dư luận xã hội cũng như tâm lý của các trường ĐH, CĐ vẫn còn băn khoăn. Hằng năm, theo thống kê, có khoảng 20% số học sinh lớp 12 không có nguyện vọng thi ĐH, CĐ các em được thi ở địa phương. Vì thế, năm nay, Bộ sẽ tổ chức các cụm thi và giao nhiệm vụ chủ trì tổ chức coi thi, chấm thi cho các trường ĐH đủ năng lực để tạo tâm lý yên tâm cho toàn xã hội. Song tại các địa phương không có cụm thi do trường ĐH chủ trì, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho những thí sinh tham dự kỳ thi chỉ để xét công nhận tốt nghiệp THPT, Bộ GD-ĐT sẽ thống nhất với UBND cấp tỉnh tổ chức một số cụm thi do các sở GD-ĐT chủ trì.
- Việc dùng kết quả kỳ thi này để xét tốt nghiệp THPT và làm căn cứ tuyển sinh ĐH, CĐ sẽ được thực hiện như thế nào, thưa ông?
- Đối với việc xét công nhận tốt nghiệp THPT, các sở GD-ĐT kết hợp sử dụng kết quả 4 môn thi tối thiểu với điểm trung bình cả năm lớp 12 và điểm khuyến khích (nếu có) để xét công nhận tốt nghiệp THPT. Còn với việc xét tuyển vào ĐH, CĐ, căn cứ kết quả thi, Bộ GD-ĐT công bố ngưỡng điểm xét tuyển tối thiểu đối với từng môn. Các trường ĐH, CĐ sử dụng kết quả kỳ thi dựa trên ngưỡng điểm này để tuyển sinh theo quy định của quy chế. Căn cứ chỉ tiêu tuyển sinh của trường ĐH, CĐ và kết quả thi của mình, thí sinh đăng ký tuyển sinh vào các trường theo nguyện vọng cá nhân.
- Dù được công bố ngay từ đầu năm học, nhưng thời gian 10 tháng có đủ để giáo viên và học sinh chuẩn bị cho sự thay đổi này không ạ?
- Mục đích của kỳ thi THPT quốc gia là để xét công nhận tốt nghiệp THPT và là căn cứ để các cơ sở giáo dục ĐH, CĐ sử dụng trong tuyển sinh, đồng thời tác động tích cực đối với đổi mới phương pháp dạy học, thi, kiểm tra, đánh giá, nâng cao chất lượng dạy học. Phương án thi được lựa chọn không có mâu thuẫn gì với việc chỉ đạo dạy và học hiện nay. Trước ngày 1-1 hằng năm, các ĐH, học viện, trường ĐH, CĐ công bố mức độ và cách thức sử dụng kết quả của kỳ thi để tuyển sinh vào trường mình cho thí sinh lựa chọn. Các trường không sử dụng kết quả này để tuyển sinh mà sử dụng phương thức khác phải xây dựng và công bố công khai đề án tự chủ tuyển sinh theo quy định của quy chế. Vì thế, tôi cho rằng, giáo viên và học sinh không có gì khó khăn so với mọi năm trong việc chuẩn bị tốt nhất cho kỳ thi sắp tới.
- Liệu phương án này có được duy trì trong thời gian dài?
- Phương án tổ chức kỳ thi THPT quốc gia phù hợp với mục tiêu đổi mới chương trình, SGK cho nên cách thức thi này sẽ được duy trì lâu dài, chỉ thay đổi về tình tiết cụ thể, ví dụ: Cách ra đề, cách lựa chọn môn thi… theo hướng đáp ứng ngày càng tốt hơn mục tiêu đánh giá đúng năng lực của học sinh khi chất lượng giáo dục được nâng dần lên, nhất là khi chúng ta triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới. Đây là phương án thi tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ từ năm 2015, chứ không chỉ cho riêng năm 2015.
- Thi 8 môn, kỳ thi sẽ diễn ra trong 4 ngày, khối lượng công việc tăng lên đáng kể, kinh phí tổ chức kỳ thi cũng sẽ tăng. Bộ GD-ĐT chắc đã lường hết những khó khăn khi gộp hai kỳ thi quốc gia thành một?
- Chắc chắn là kỳ thi THPT quốc gia sẽ mang lại sự đổi mới cho giáo dục, giảm căng thẳng, tốn kém cho xã hội và mỗi thí sinh cũng như gia đình các em. Vì thế, dù áp lực cũng như khối lượng công việc sẽ tăng lên rất nhiều, nhưng ngành GD-ĐT từ trung ương tới địa phương quyết tâm tổ chức tốt kỳ thi sắp tới.
Xin cảm ơn ông!