Chính trường Pakistan: Cuộc khủng hoảng chưa có hồi kết
Thế giới - Ngày đăng : 06:21, 04/09/2014
Lực lượng chống đối chính phủ biểu tình tại thủ đô Islamabad (Pakistan). |
Căng thẳng tại Pakistan leo thang sau khi thủ lĩnh Phong trào Nhân dân Pakistan (PAT), giáo sĩ Tahir-ul-Qadri và Chủ tịch đảng đối lập Pakistan Tehrik-e-Insaf (PTI) Imran Khan phát động cuộc biểu tình quy mô lớn đòi Thủ tướng Nawaz Sharif từ chức với cáo buộc nhà lãnh đạo Chính phủ Pakistan đã gian lận trong cuộc tổng tuyển cử năm 2013, phạm tội giết người (do có liên quan vụ sát hại ít nhất 10 người ủng hộ phe đối lập ở thành phố Lahore, hồi tháng 6-2014). Đụng độ đã xảy ra giữa cảnh sát và người biểu tình khiến 8 người thiệt mạng, hơn 300 người bị thương. Không chỉ cắm chốt bên ngoài trụ sở Quốc hội từ ngày 15-8 đến nay, hàng trăm người biểu tình mới đây còn xông vào trụ sở Đài Truyền hình quốc gia Pakistan (PTV) ở Islamabad - "vùng đỏ" được bảo vệ nghiêm ngặt vì có nhiều cơ quan chính phủ - để đập phá các thiết bị truyền dẫn và buộc PTV ngừng phát sóng hoàn toàn. Mặc dù lực lượng quân đội đã được điều động để khôi phục trật tự song những gì đang diễn ra tại Islamabad khiến dư luận hết sức lo ngại về một chu kỳ bất ổn mới tại quốc gia Nam Á này.
Từng bị lật đổ trong cuộc đảo chính năm 1999, bị bắt giam và buộc phải sống lưu vong nhưng ông N.Sharif đã có cuộc trở lại đầy ngoạn mục vào năm ngoái khi giành chiến thắng áp đảo trong cuộc tổng tuyển cử để lần thứ ba trở thành Thủ tướng Pakistan. Dư luận quốc gia Nam Á kỳ vọng rằng Thủ tướng N.Sharif sẽ làm được nhiều hơn so với những gì mà các nhà lãnh đạo tiền nhiệm từng thực hiện, đó là đưa ra những giải pháp cứu vãn kinh tế đất nước, từ việc xử lý triệt để vấn nạn thiếu điện triền miên đến tái thiết hệ thống cơ sở hạ tầng xập xệ đang cản trở cuộc sống của 180 triệu người dân trên cả nước. Song không ít ý kiến cho rằng, tiến độ cải cách chậm chạp, việc chưa có sự tiếp cận gần gũi với dân chúng cũng như mối quan hệ không mấy tốt đẹp với giới chức quân đội đã đẩy Thủ tướng N.Sharif vào tình thế khó khăn hiện nay.
Thực tế hơn một năm kể từ khi ông N.Sharif nắm quyền, cuộc sống của người dân Pakistan chưa có cải thiện đáng kể. Chỉ có duy nhất dự thảo luật ngân sách thường niên được thông qua, trong khi các dự thảo luật khác nhằm giải quyết nạn tham nhũng và cải cách thể chế bầu cử - vốn là những yêu cầu cơ bản của người biểu tình - lại giậm chân tại chỗ. Ngoài ra, nhiều vị trí then chốt trong nội các của Thủ tướng N.Sharif vẫn bị bỏ ngỏ. Quốc gia sở hữu hạt nhân tại Nam Á đến nay chưa có ngoại trưởng, trong khi bộ trưởng quốc phòng phải kiêm nhiệm vị trí bộ trưởng nước sạch và bộ trưởng năng lượng… Hiện chính phủ đã đạt được một số thành tựu kinh tế vĩ mô, đáng chú ý là ổn định đồng nội tệ, tái thiết quỹ dự trữ ngoại tệ và giảm lạm phát xuống còn khoảng 8% nhưng những kết quả khiêm tốn này chưa đủ để giành được sự ủng hộ của dư luận, đặc biệt trong bối cảnh các phong trào đối lập dân túy đang hứa hẹn đưa ra những chính sách trợ giá lương thực, cung cấp nhà ở miễn phí và các biện pháp mạnh tay xử lý nạn tham nhũng.
Từng chứng kiến ba cuộc đảo chính quân sự nên mỗi khi nước này rơi vào khủng hoảng chính trị, người dân lại lo ngại khả năng quân đội can thiệp. Nếu kịch bản không mong đợi này xảy ra, Thủ tướng N.Sharif sẽ buộc phải cam kết một thỏa thuận chia sẻ quyền lực với giới chức trong quân đội. Đây sẽ là một cú sốc với người dân Pakistan khi mà chỉ cách đây hơn một năm họ đã được chứng kiến một cuộc bầu cử đánh dấu sự chuyển giao quyền lực dân chủ toàn diện đầu tiên trong nhiều thập kỷ qua.
Trong một phát biểu mới đây, Thủ tướng N.Sharif khẳng định sẽ tiếp tục lãnh đạo đất nước, bất chấp cuộc đàm phán với các lãnh đạo đối lập không thành công. Tuy nhiên, nếu không nhanh chóng có những giải pháp toàn diện nhằm củng cố bộ máy chính trị, thúc đẩy cải cách kinh tế, xử lý nạn tham nhũng… thì những nguy cơ đe dọa rút ngắn "tuổi đời" nhiệm kỳ 5 năm của chính phủ do ông cầm quyền không thể bị loại bỏ.