Nguy cơ hiện hữu

Góc nhìn - Ngày đăng : 06:13, 07/09/2014

(HNM) - Con số hàng vạn lao động Trung Quốc sẽ "đổ bộ" vào dự án Formosa Hà Tĩnh mà một số phương tiện truyền thông đưa ra gần đây là không xác thực. Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội khẳng định như vậy.



Còn theo báo cáo của Ban Quản lý khu kinh tế Hà Tĩnh, trong quý IV-2014 và quý I-2015 các nhà thầu cần khoảng 50.000 lao động, trong đó có khoảng 8.000 lao động nước ngoài. Nhiều người cho rằng việc mở cửa đối với lao động nước ngoài sẽ ảnh hưởng đến khả năng tìm việc làm của lao động trong nước. Điều này hoàn toàn có cơ sở. Thế nhưng cũng có ý kiến khác như việc thuê lao động nước ngoài chủ yếu do sự thiếu hụt đội ngũ lao động có trình độ... Việc này cần nhìn nhận thế nào?

Tính đến hết năm 2013, có khoảng 77.000 người nước ngoài làm việc tại Việt Nam. Nhiều cộng đồng cư dân nước ngoài đang hình thành ở một số địa phương… Điều này khiến nhiều người lo ngại, mặc dù thị trường lao động dành cho người nước ngoài tại Việt Nam chưa rộng mở. Tuy nhiên, cũng phải thấy rằng, trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng như hiện nay, sự dịch chuyển lao động và di cư giữa các quốc gia là một thực tế và đây cũng không phải là "chuyện riêng" của Việt Nam. Những cộng đồng người Việt đã hình thành tại Châu Âu, Châu Mỹ và cả ở Châu Phi, có đóng góp đáng ghi nhận cho nền kinh tế nước sở tại. Do vậy, không lý gì Việt Nam lại đóng cửa thị trường lao động nội địa. Chưa kể khi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) trở thành hiện thực thì việc mở cửa thị trường lao động là yêu cầu không thể tránh khỏi.

Thay vì bàn luận một cách cực đoan và thiếu căn cứ, hoặc những biểu hiện tiêu cực như tẩy chay lao động người nước ngoài, cần được nhìn nhận sự việc một cách nghiêm túc, khách quan và có những đối sách phù hợp. Trước hết là hoàn thiện hệ thống pháp luật, các quy định pháp lý theo thông lệ quốc tế, để có thể quản lý chặt chẽ các nhóm người nước ngoài, bảo đảm họ sinh sống và làm việc theo đúng pháp luật và có cách hành xử văn minh, phù hợp với truyền thống văn hóa Việt Nam; đồng thời có thể khai thác, phát huy công nghệ tiên tiến từ các nhà đầu tư, cũng như chất xám và sức lao động của người nước ngoài để thúc đẩy phát triển kinh tế đất nước.

Tại sao người Việt Nam khi tham gia thị trường lao động xuất khẩu thường phải chấp nhận hưởng mức lương thấp hơn so với lao động Philippines hay Indonesia? Vì sức khỏe, kỷ luật và kỹ năng lao động hay chỉ vì tiếng Anh kém hơn? Một khi không đủ năng lực cạnh tranh trên thị trường quốc tế, đương nhiên phải chấp nhận thiệt thòi. Và đáng nói hơn, thời gian tới khi các rào cản kỹ thuật không còn phát huy tác dụng, lao động Việt Nam sẽ phải cạnh tranh ngay trên "sân nhà" để tìm kiếm việc làm. Đây là một thách thức lớn, đặc biệt khi Việt Nam hiện đang phải đối mặt với tình trạng thiếu hụt nguồn nhân lực có chất lượng cao và thiếu việc làm khi nhiều doanh nghiệp rơi vào cảnh sản xuất cầm chừng hoặc phá sản.

Nếu các cơ quan chức năng không đưa ra được những giải pháp mạnh mẽ để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực, lao động Việt Nam sẽ phải nhường chỗ cho lao động nước ngoài tại nhiều dự án và như vậy sẽ kéo theo không ít hệ lụy xã hội. Nhưng để giải quyết hài hòa quyền lợi của các nhà đầu tư, lợi ích của người lao động và các vấn đề kinh tế, xã hội, an ninh - quốc phòng không phải vấn đề đơn giản. Trước xu hướng dịch chuyển lao động và di dân hiện nay, chúng ta cần chủ động các giải pháp để có thể tự bảo vệ mình trước mọi nguy cơ, cũng như những sự thay đổi của thời cuộc.

Thế Phương