Vì sao chưa có hiệu lực?
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:14, 09/09/2014
Theo quyết định này, việc vận chuyển gia súc, gia cầm lưu thông trên đường phải bằng xe chuyên dụng, phải có bao bì và được đóng thùng… Tuy nhiên, thực tế hiện nay vẫn có tình trạng nhiều người dân không chấp hành quy định này mà cũng không gặp bất kỳ trở ngại nào. Thực trạng này không chỉ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn tiềm ẩn nguy cơ bùng phát dịch... Câu hỏi đặt ra là quy định đã được ban hành từ rất lâu nhưng vì sao đến nay vẫn chưa có hiệu lực?
Vi phạm tràn lan
Khoảng từ 2h sáng đến 5h sáng hằng ngày, trên các tuyến đường K2 Cầu Diễn (quận Nam Từ Liêm), đường Cổ Nhuế (quận Bắc Từ Liêm), đường Kim Mã (quận Ba Đình)… thường xuất hiện những chiếc xe máy chở thịt lợn cồng kềnh, quá tải, không có thùng chứa theo quy định chạy tỏa về các chợ trên địa bàn thành phố. Có xe chở đến 4 con lợn đã mổ (chia thành 8 mảnh) trần trụi, thịt lợn vắt ngang ghi đông, sau yên xe chất thành đống cao ngất ngưởng tham gia giao thông. Thậm chí, không ít người đi đường đã phải ngao ngán khi bắt gặp hình ảnh những chiếc xe chở thịt lợn, cả người cầm lái ngồi trước lẫn người ngồi sau đều ngồi chễm chệ trên đống thịt sống, xe chạy vù vù, chân giò lợn quét xuống đường quèn quẹt làm náo loạn tuyến phố.
Tràn lan vi phạm về vận chuyển gia súc, gia cầm. |
Bám theo những chiếc xe chở thịt lợn, chúng tôi có mặt tại chợ đường sắt phường Cổ Nhuế (Bắc Từ Liêm, Hà Nội). Đây là một trong số các chợ cóc có lượng tiêu thụ gia súc, gia cầm hằng ngày khá lớn. Trời còn chưa sáng hẳn nhưng chợ đã huyên náo. Vợ chồng anh Lê Văn Khánh và chị Trịnh Thị Quyên đã bán hàng ở đây gần chục năm. Anh Khánh cho biết hai vợ chồng anh phải tất bật từ 3h đêm đến cơ sở giết mổ lấy thịt lợn để kịp có mặt tại chợ lúc 5h. Dưới ánh đèn sáng rực một góc chợ, anh Khánh dỡ thịt từ trên xe đặt xuống tấm nilon to trải dưới nền đất cạnh đường tàu, rồi khẩn trương xẻ những tảng thịt cho vợ dọn lên bàn bày bán. Khi được hỏi về quy định vận chuyển gia súc, gia cầm anh chia sẻ: "Cũng biết có quy định cấm cách đây mấy năm rồi, nhưng tôi buôn bán nhỏ lẻ, mỗi ngày vài chục cân, sắm xe chuyên chở thì đủ thứ chi phí, lỉnh kỉnh đồ đạc đi kèm rất tốn kém. Nuôi 2 đứa con ăn học cũng chật vật lắm". Rồi anh kể, ngày đầu mới triển khai Quyết định 51 anh cũng đã bị cơ quan chức năng xử phạt nhưng "thà chịu phạt còn hơn vì số tiền phạt vẫn ít hơn số tiền mua xe. Bẵng đi một thời gian không thấy ai kiểm tra nữa nên lại đâu vào đấy thôi".
Anh Khánh chỉ về phía những thanh niên đang ăn sáng gần đó. Họ là những người chở hàng thuê, chuyên đến cơ sở giết mổ lấy hàng cho người bán lẻ ở chợ, đều nghèo cả, những chiếc thùng chở thực phẩm tươi sống cũng là họ tự đóng lấy. Cũng theo lời anh Khánh, do muốn cung cấp thịt mới mổ nhanh đến các chợ, đồng thời vừa tiết kiệm được chi phí vận chuyển nên mỗi xe thường chất 4 - 5 con lợn và chuyện chở quá tải trọng quy định là thường tình. Vì vậy họ tìm cách len lỏi vào các đoạn đường ngang, ngõ tắt để tránh sự kiểm tra của lực lượng chức năng… Chàng thanh niên nhỏ thó, đen nhẻm, ngại ngùng chia sẻ: "Theo hợp đồng chạy thuê, cứ sáng sớm em đến lò giết mổ, điểm tâm bát bún, hoặc bát cháo lòng tại chỗ, chờ chủ hàng gọi là nổ máy lên đường, chở thịt về chợ. Chúng em ai có xe gì dùng xe đấy, có xe Dream cũ để chạy đã là tốt lắm rồi. Vẫn biết là sai nhưng đóng thùng thì vừa mất thời gian lại chở được ít, phải "quá tải" thì mới được nhiều tiền nên nhồi nhét được bao nhiêu thì cứ cố thôi".
