Những biểu tượng mới trên đất rồng thiêng
Kinh tế - Ngày đăng : 07:44, 02/09/2014
Nhật Tân sẽ là cây cầu đẹp nhất bắc qua sông Hồng và là biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị Việt Nam - Nhật Bản. Ảnh: Viết Mạnh |
Những cây cầu thế kỷ
Chuyên gia, cán bộ, kỹ sư ngành cầu đường Việt Nam tự hào gọi cầu Nhật Tân bắc qua sông Hồng, cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống là những công trình thế kỷ. Không chỉ đóng góp cho Thủ đô, cho đất nước những cây cầu đồng bộ, hiện đại, hai cây cầu này còn khẳng định: Năng lực của ngành cầu đường Việt Nam đã thực sự lớn mạnh, đủ sức chinh phục những thách thức về khoa học và công nghệ thi công cầu.
Với cầu Nhật Tân, đây là dự án trọng điểm quốc gia trên địa bàn Thủ đô, nối hai bờ sông Hồng và khớp nối đồng bộ với đường nối cầu Nhật Tân đến Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài. Công trình có tổng mức đầu tư gần 14.000 tỷ đồng. Theo ông Nguyễn Lê Minh - Giám đốc Dự án Xây dựng cầu Nhật Tân, với yêu cầu kỹ thuật, mỹ thuật, cầu Nhật Tân được thiết kế và xây dựng để trở thành một biểu tượng mới của Thủ đô. Đây là cầu dây văng liên tục với 5 trụ tháp hình thoi và 6 nhịp dây văng, tượng trưng cho 5 cửa ô của Hà Nội. Khi hoàn thành, Nhật Tân sẽ là cây cầu đẹp nhất bắc qua sông Hồng và là biểu tượng cho mối quan hệ hữu nghị hợp tác Việt Nam - Nhật Bản. Đại diện nhà thầu Nhật Bản tham gia dự án khẳng định: Với 6 nhịp dây văng liên tục, cầu Nhật Tân là cây cầu hiếm có trên thế giới. Ở Nhật Bản cũng không có cây cầu nào có số nhịp dây văng liên tục nhiều như vậy.
Cầu Đông Trù, một trong những cây cầu hiện đại nhất của Thủ đô sắp đi vào hoạt động. Ảnh: Anh Tuấn |
Ông Nguyễn Thanh Vân - Tổng Giám đốc Ban Quản lý dự án (QLDA) 85 (đơn vị chủ đầu tư) cho biết, đến thời điểm này, khối lượng công việc đã đạt 97,4%. Trong đó, gói thầu số 1 (xây dựng cầu chính và cầu dẫn phía bắc) đã hoàn thành các hạng mục chính, đang lắp đặt hệ thống điện và thi công phần sơn đường. Gói thầu số 2 (xây dựng cầu và đường dẫn phía nam) đã cơ bản hoàn thành phần chính tuyến. Nhà thầu đang chuẩn bị thi công bê tông nhựa lớp trên của mặt cầu. Theo kế hoạch, toàn bộ gói thầu sẽ hoàn thành vào ngày 25-12-2014. Gói thầu số 3 (xây dựng đường dẫn phía bắc) đã hoàn thành. Ban QLDA 85 đang chuẩn bị bàn giao cho Sở GTVT Hà Nội quản lý.
Cầu Đông Trù bắc qua sông Đuống cũng đang trong những ngày thi công "nước rút". Hơn 500 cán bộ, kỹ sư, công nhân thuộc Tổng Công ty Xây dựng công trình giao thông 1 (Cienco1) liên tục làm việc 3 ca, 4 kíp để kết thúc dự án trong tháng 9-2014, kịp bàn giao cho Hà Nội thông xe và đưa vào khai thác đúng dịp kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô.
