Xác định vị trí việc làm: Khi nào có "chuẩn"?

Đời sống - Ngày đăng : 06:18, 09/09/2014

(HNM) - Sau một thời gian, nhiều đơn vị trên địa bàn TP Hà Nội đang lúng túng bởi chưa có


Đến thời điểm này, hầu hết đơn vị sự nghiệp công lập của TP Hà Nội đã xây dựng xong đề án vị trí việc làm và đang trong thời gian chỉnh sửa, hoàn thiện. Tại khối cơ quan hành chính nhà nước, cũng đã có 100% cơ quan xây dựng xong đề án, hiện đang tiếp tục hoàn thiện. Tuy nhiên, việc triển khai như vậy vẫn chậm so với yêu cầu. Cùng với những nguyên nhân chủ quan của một số đơn vị như chưa coi đây là nhiệm vụ trọng tâm thì những nguyên nhân khách quan chưa được tháo gỡ đã làm ảnh hưởng đến tiến độ thực hiện. Khó khăn chung là ngay thông tư hướng dẫn cũng chưa thật rõ ràng. Cụ thể là biểu mẫu "Thống kê công việc cá nhân" còn sơ lược, thiếu thông tin về thời gian hoàn thành công việc và tổng thời gian thực hiện. Khó khăn nữa là việc thống kê công việc thế nào cho chính xác, bởi các văn bản hướng dẫn về nội dung này cũng chỉ mang tính chất định tính.

Cần sớm hoàn thành công tác xác định vị trí việc làm nhằm góp phần thực hiện hiệu quả Đề án “Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức”. Ảnh: Bảo Kha



Theo lãnh đạo huyện Mê Linh, vướng mắc nhất trong hoàn thành đề án vị trí việc làm của huyện là xác định số biên chế cần có cho từng đơn vị. Lãnh đạo Sở GT-VT cũng cho biết, công việc được giao đều tăng qua các năm nhưng số lượng biên chế vẫn giữ nguyên, điều này đã ảnh hưởng đến kết quả làm việc của đội ngũ công chức, viên chức. Kèm theo đó, việc xây dựng khung năng lực cho từng vị trí việc làm cũng mang tính chất định tính và bị chi phối bởi số lượng, chất lượng, kỹ năng làm việc của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức. Tương tự, việc quy định về hạng chức danh cũng không có văn bản hướng dẫn cụ thể. Những khó khăn trên khiến nhiều đơn vị lúng túng, phải chỉnh sửa nhiều trong quá trình triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm. Trong khi đó, Bộ Nội vụ chưa kịp thời ban hành những văn bản hướng dẫn cụ thể xây dựng đề án. Ngay một số đơn vị làm điểm của Hà Nội (gồm Sở Nội vụ, Sở TN-MT, quận Long Biên, huyện Đan Phượng) đã chủ động đề xuất cách làm và hoàn thành đề án, trình Bộ Nội vụ mà mấy tháng qua vẫn chưa nhận được ý kiến phản hồi.

Hiện tại, những cơ quan, đơn vị đã và đang hoàn thiện đề án vị trí việc làm đều đề xuất tăng biên chế. Thậm chí, có đơn vị sau khi xác định vị trí việc làm xong thì số biên chế tương ứng tăng gần gấp đôi số biên chế hiện có. Quận Long Biên đã thực hiện khá chặt chẽ, bài bản việc xác định vị trí việc làm cũng đưa ra kết quả là 62 vị trí việc làm với 165-177 biên chế tương ứng (tăng khoảng 50 đến 60 người so với số biên chế hành chính hiện có). Trong khi đó, TƯ và thành phố đều xác định từ nay đến năm 2016 cơ bản không tăng biên chế. Phó Giám đốc Sở Nội vụ Phùng Văn Thiệp khẳng định: "Xác định vị trí việc làm phải xác định từ khối lượng công việc được giao, nếu không thì không khuyến khích được mọi người làm. Nơi nào khối lượng công việc quá nhiều, quá áp lực thì cần thiết phải tăng". Đồng tình với quan điểm này, nhiều chuyên gia cũng cho rằng, khi đã xác định "chuẩn" về vị trí việc làm thì có vị trí cần tăng, ắt sẽ có vị trí phải giảm chứ không tăng đồng loạt.

Như vậy, để xác định được tăng hay giảm biên chế thì điều cốt lõi vẫn là cần có một phương pháp "chuẩn" để xác định vị trí việc làm được triển khai thống nhất, đồng bộ. Mục tiêu của Đề án "Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ, công chức" là: "Đến năm 2015 có 70% các cơ quan, tổ chức của nhà nước từ TƯ đến cấp huyện xây dựng và được phê duyệt danh mục vị trí việc làm và cơ cấu công chức theo ngạch". Do đó, Bộ Nội vụ cần sớm xem xét, cho ý kiến về kết quả triển khai của các đơn vị, kịp thời điều chỉnh, hướng dẫn chi tiết cách làm đối với từng nội dung để các đơn vị tiếp cận dễ dàng hơn với một công việc mới và khó.

Phong Thu