Tân Cương: Tiềm năng và thách thức

Hồ sơ - Ngày đăng : 07:37, 06/09/2014

(HNM) - Cuối tháng 5 vừa qua, Trung Quốc đã triển khai chiến dịch chống khủng bố kéo dài một năm (tới tháng 6-2015) trên toàn quốc, trong đó Khu tự trị Tân Cương là địa bàn trọng yếu.

Bên cạnh việc tuyên án tử hình hàng chục đối tượng với tội danh "tấn công khủng bố", nhà chức trách tuyên bố sẽ truy bắt và xét xử những phần tử liên quan. Tuy nhiên, theo thống kê, ngay sau khi tuyên bố mạnh mẽ của Chủ tịch Tập Cận Bình được phát đi, đến thời điểm này, hàng chục cuộc tấn công khủng bố đẫm máu đã xảy ra. Những phần tử khủng bố ở Trung Quốc đã tăng cường các cuộc tấn công chớp nhoáng, sử dụng các loại vũ khí đơn giản như dao, bom tự chế… ở khắp khu vực Tân Cương, nhằm vào nơi đông người, từ nhà ga xe lửa đến đồn cảnh sát, gây nên các vụ tấn công đẫm máu.

Được mệnh danh là "viên ngọc" về địa chính trị, năng lượng, khoáng sản, nhưng Tân Cương đang trở thành điểm nóng của sự bất ổn tại Trung Quốc. Về địa lý, Tân Cương (tên chính thức là Khu tự trị Duy Ngô Nhĩ Tân Cương) là khu vực ít được chú ý bởi cách xa hơn so với các vùng phên giậu khác của Trung Quốc. Thủ phủ Urumqi của Tân Cương cách Bắc Kinh hơn 3.100km, còn Kashgar - thành phố từng là trung tâm của Con đường Tơ lụa lịch sử - cách bờ biển phía đông của nước này 4.400km. Trong 2.500 năm qua, khu vực từng được gọi là Tây Vực này nhiều lần tách ra, nhập vào Trung Quốc cho đến tận thế kỷ XVIII. Nhà Thanh (1644 -1911) đã thôn tính hoàn toàn Tân Cương trong nỗ lực đối phó sự trỗi dậy của nước Nga. Cái tên Tân Cương, nghĩa là "Biên cương mới", xuất hiện từ đó.

Theo thống kê chính thức, Tân Cương có trữ lượng dầu khí (đã được phát hiện) khoảng 2,5 tỷ thùng và 1.400 tỷ mét khối khí đốt (chiếm 34% trữ lượng khí đốt của Trung Quốc). Bắc Kinh đã xây dựng tuyến đường ống dài 4.000km để chuyên chở 24 tỷ mét khối khí đốt từ đây về Thượng Hải. Tân Cương cũng quản lý tuyến đường quan trọng vận chuyển dầu từ Kazakhstan về Trung Quốc. Khu vực này còn có trữ lượng than lên tới 2.190 tỷ tấn, cho sản lượng khai thác 80 triệu tấn/năm, chiếm 40% tổng sản lượng than của Trung Quốc. Tân Cương cũng sở hữu mỏ vàng, đồng, nickel và số mỏ quặng sắt chiếm tới 1/4 trữ lượng của toàn quốc.

Trong lịch sử, Tân Cương luôn là vùng đệm chiến lược bảo vệ các lợi ích quan trọng của Trung Quốc và kết nối nước này với lục địa Á - Âu. Ngày nay, vai trò của Tân Cương như một tuyến đường thương mại và vùng đệm bảo vệ vẫn đang định hình các lợi ích và chính sách của Bắc Kinh trong khu vực, đặc biệt là khi Trung Quốc tăng cường mở rộng các quan hệ năng lượng và thương mại trên bộ với Trung Á. Những năm qua, Bắc Kinh đã tích cực đầu tư phát triển kinh tế, nâng cấp các cơ sở hạ tầng, văn hóa - giáo dục nhằm cải thiện đời sống của dân cư khu tự trị Tân Cương nhưng vẫn chưa cải thiện được tình hình xung đột sắc tộc.

Những người Duy Ngô Nhĩ thường phàn nàn về việc bị cách ly và phân biệt đối xử. Từ đó, người Duy Ngô Nhĩ liên kết chống lại người Hán và đòi ly khai ra khỏi Trung Quốc từ những năm 1990. Tình trạng bạo lực, dưới cái tên "thánh chiến" bắt đầu tăng cao từ năm 2009 và là mối đe dọa lớn nhất đối với khu vực này.

Trung Quốc vẫn đang giải "bài toán" Tân Cương bằng kế hoạch thiết lập một bản sắc dân tộc của Trung Quốc cho những người Duy Ngô Nhĩ theo Hồi giáo, Phật giáo và một số nhóm khác, nhằm hướng tới mục tiêu hòa hợp dân tộc. Tuy nhiên, chính sách nào có thể hóa giải những vấn đề nhức nhối của Tân Cương vẫn là thách thức không nhỏ đối với chính quyền Trung Quốc.

Đức Luân