Tết Trung thu 2014 tại Hà Nội: Văn hóa truyền thống trở lại

Văn hóa - Ngày đăng : 06:51, 05/09/2014

(HNM) - Năm nay, các chương trình, hoạt động diễn ra trên địa bàn Thủ đô trong dịp Tết Trung thu tập trung khai thác, tôn vinh nét văn hóa dân gian truyền thống nhằm mang lại cho thiếu nhi những cuộc vui lành mạnh, bổ ích.

Tôn vinh văn hóa truyền thống

Năm nào cũng vậy, khi bánh Trung thu, đèn ông sao được bày bán khắp nơi, Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam (đường Nguyễn Văn Huyên, Cầu Giấy, Hà Nội) lại mở hội Trăng rằm. Năm nay, vẫn có mâm cỗ Trung thu, có chú Cuội tinh nghịch, chị Hằng xinh tươi, nhưng chương trình "Ngày hội Trung thu" tại Bảo tàng Dân tộc học (diễn ra trong hai ngày 6 và 7-9) có thêm nét mới - sắc màu biển đảo. Đến bảo tàng, thiếu nhi sẽ được nghe người dân huyện đảo Lý Sơn (Quảng Ngãi) kể về lễ khao Lề Thế lính Hoàng Sa và đời sống của ngư dân, được xem các nghệ nhân dân gian huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) hát ống, hò kéo lưới, xem người Kor ở huyện Trà Bồng trình diễn "đấu chiêng", múa "cà đáo"… Cái hay ở chỗ, trẻ có thể tự mình tìm hiểu, khám phá văn hóa và con người vùng biển thông qua việc tham gia các trò chơi dân gian (đi chợ chiều, gắp cua bỏ giỏ, nối thúng, hắt sò, đoán sò…), thi cắm cờ tên đảo Việt Nam, thi tìm hiểu về biển đảo, làm tranh và làm các con vật, tạo hình phong cảnh bằng vỏ sò, vỏ ốc…

Chủ đề biển đảo là điểm nhấn của Trung thu năm nay được diễn ra tại Bảo tàng Dân tộc học Việt Nam. Ảnh: Tùng Lê



Cùng với Bảo tàng Dân tộc học, không khí Tết Trung thu cổ truyền sẽ được tái hiện trong "lễ hội Trung thu 2014" diễn ra tại Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam (số 2, Hoa Lư, Hai Bà Trưng, Hà Nội) do Bộ VH, TT&DL phối hợp với các đơn vị chức năng tổ chức. Theo đó, từ ngày 5 đến 8-9, không gian triển lãm của trung tâm nổi bật hình ảnh "ông Nghè tháng tám" cùng những nhân vật trong truyện cổ dân gian "Ngôi đền giữa biển". Giám đốc Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam Dương Văn Quynh cho biết, việc khai thác hình ảnh "ông Nghè tháng tám" và truyện "ngôi đền giữa biển" không những giúp các cháu thiếu nhi hiểu thêm về Tết Trung thu, mà còn góp phần đề cao tinh thần hiếu học. Điểm nhấn chương trình còn có lễ hội đường phố rước đèn đêm Trung thu (tối 7-9), khởi hành từ Trung tâm Triển lãm văn hóa nghệ thuật Việt Nam, đi qua phố Đoàn Trần Nghiệp - Phố Huế - Trần Nhân Tông - Lê Duẩn - Đại Cồ Việt rồi quay lại trung tâm với sự tham gia của gần 400 thiếu niên đến từ các quận, huyện, trường học trên địa bàn Hà Nội. Tất cả hoạt động đều hướng tới mục tiêu tôn vinh nét văn hóa truyền thống".

