Bức chân dung ánh sáng
Người Việt bốn phương - Ngày đăng : 07:26, 02/09/2014
Một trong những tình cảm lắng đọng của Người trong Tết Độc lập thứ hai của dân tộc khi Người thăm Pháp (từ ngày 12-6 đến 18-9-1946) đã thể hiện qua bức ảnh chân dung Người với dòng đề tặng họa sĩ Mai Trung Thứ. Vượt lên những hàng rào ngôn ngữ, những nét chữ chân phương nơi bức chân dung, Chủ tịch Hồ Chí Minh bằng một lưu bút giản dị như trải lòng với không chỉ riêng họa sĩ Mai Trung Thứ mà còn muốn ẩn chứa nhiều hơn thế tình cảm của Người với bà con xa xứ lúc đó ở Paris và trên cả đất Pháp.
Cố họa sĩ Mai Trung Thứ tại phòng tranh của mình - Vanves Pháp, 1964. |
Bức chân dung do nhiếp ảnh gia chuyên chụp chân dung nổi tiếng lúc đó là Laure Albin Guilliot thể hiện. Không khó khăn khi chụp một bức chân dung của một người làm báo và từng làm các công việc về ảnh như Chủ tịch Hồ Chí Minh; nhưng nắm bắt được thần thái một chân dung của tương lai như Bác Hồ lúc đó luôn là thử thách với bất kỳ tay máy nào. Đó là lý do L.A.Guilliot đã thực hiện chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh ít nhất với hai góc độ và bức Người tặng họa sĩ Mai Trung Thứ là một trong số đó. Không thể nói thành lời, sau rất nhiều thử thách của thời gian, bức chân dung Chủ tịch Hồ Chí Minh với ánh sáng dịu dàng và tinh tế đến thế, cùng đề từ tặng họa sĩ Mai Trung Thứ đã đủ trở thành niềm tự hào của nhiếp ảnh gia L.A.Guilliot.
Là một họa sĩ trứ danh xuất thân từ Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương ở Hà Nội như nhiều họa sĩ thành danh của thế giới, Mai Trung Thứ đã chọn kinh đô Ánh sáng để lập nghiệp. Với con mắt nhạy cảm của một họa sĩ kiêm nhà quay phim, Mai Trung Thứ đã kịp ghi lại nhiều thước phim về Chủ tịch Hồ Chí Minh từ khi Người đặt chân xuống sân bay Biarritz (Tây nam nước Pháp) cho đến khi Người rời Pháp tại bến cảng Toulon trên bờ Địa Trung Hải, ngày 18-9-1946. Những thước phim của họa sĩ sống ở ngoại ô Paris lúc đó, sau này đã trở thành tài liệu điện ảnh giá trị về Danh nhân văn hóa thế giới Hồ Chí Minh.
Sinh năm 1906 tại Hải Phòng, tốt nghiệp khóa đầu tiên của Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, họa sĩ Mai Trung Thứ vào Huế dạy học rồi tu nghiệp và định cư tại Pháp, vẽ và làm nghề quay phim, sáng lập Hãng phim Tân Việt. Mai Trung Thứ đã sưu tầm được những thước phim quý giá do người Pháp quay ngày Lễ Tuyên bố Độc lập 2-9-1945, ở Quảng trường Ba Đình và dựng lại thành một bộ phim tài liệu lịch sử đặc sắc. Vì thế, không có gì lạ khi tranh của họa sĩ luôn tràn đầy khí chất Việt cho dù phần lớn sự nghiệp hội họa của ông là một cống hiến cho Paris cổ kính.