Trách nhiệm nặng nề, sứ mệnh vẻ vang
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:37, 05/09/2014
Những nội dung của Nghị quyết và Đề án cụ thể hóa Nghị quyết của Chính phủ, Bộ GD-ĐT là cơ hội mới cho ngành giáo dục nước nhà phát triển; đồng thời cũng đặt ra những thách thức cần vượt qua.
Trước hết phải khẳng định rằng, với mức chi cho GD-ĐT hằng năm tương đương 20% tổng chi ngân sách nhà nước, Việt Nam là một trong số ít quốc gia trên thế giới dành nguồn lực lớn đầu tư cho GD-ĐT và cũng thu được từ đây rất nhiều thành tựu, đặc biệt là từ khi đổi mới đến nay. Tuy nhiên, do quy mô nền kinh tế nhỏ, trong khi nước ta lại có dân số trẻ, số lượng người đi học lớn, ngân sách đầu tư cho lĩnh vực này không đáp ứng được nhu cầu, nên cần phải có sự đóng góp của xã hội.
Sự nghiệp giáo dục là sự nghiệp của toàn dân, trong đó Nhà nước giữ vai trò chủ đạo là chủ trương hết sức đúng đắn. Một sự nghiệp của toàn dân có nghĩa là sự nghiệp được dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra; mọi chủ trương, đường lối giáo dục phải được công khai hóa cho dân được biết, tham gia ý kiến và cùng thực hiện. Tuy nhiên, xã hội hóa giáo dục được nhiều người đề cập gần đây có lẽ chủ yếu xoay quanh sự huy động việc đóng góp kinh phí của người dân vào phát triển giáo dục. Đi sâu vào các phương diện nội dung, chủ trương, chính sách giáo dục thì sự xã hội hóa giáo dục còn quá nhiều điều để nói, để trao đổi. Cụ thể: Từ chủ trương phân ban, đổi mới phương pháp dạy học, thay đổi chương trình và sách giáo khoa, đồ dùng thiết bị dạy học khi soạn thảo đều mang "lời hay, ý đẹp", nhưng khi triển khai xuống cơ sở thì bộc lộ nhiều khiếm khuyết, khiến gánh nặng học hành với con trẻ và phụ huynh ngày một dày thêm. Trong khi đó, nhiều người ngoài ngành, vẫn cho giáo dục chỉ là việc riêng của ngành giáo dục, chỉ nhìn vào mặt trái để phê phán, chỉ trích mà không thấy nghĩa vụ là góp phần thực hiện nhiệm vụ giáo dục như một sự nghiệp chung. Rõ ràng, chính sự thiếu công khai và thiếu đồng bộ ấy đã kìm hãm và hạn chế sự phát triển của giáo dục nước nhà.
Lẽ thường, những người làm GD-ĐT đều hiểu rằng, "sản phẩm" của mình là "sản phẩm đặc biệt", góp phần quan trọng vào sự hình thành nhân cách, trí tuệ của một con người, nói rộng ra là của cả một nền văn hóa. Một quyết sách không sát với thực tế có thể sẽ gây ra những hệ lụy nghiêm trọng và xóa nhòa những thành tựu đạt được. Do đó, phải có sự thống nhất về chủ trương, quan điểm, phương hướng và cả cách chỉ đạo giáo dục của Nhà nước. Trong đó, một việc không thể thiếu là phải thống nhất chỉ đạo và tuyên truyền sự nghiệp giáo dục trong toàn dân, để mọi người dân có được thông tin đầy đủ về giáo dục, trước hết là những nhận thức mới về tư duy phát triển giáo dục, coi đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho phát triển chứ không phải là một thứ phúc lợi. Có như vậy, sự nghiệp "trồng người" mới sớm thoát khỏi những rào cản hiện nay.
Sinh thời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã căn dặn "Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người. Chúng ta phải đào tạo ra những công dân tốt và cán bộ tốt cho nước nhà. Nhân dân, Đảng, Chính phủ giao các nhiệm vụ đào tạo thế hệ tương lai cho các cô, các chú. Đó là một trách nhiệm nặng nề nhưng rất vẻ vang". Lời dạy của Người cho đến hôm nay vẫn còn nguyên giá trị, không chỉ với những người trong ngành GD-ĐT mà với tất cả mọi người.