Quan hệ NATO - Nga: Căng thẳng và toan tính

Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 07:10, 06/09/2014

(HNM) - Trong hai ngày 4 và 5-9, Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 26 của Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) đã diễn ra tại khu nghỉ dưỡng Celtic Manor ở Newport thuộc xứ Wales (Vương quốc Anh).


Chương trình nghị sự của hội nghị đề cập tới nhiều vấn đề nóng bỏng như bất ổn tại Afghanistan, cuộc chiến chống lại lực lượng Nhà nước Hồi giáo tự xưng (IS) tại Iraq và Syria. Tuy nhiên, chủ đề khiến dư luận thế giới phải dõi theo "nhất cử nhất động" tại Celtic Manor vẫn là các cuộc thảo luận liên quan tới cuộc khủng hoảng Ukraine. Những căng thẳng ngày càng leo thang tại đất nước bên bờ Biển Đen này kéo theo sự can dự của các bên liên quan đang đẩy NATO và Nga vào trạng thái đối đầu đáng lo ngại nhất kể từ khi Liên bang Xô Viết tan rã. Cuộc tranh giành ảnh hưởng nhằm vẽ lại đường ranh giới đang diễn ra giữa NATO và Nga tại Ukraine là nguyên nhân chính khiến cả hai bên xem xét lại mục tiêu chiến lược để có thể ứng phó với tình hình mới.

Tổng thống Ukraine và các nhà lãnh đạo NATO tại Hội nghị Thượng đỉnh lần thứ 26.



Trước thềm hội nghị của liên minh quân sự lớn nhất hành tinh, Mátxcơva đã khẳng định sẽ thay đổi học thuyết quân sự để đáp lại kế hoạch tăng cường hiện diện quân đội NATO ở Đông Âu, đưa hạ tầng quân sự của các quốc gia thành viên tiến lại gần hơn biên giới Nga. Trong khi đó, cuộc khủng hoảng tại Ukraine cùng với thái độ cứng rắn của Nga đã dẫn tới một cuộc tranh luận mới trong nội bộ NATO về khả năng thay đổi mô hình hoạt động của khối theo hướng sẽ đưa Nga trở lại vị trí "đối tượng cần quan tâm" của tổ chức quân sự này. Nói cách khác, diễn biến cuộc khủng hoảng tại Ukraine sẽ thúc đẩy NATO tăng cường các chủ trương kiềm chế Nga.

Hiện tại, cả NATO và Nga đều muốn gây ảnh hưởng tới tình hình tại Ukraine để giành lợi ích về mặt địa lý. Với Nga, Ukraine lâu nay vẫn được coi là vùng đệm ngăn cách NATO với xứ sở Bạch dương. Trong thời kỳ Chiến trạnh lạnh, đường biên giới của NATO cách Mátxcơva 1.800km. Tuy nhiên, khoảng cách này sẽ chỉ còn 500km nếu Ukraine gia nhập NATO. Trong khi đó, theo quan điểm của Mỹ và các nước đồng minh, việc lôi kéo Ukraine là một bước đi quan trọng nhằm phá vỡ tham vọng xây dựng Liên minh Á - Âu của Tổng thống Nga Vladimir Putin.

Xét những gì đang diễn ra, có thể thấy quan hệ Nga - NATO rất khó có thể cải thiện. Tuy nhiên, vì nhiều lợi ích ràng buộc, cả hai bên đều tránh đẩy tình hình đi quá xa dù trong thời gian gần đây cả hai phía đều đưa ra những phát ngôn cứng rắn kèm theo các đòn trừng phạt trả đũa không ngừng gia tăng. Nếu miền Đông Ukraine mất kiểm soát dẫn tới việc Ukraine phải đối mặt với cuộc nội chiến toàn diện thì sự đối đầu giữa Nga và NATO sẽ tiến thêm một mức nguy hiểm mới. Chính vì thế, ngay sau khi Tổng thống Nga V.Putin đề xuất một kế hoạch gồm 7 điểm để giải quyết cuộc khủng hoảng tại Ukraine, nhiều nước phương Tây đã ngay lập tức lên tiếng bày tỏ sự ủng hộ. Theo đề xuất của ông chủ Điện Kremlin, các bên xung đột ở Ukraine cần lập tức ngừng mọi cuộc tấn công và các đơn vị vũ trang của Ukraine phải rút lui tới khu vực không thể pháo kích tới các điểm dân cư. Tổng thống V.Putin cũng đề nghị tổ chức một hoạt động quốc tế giám sát đầy đủ và khách quan sự tuân thủ thỏa thuận ngừng bắn; tổ chức trao đổi những người bị bắt giữ dưới hình thức "tất cả đổi tất cả" không điều kiện, đồng thời mở hành lang nhân đạo cho người tị nạn và cung cấp viện trợ nhân đạo đến các vùng Donetsk và Luhansk.

Phương Tây và Nga đang ở trong cuộc đối đầu nghiêm trọng nhất kể từ sau Chiến tranh lạnh đến nay. Song bối cảnh hiện nay đã khác xa với thời điểm cách đây hơn hai thập kỷ khi lợi ích của các nước lớn bị ràng buộc trong thế cài răng lược. Vì vậy, xung đột tại Ukraine càng kéo dài, thiệt hại cho chính các bên liên quan sẽ càng lớn. Nhiều nhà phân tích cho rằng, đã đến lúc cả Nga, NATO gác lại những toan tính chiến lược để ngồi vào bàn đàm phán nhằm dập tắt "thùng thuốc súng" có nguy cơ bùng nổ và đe dọa hòa bình toàn thế giới.

Đạt được thỏa thuận ngừng bắn tại Ukraine

Tối 5-9, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko cho biết, chính phủ nước này và lực lượng đòi ly khai thân Nga đã ký thỏa thuận sơ bộ về ngừng bắn tại khu vực miền Đông. Theo đó các bên sẽ bắt đầu ngừng bắn vào lúc 15h (theo giờ GMT, tức 22h Việt Nam). Thỏa thuận này đạt được sau cuộc đàm phán diễn ra ở thủ đô Minsk (Belarus) với sự tham gia của cựu Tổng thống Ukraine Leonid Kuchma, lãnh đạo Cộng hòa nhân dân tự xưng Donetsk và Luhansk, Đại sứ Nga tại Ukraine Mikhail Zurabov.

Trước đó, các quan chức EU và Mỹ cho biết lệnh trừng phạt mới nhằm vào Nga sẽ được công bố ngày 5-9 để phản ứng việc Nga "làm gia tăng căng thẳng khi quân đội Nga hỗ trợ cho lực lượng ly khai tại miền Đông Ukraine những ngày gần đây".

Chi tiết của thỏa thuận chưa được thông báo tuy nhiên, các bên cho biết, trong tuần này, một hành lang nhân đạo sẽ được thiết lập để hỗ trợ những người sơ tán, thực hiện trao đổi tù binh và khởi động tái thiết tại khu vực chiến sự.

Phương Quỳnh