Oktoberfest - Lễ hội dân gian đặc sắc
Giới trẻ - Ngày đăng : 07:05, 06/09/2014
Oktoberfest đầu tiên được tổ chức vào tháng 10-1810 nhân lễ cưới của Thái tử Ludwig xứ Bavaria (CHLB Đức) với Công chúa Therese vùng Saxe - Hildburghausen. Kể từ đó, Oktoberfest được tổ chức hằng năm, trở thành một trong mười sự kiện văn hóa đặc sắc nhất thế giới.
Khó có một lễ hội dân gian nào có thể vượt qua Oktoberfest về độ háo hức không hề thuyên giảm suốt hơn 200 năm qua. Mỗi năm, số người mong ngóng đến tháng 10 để được đổ về Munich ngày một nhiều hơn. Là thành phố sản xuất bia nhiều nhất thế giới và cũng có nhiều chủng loại bia nhất, Munich được mệnh danh là "King of Beers". Suốt bốn mùa, suối bia vẫn chảy như một nét văn hóa trong tâm thức của xứ sở này.
Lễ hội dân gian lớn nhất nước Đức. |
Giữa thế kỷ XII, người Đức cât từ cây hoa bia (hoa Houblon) ra một loại đồ uống, hơi một chút đắng nhưng hương vị tuyệt vời để rồi bia nhanh chóng tỏa đi khắp thế giới. Bia Đức đặc biệt hơn tất cả các loại bia nhờ Luật Reinheitsgebot (Luật Tinh khiết) từ cách đây 500 năm: Bia chỉ được làm từ nước, mầm đại mạch, hoa bia và men. Người Đức nổi tiếng có "kỷ luật thép", nên cho đến lúc này hơn 5.000 nhãn hiệu và 1.300 nhà máy bia lớn nhỏ trên khắp nước Đức vẫn tuân thủ nghiêm ngặt. Ngoài sự tinh khiết, một trong những lý do bia Đức được xếp hạng hàng đầu thế giới vì nước này có nguồn hoa bia cực kỳ dồi dào, chiếm 1/10 sản lượng toàn cầu với chất lượng tuyệt hảo. Dọc hai bên lưu vực sông Donace, tôi thấy bạt ngàn những ruộng hoa bia xanh ngắt vươn mình đón nắng và đã phần nào hiểu rằng vì sao bia Đức được xem là ngon nhất thế giới.
Các quán bia, lều bia và nhất là "vườn bia" (Biergarten) rất phổ biến ở Munich. Nếu ở Paris, Vienna, Milan, Roma… tới đâu bạn cũng thấy quán cà phê thì ở đây là những vườn bia. Từ khoảng đầu tháng 5 cho đến hết tháng 10, các vườn bia lúc nào cũng đông nghịt người. Hofbrauhaus, với tuổi đời hơn 400 năm, là vườn bia nổi tiếng nhất Munich. Nằm ngay trong khu phố cổ tại Platzl - trái tim của thành phố, đây là địa điểm mà bất cứ ai đến Munich đều ghé đây ít nhất một lần. Từ xa, đã có thể nhận ra quán bia nổi danh này nhờ những tiếng "prost prost prost" (tựa như từ "dzô dzô dzô") ồn ào của dân nhậu tứ xứ hòa trong tiếng nhạc Oompah do các nghệ sĩ ban nhạc địa phương trong trang phục Lederhosen (quần da có dây đeo) đặc trưng xứ Bavaria biểu diễn.
Cỗ xe song mã chở bia trong lễ diễu hành |
Vại bia ở Munich không dành cho người yếu tim, nhỏ nhất cũng cả lít và dân địa phương uống vài lít bia trong buổi chiều là "chuyện thường ngày ở huyện". Bia, chân giò nướng, xúc xích, bánh mỳ nón, khoai tây rán và sauerkraut (bắp cải muối chua nấu với rượu vang đỏ) trên những chiếc bàn nhỏ trải khăn sọc carô đỏ trắng kê dưới tán cây dẻ… là hình ảnh đặc trưng của vườn bia lớn nhất thế giới này. Nguyên chiếc chân giò sau được tẩm ướp gia vị, muối tiêu, bỏ lò nướng, khi bưng ra tỏa mùi thơm, lớp bì giòn tan óng ánh vàng. Ngon nhất là khéo léo cắt một miếng thịt to bản có cả bì, khi cắn bạn sẽ thấy tiếng kêu rộp rộp vị ngọt tự nhiên, vị béo ngầy ngậy. Nếu gọi một suất chân giò nướng thì phải bốn người Việt ăn mới hết.
Cảm giác thật sảng khoái khi "làm" một hơi hết nửa vại bia, không phải lần đầu tôi uống bia nhưng chắc chắn đây là lần đầu tiên tôi thấy bia "hơn cả ngon", nhất là trong cái nắng Châu Âu như vậy. Ở đây, bạn có thể tùy ý chọn loại bia mình thích, có cả bia không cồn dành cho phụ nữ vừa có tác dụng giải khát vừa có lợi cho sức khỏe. Ngồi trong vườn bia danh tiếng, thưởng thức đặc sản chân giò nướng với bánh mỳ mặn, uống bia HB, là tôi đã trở thành người Đức chính cống, như lời của một anh bạn "thổ dân". Như trà đạo trong văn hóa Nhật Bản hay cà phê trong văn hóa nhiều nước Châu Âu, bia thể hiện văn hóa, tính cách dân tộc Đức. Người Đức uống bia khi rảnh rỗi cũng như lúc bàn công chuyện, vại bia tươi giống chén trà của ta vậy. Ở Đức, bạn có thể uống bia thoải mái nhưng phải kiểm soát được hành động của mình, không bao giờ người Đức lái xe khi đã uống bia, đó là một nét trong "văn hóa bia Đức".