Trung thu 2014, nét văn hóa dân gian dễ dàng tìm thấy ở khắp Hà Nội, qua trò nặn tò he, làm bánh Trung thu, làm châu chấu bằng tre, kéo co, đi thăng bằng trên sào tre, thi nhảy bao bố, cướp cờ… ở Vincom Center (đường Bà Triệu); qua thi đấu vật, thổi cơm, rước đèn, rước tiến sĩ giấy… ở Trung tâm Triển lãm Giảng Võ (đường Giảng Võ, quận Ba Đình)…

Cơ hội hồi sinh làng nghề, phố nghề

Năm nay, đồ chơi dân gian đã có chỗ đứng vững chắc hơn ở "thiên đường đồ chơi" Hàng Mã, Hàng Lược, Lương Văn Can… Không còn cảnh đồ chơi ngoại nhập nguy hiểm tràn ngập, "là duy nhất" tại các quầy hàng như nhiều năm trước, thay vào đó là những món đồ chơi Việt Nam có xuất xứ từ các làng nghề truyền thống. Đa phần khách hàng đến đây cũng đã lựa chọn đồ chơi giàu tính văn hóa, nhân văn cho con em mình. Sự quay lại với đồ chơi truyền thống của khách hàng mở ra hy vọng cho làng nghề Hà Nội, bắt đầu từ những món đồ đã trở thành thân thiết đối với người Việt, như đèn ông sao, đèn kéo quân, tàu thủy… Với mong muốn phục dựng những món đồ chơi dân gian ông Vũ Văn Sinh (thôn Đàn Viên, xã Cao Viên, Thanh Oai) bắt tay vào làm chiếc đèn kéo quân cao 2,1m, rộng 1,4m cùng nhiều đèn kéo quân nhỏ. "Số lượng khách hàng tuy chưa nhiều, số tiền thu được có lẽ không đủ chi phí nhưng chúng tôi rất vui vì thấy thị trường bắt đầu khởi sắc", ông Vũ Văn Sinh nói.

Nhà anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng (số 30, ngõ 29/68 Khương Hạ, Thanh Xuân) trong dịp này la liệt những chiếc tàu thủy sắt. Theo người thợ duy nhất còn lại của làng nghề Khương Hạ, việc tìm kiếm vật liệu, cắt hộp để dựng hình con tàu, pha sơn rất kỳ công, tốn kém là thế nhưng giá bán món đồ chơi này không thể cao như đồ chơi hiện đại. Điều đó khiến nghề thủ công Khương Hạ bị mai một. Để có thể giữ nghề, từ năm 2011, gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng mang "những đứa con tinh thần" ra bày bán, giới thiệu ở phố Hàng Thiếc, đồng thời ra sức cải tiến mẫu mã. Hiện nay, sản phẩm tàu thủy sắt cỡ nhỏ, trên tàu có cắm cờ Tổ quốc của anh bán rất chạy. "Cứ đà này, tôi tin rằng một vài năm nữa thôi, nghề làm tàu thủy sắt ở Khương Hạ sẽ hồi sinh", anh Nguyễn Văn Mạnh Hùng khẳng định.

Trung thu năm 2014, ngay cả thứ đồ chơi quen thuộc với người dân Hà Nội như tò he Xuân La (xã Phượng Dực, Phú Xuyên) cũng là mặt hàng tạo được chú ý. Phó Chủ nhiệm CLB tò he Xuân La, ông Chu Tiến Công cho biết: "Nghề nặn tò he mang lại hạnh phúc cho tuổi thơ, giúp trí tưởng tượng của các cháu được phát huy một cách tự nhiên. Năm nay, làng nghề chúng tôi không thể đáp ứng đầy đủ nhu cầu thị trường, một số người đã phải từ chối những lời mời hấp dẫn để phục vụ tại những điểm văn hóa quen thuộc. Nếu có thể sống tốt bằng nghề, chắc chắn người dân Xuân La sẽ quay trở lại với nghề có một không hai này".

Một vòng thị trường Tết Trung thu năm 2014, gặp gỡ những người thợ nghề truyền thống, thấy mừng vì thế hệ trẻ không thờ ơ với trò chơi dân gian. Chỉ cần biết cách tổ chức, biết khơi dậy sự quan tâm của trẻ thì tình yêu trò chơi dân gian sẽ quay trở lại, các làng nghề mang đậm bản sắc văn hóa sẽ từng bước hồi sinh, phát triển.

Hà Hiền