Muốn cải cách, phải lắng nghe người dân!
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:18, 06/09/2014
Xếp hạng chỉ số cải cách được coi là công cụ đánh giá toàn diện, thực chất, khách quan kết quả thực hiện công tác này của các bộ, ngành, các tỉnh, thành. Đó như là một cuộc thăm dò xã hội, thông qua chỉ số đó để đánh giá đúng mặt mạnh, mặt yếu nhằm điều chỉnh, nâng cao kết quả công tác.
Gần đây trong dư luận cũng xảy ra những tranh cãi khá gay gắt xung quanh một báo cáo cho thấy có tới 80% người dân hài lòng về dịch vụ hành chính công. Nhiều người cho rằng đây là con số phi thực tế, không phản ánh đúng những bất cập đang tồn tại trong bộ máy hành chính của ta hiện nay, rằng nếu đạt "tỷ lệ niềm tin" cao như vậy thì đâu cần cải cách làm gì nữa. Dĩ nhiên lạc quan một chút thì thấy rằng con số này cũng có ý nghĩa riêng của nó. Trong cuộc sống, chắc hẳn ai cũng từng phải đến các cơ quan hành chính để giải quyết công việc riêng của mình, và chắc chắn sẽ có nhiều người đã phải bực mình khi gặp phải những rắc rối, phiền hà, thậm chí đến nhiêu khê. Nhưng bỗng một ngày lại đến cơ quan ấy giải quyết công việc và mọi chuyện đều suôn sẻ, thủ tục nhanh gọn, thuận lợi. Khi ấy chắc chắn sẽ có cảm giác thật thoải mái.
Phải nói rằng, niềm tin vào bộ máy hành chính không chỉ ở thái độ của đội ngũ cán bộ, công chức, mà nó còn phụ thuộc vào cách thức thực hiện công việc của họ. Nhưng quan trọng chính là chính sách, là quy trình, thủ tục. Bớt một khâu tức là bớt sự rườm rà, bớt một thủ tục tức là tiết kiệm được thời gian cho dân. Mà sự đánh giá về mức độ cải cách hành chính có hiệu quả hay không chính là từ những vấn đề đó. Một khi trong xã hội vẫn còn tồn tại đội ngũ "cò" làm ăn ngay trước cổng các cơ quan hành chính nhà nước tức là hệ thống thủ tục vẫn còn rườm rà, còn nhiêu khê mà chỉ có "cò" với cách thức, quan hệ riêng của mình mới có thể giải quyết nhanh được.
Cải cách hành chính là nội dung quan trọng trong đường lối đổi mới, phát triển kinh tế - xã hội của nước ta. Những năm qua, thực hiện chủ trương của Chính phủ về cải cách hành chính, các bộ, ngành và chính quyền các cấp đã có nhiều nỗ lực, đặc biệt là trong cải cách thủ tục hành chính và thực hiện cơ chế một cửa. Với Hà Nội, cải cách thủ tục hành chính được chọn là khâu đột phá. Hà Nội đặt mục tiêu nâng cao chất lượng thực hiện cơ chế một cửa, mở rộng thực hiện cơ chế một cửa liên thông, ứng dụng công nghệ thông tin và áp dụng tiêu chuẩn ISO trong giải quyết thủ tục hành chính. Ngoài ra cũng đồng thời xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức để tạo bước chuyển biến mạnh về kỷ luật, kỷ cương và ý thức, trách nhiệm phục vụ nhân dân… Và kết quả xếp hạng vị trí thứ 5 là một nỗ lực đáng mừng của Hà Nội.
Nhưng dù thế nào thì muốn cải cách tốt nhất về hành chính rõ ràng yếu tố con người mang tính quyết định hơn cả. Vì thế nâng cao nhận thức của cán bộ, công chức là điều phải duy trì thường xuyên. Chính quyền các cấp phải thực hiện nghiêm túc các quy định về trách nhiệm, trách nhiệm người đứng đầu. Kiên quyết xử lý các trường hợp vi phạm. Ngoài ra, cũng cần đẩy mạnh, phát huy cao nhất vai trò của các dịch vụ công. Và, nếu muốn cải cách thực sự thì phải biết lắng nghe người dân một cách công tâm!