Kinh tế Italia: Hy vọng “1.000 ngày”
Thế giới - Ngày đăng : 07:35, 06/09/2014
Bản kế hoạch đầy tham vọng này bao gồm những cam kết của Chính phủ về cải cách lao động nhằm bảo đảm việc làm, duy trì cải cách về thuế thu nhập giúp người thu nhập thấp không phải nộp thuế 80 euro/tháng, thúc đẩy cải cách Hiến pháp nhằm tước quyền lập pháp của Thượng viện và giải tán chính quyền tỉnh để tiết kiệm ngân sách nhà nước. Ngoài ra, Thủ tướng M.Renzi còn dự định thực hiện một loạt gói cải cách liên quan đến tư pháp, hành chính công, giáo dục và y tế.
Dự án "1.000 ngày" đầy tham vọng này được công bố vào thời điểm nền kinh tế lớn thứ ba của Khu vực sử dụng đồng tiền chung Châu Âu (Eurozone) liên tục thụt lùi trong quý II-2014 và rơi vào cuộc suy thoái thứ ba trong 6 năm qua. Thực tế này làm ảnh hưởng tiêu cực đến mục tiêu tăng trưởng GDP 0,8% trong năm 2014 mà Chính phủ của ông M.Renzi đặt ra hồi tháng 4. Đây là nguyên nhân khiến Italia phải kêu gọi một sáng kiến phối hợp từ phía các đối tác Châu Âu để vượt qua sự trì trệ kéo dài và khôi phục lòng tin vào nền kinh tế vĩ mô.
Trên thực tế, tâm lý người tiêu dùng Italia đã ở xu hướng thoái trào trong suốt 3 tháng liền, tính cho đến tháng 8 và đây cũng là mức tiêu cực nhất kể từ tháng 3 trở lại đây. Chỉ số niềm tin của doanh nghiệp vào nền kinh tế trong tháng 8 đã giảm 2,6 điểm so với tháng 7, chủ yếu do các ngành sản xuất, du lịch và dịch vụ chịu tác động mạnh của khủng hoảng. Theo các nhà phân tích, tỷ lệ thất nghiệp tăng cao là một trong những nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng này. Báo cáo mới công bố của Cơ quan thống kê Nhà nước Italia (ISTAT) cho thấy, tỷ lệ thất nghiệp trong tháng 7 đã giảm so với tháng trước đó, nhưng vẫn còn ở mức rất cao là 12,6%. Đáng chú ý, việc cắt giảm chi tiêu của cá nhân khiến thị trường co lại và lần đầu tiên kể từ năm 1959, Italia rơi vào tình trạng giảm phát, dấu hiệu cho thấy niềm tin của người tiêu dùng và các doanh nghiệp giảm xuống mức thấp do khủng hoảng kinh tế. Do vậy, việc kích cầu trở thành một ưu tiên hàng đầu của Chính phủ.
Rõ ràng, cải thiện nền kinh tế đang là bài toán khó nhất với Thủ tướng M.Renzi. Để vừa không mất lòng dân chúng, vừa có được tiếng nói chung với các đảng phái mà vẫn đưa được nền kinh tế thoát khỏi tình trạng mất ổn định là thử thách vô cùng gai góc. Tuy nhiên, các cuộc điều tra dư luận mới đây cho thấy cử tri Italia vẫn đặt niềm tin vào ông M.Renzi, cho rằng ông là người thích hợp để đưa đất nước hình Chiếc ủng ra khỏi những khó khăn hiện tại. Đây là một điểm tựa tinh thần quan trọng để người đứng đầu nội các Italia vững tâm đối mặt với những sóng gió mới.