Các món ăn đã sẵn sàng phục vụ |
Gần 7 triệu người từ khắp nơi trên thế giới kéo về Munich để dự Oktoberfest và vui vẻ hết mình trong 16 ngày. Khu vực diễn ra lễ hội bia được tổ chức tại công viên Theresienwiese rộng 31ha với 14 căn lều khổng lồ dựng ngoài trời, mỗi lều cỡ bằng sân bóng đá, chứa được 6.000 khách. Khách được phục vụ bia thỏa thích từ 10h đến 23h30 tất cả các ngày, riêng cuối tuần, lều bia mở cửa sớm hơn 1 tiếng, nhưng nếu không đặt trước sẽ không có chỗ ngồi. Không mất tiền vé vào lều, nhưng uống bia thì phải trả tiền, 9,66 euro (13 USD) cho một vại bia ngoại cỡ. Mỗi năm, Nhà máy Bia Hacker - Pschorr sản xuất hơn 1 triệu lít bia đặc biệt dành cho Oktoberfest gọi là "Wiesn - Marzen", với lượng hèm cao hơn bình thường, độ cồn 6-7%, nặng hơn bia thông thường. Ngoài bia, bánh mỳ cuộn thừng nướng Brezn (hoặc Brezel) là món không thể thiếu. Bánh mỳ Brezn ngon phải là loại có lớp vỏ vàng nâu óng ánh, dai dai, dính những hạt muối mằn mặn, ruột bánh thật mềm và thơm.
Oktoberfest không chỉ là lễ hội ẩm thực mà còn là lễ hội dân gian vào loại lớn nhất thế giới, được gọi là hội "Wiesn", người đến dự hội phải tậu riêng bộ trang phục truyền thống Bavaria. Các cô gái mặc váy Dirndl, cánh mày râu nhất định phải có áo gi-lê và quần lửng bằng da. các thiếu nữ mắt xanh tóc vàng xúng xính trong bộ váy Dirndl duyên dáng, đẹp nhất là phối váy với chiếc áo trắng hoặc caro nhạt tay phồng ở vai làm nổi bật phần chân váy sặc sỡ với những hoa văn tựa như thổ cẩm của ta, điểm xuyết những bông hoa được thêu khá cầu kỳ, kết hợp với miếng vải ngắn thắt ngang eo có họa tiết đồng điệu với chân váy. Thêm hai bím tóc nhỏ cột quanh đầu kiểu xương cá và đôi giày búp bê nữa là hoàn hảo. Giá của bộ cánh này xoàng nhất là 70 euro, có bộ giá đến 300 euro. Bộ trang phục của nam có phần đơn giản hơn với quần ngố màu nâu bằng da thuộc có hai dây đai vắt qua vai nối liền với miếng da hình bầu dục phía trước ngực, thêm chiếc áo sơmi caro trắng đỏ hoặc trắng xanh dài tay và đôi giày da kiểu cổ. Áo kẻ caro là hình ảnh đặc trưng của lễ hội bia, vậy nên mặc quần jean và áo kẻ trong dịp này là sự lựa chọn khôn ngoan về mặt kinh tế.
Để chen được vào lều bạn sẽ phải toát mồ hôi vì bia không bao giờ bán cho khách đứng. Cốc bia một lít nặng chịch, màu vàng sậm có giá gần 10 euro (300.000 đồng), không hề rẻ, tuy nhiên, tiền trong túi du khách luôn chảy ra ào ào… như bia! Bởi thế nên mỗi bồi bàn phục vụ ở Oktoberfest được nhận khoảng 10.000 euro chỉ trong hai tuần lao động, số tiền họ có thể sống thoải mái mà không cần làm việc trong suốt thời gian còn lại của năm. Tuy nhiên, không phải ai muốn cũng làm được và tiền kiếm không đơn giản, tiêu chuẩn đầu tiên để được lựa chọn là sức khỏe, hình thức ưa nhìn và ngực phải… to, để ôm bia cho dễ. Đó là công việc rất nặng nhọc vì phải chạy bia liên tục 12 tiếng/ngày, di chuyển nhiều, bưng bê nặng mà vẫn phải luôn vui vẻ, chu đáo.
Các điệu nhảy truyền thống trong lễ hội |
Oktoberfest là lễ hội thành công nhất thế giới không chỉ bởi doanh thu khổng lồ và sự chuyên nghiệp mà điều quan trọng là họ đã "bán" cho du khách những ấn tượng khó quên. Các món ăn và bia tất nhiên là tuyệt vời nhưng điều hấp dẫn du khách trở lại là sự hiếu khách mà người dân nơi đây mang lại. Lễ hội dân gian đậm đà bản sắc dân tộc và các giá trị truyền thống địa phương chính là khả năng sinh lời và chìa khóa thành công của lễ hội nổi tiếng này. Nước Đức đang gấp rút hoàn thành hồ sơ để UNESCO công nhận văn hóa uống bia của người Đức là văn hóa phi vật thể của nhân loại. Chiếc kim thời gian đang quay dần đến tháng 10, tôi lại muốn trở lại Munich!