Ông Đặng Thanh Bình - Giám đốc Ban Điều hành dự án cho biết: Đây là công trình của những dấu ấn về công nghệ thi công, đặc biệt là tại kết cấu phần trên (vòm ống thép nhồi bê tông) gồm 3 nhịp cầu đôi, bề rộng mặt cầu 54,5m, có sơ đồ kết cấu nhịp liên tục. Đây là công nghệ mới, lần đầu tiên được áp dụng tại Việt Nam. Ban đầu, nhà thầu Trung Quốc đảm nhiệm thi công nhưng sau đó đã xin rút khỏi dự án khiến công trình bị ngưng trệ. UBND TP Hà Nội đã tin tưởng giao Cienco1. Nhận nhiệm vụ, từ tháng 4-2013, toàn bộ kỹ sư, công nhân tinh nhuệ nhất của các xí nghiệp Cầu 17, Cầu 18, Công ty Thi công cơ giới 1 vừa hoàn thành cầu Rồng, cầu Trần Thị Lý (Đà Nẵng) đã được huy động ra Thủ đô để bắt tay ngay vào việc. Điểm nhấn của cây cầu là phần vòm thép nặng 3.000 tấn, 94 dầm ngang, 176 dầm dọc, 2.324 phiến dầm bản và 2.400 khối bê tông nhồi trong vòm thép… Để lắp đặt, Cienco1 đã sử dụng hệ thống kích nâng đa hành trình để nâng vòm tới độ cao 42m. Đến lúc này, mọi công việc khó khăn nhất đều đã vượt qua, công việc còn lại chỉ là thảm mặt cầu, làm lan can, sơn hoàn thiện… Cienco1 quyết tâm kết thúc công trình trước ngày 30-9 để có thể thử tải trước khi bàn giao cho Hà Nội tổ chức thông xe dịp 10-10.
Nối Thủ đô với thế giới
Nhà ga T2 - Cảng Hàng không quốc tế Nội Bài phải là nhà ga hàng không đẹp và hiện đại nhất Việt Nam. Cùng với tiến độ thì chất lượng công trình phải là số 1 - Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng chỉ đạo trong lần kiểm tra dự án mới đây.
Trên công trường xây dựng Nhà ga T2 sân bay Nội Bài. Ảnh: Huy Hùng |
Ông Đỗ Tất Bình - Phó Tổng giám đốc Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam cho biết: Dự án nhà ga T2 khởi công vào tháng 2-2012, theo kế hoạch sẽ hoàn thành vào cuối năm 2014, đáp ứng công suất 10 triệu lượt hành khách/năm và có thể mở rộng lên tới 15 triệu hành khách. Nhà ga là tòa nhà 4 tầng, diện tích mặt bằng xây dựng 138.000m2. Tổng số vốn đầu tư gần 900 triệu USD từ nguồn vay ODA và đối ứng trong nước. Đến thời điểm này, khối lượng thi công đã đạt 85% tổng khối lượng của toàn dự án, bảo đảm kế hoạch đề ra. Nhà ga VIP phục vụ cho nguyên thủ các quốc gia đến Thủ đô Hà Nội đang được gấp rút thi công. Các đơn vị thực hiện dự án cam kết hoàn thành vào ngày 30-12. Tổng Công ty Cảng Hàng không Việt Nam đang bố trí bộ máy, tuyển dụng mới và đào tạo lao động để chuẩn bị khai thác Nhà ga T2. Dự kiến từ ngày 25-12 sẽ thử nghiệm đón một chuyến bay có khách và sẽ chính thức khai thác toàn bộ nhà ga mới vào ngày 31-12-2014. Khi đó, Nhà ga T2 sẽ chỉ dành cho các tuyến bay nước ngoài, nhà ga T1 dành cho khai thác nội địa.
Để khai thác hiệu quả Nhà ga hành khách T2 và cầu Nhật Tân, Chính phủ, Bộ GTVT và TP Hà Nội đang chỉ đạo quyết liệt triển khai xây dựng đường nối cầu Nhật Tân - sân bay Nội Bài. Tuyến đường dài 12km được đánh giá là đẹp nhất Hà Nội sẽ giúp giao thông Thủ đô thông suốt từ trung tâm thành phố lên sân bay và rút ngắn khoảng một nửa hành trình so với hiện nay. Tiến độ thi công các công trình này đang trong giai đoạn nước rút, nhiều hạng mục đã cơ bản hoàn thành.
Ông Nguyễn Thanh Vân - Tổng Giám đốc Ban QLDA85 cho biết: Dự án gồm 5 gói thầu xây lắp, đến nay khối lượng thực hiện đạt 82%. Mặc dù còn một số vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng tại địa phận huyện Sóc Sơn song đơn vị tích cực phối hợp với chính quyền địa phương các cấp chủ động tháo gỡ. Chủ đầu tư và các nhà thầu tự tin sẽ hoàn thành dự án đúng tiến độ và bảo đảm chất lượng.
Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị: Cầu Nhật Tân và tuyến đường nối với sân bay Nội Bài có giá trị biểu tượng đối với sự phát triển của Thủ đô và đất nước, là cửa ngõ nối Thủ đô với thế giới. Do đó, dù công việc còn lại không lớn nhưng mọi khâu, mọi việc phải được thực hiện với trách nhiệm cao nhất. Như vậy, cùng với Nhà ga hành khách T2, cầu Nhật Tân và tuyến đường nối Nhật Tân - Nội Bài sẽ là những hình ảnh sinh động, thể hiện một Thủ đô văn minh, hiện đại. |