Như vậy, việc người dân viện cớ khó khăn, không chịu đổi mới, cải tạo phương tiện vận chuyển gia súc gia cầm, các cơ quan chức năng bỏ ngỏ trong kiểm soát và xử lý vi phạm là nguyên nhân dẫn đến Quyết định 51/2009/QĐ-UB chưa được thực thi một cách nghiêm túc.
Giải pháp tháo gỡ bất cập
Theo số liệu của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Hà Nội: Đến thời điểm hiện tại, Hà Nội vẫn còn khoảng 2.500 điểm giết mổ gia súc, gia cầm nhỏ lẻ. Thực tế hiện nay, hầu hết gia cầm sống được vận chuyển bằng xe máy từ các huyện ngoại thành và các tỉnh lân cận vào nội thành để tiêu thụ. Thịt gia súc được bàn bán ở các chợ hiện nay cũng đều được vận chuyển bằng xe máy, không che đậy, bất kể trời mưa hay nắng nóng. Việc làm này không chỉ gây mất an toàn vệ sinh thực phẩm mà còn có nguy cơ lây nhiễm ra môi trường xung quanh nếu như con lợn đó bị bệnh. Chính vì vậy, công tác quản lý, kiểm soát bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm càng trở nên cần thiết hơn bao giờ hết.
Có thể thấy, liên quan đến công tác quản lý kiểm soát gia súc, gia cầm bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm, thời gian qua đã có rất nhiều văn bản chỉ đạo của các ban, ngành hữu quan, song đến nay vẫn chưa được thực hiện một cách hiệu quả. Nguyên nhân chính là do (gia súc, gia cầm) nguồn nguyên liệu phục vụ giết mổ chủ yếu vẫn phải nhập từ các tỉnh lân cận hoặc các huyện ngoại thành, chi phí giết mổ tập trung thường cao hơn so với các hộ giết mổ nhỏ lẻ. Công tác kiểm soát giết mổ ở nhiều địa phương cũng chưa tốt do thiếu sự phối hợp giữa các đơn vị liên quan, kiểm tra, xử lý tình trạng giết mổ lậu còn thụ động. Mặc dù thời gian qua, lực lượng thú y, cảnh sát môi trường, quản lý thị trường cũng đã tổ chức nhiều đợt kiểm tra, truy quét, nhưng do làm không liên tục, thiếu kiên quyết nên vẫn chưa giải quyết được triệt để. Bên cạnh đó, đời sống người lao động còn khó khăn khiến cho việc cải thiện chất lượng phương tiện vận chuyển cũng trở nên khó khăn hơn.
Về vấn đề này, Phó Cục trưởng Cục Thú y, Bộ NN&PTNT Đàm Xuân Thành cho biết, tình trạng vận chuyển nhỏ lẻ, thiếu kiểm soát như hiện nay luôn hiện hữu nguy cơ bùng phát dịch cúm gia cầm, lở mồm long móng, lợn tai xanh. Bộ NN&PTNT đã đề xuất Hà Nội khẩn trương và quyết liệt thực hiện một số biện pháp cấp bách như: Chỉ đạo các cơ quan Thú y, Công an, Quản lý thị trường, Ban quản lý chợ… thường xuyên tổ chức thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong việc giết mổ, vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ gia súc, gia cầm nhằm tạo điều kiện cho các cơ sở giết mổ tập trung phát triển ổn định, từng bước xóa bỏ các điểm giết mổ nhỏ lẻ không bảo đảm điều kiện vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm...
Về việc "tái" khởi động lại Quyết định 51/2009/QĐ-UB về vận chuyển gia súc, Giám đốc Sở Công thương Hà Nội Lưu Tiến Long cho rằng, Quyết định 51 có tính đặc thù và việc triển khai thực hiện cần có lộ trình để người dân thay đổi nhận thức. Ông Long nhấn mạnh, chỉ với những giải pháp mạnh tay mới có thể mang lại hiệu quả cho công tác phòng chống dịch bệnh liên quan đến gia súc, gia cầm cũng như an toàn vệ sinh thực phẩm.