Rộn ràng làng quê!
Giới trẻ - Ngày đăng : 06:54, 02/09/2014
Tết Độc lập ở một vùng quê
Những ngày này, chúng tôi về xã Phú Cường (huyện Ba Vì) và được chứng kiến một không khí rộn rã, vui tươi trong mỗi người dân nơi đây. Trên các con đường liên thôn đã được bê tông hóa khang trang, cờ hoa, băng rôn khẩu hiệu chào mừng ngày Quốc khánh được giăng ở những vị trí trang trọng. Đã thành một thông lệ đẹp, vào những ngày cận kề 2-9, nhà nhà, người người ở Phú Cường lại nô nức chuẩn bị đón "Tết Độc lập".
Khu trưng bày máy bay tại Thành cổ Sơn Tây được khánh thành đúng dịp kỷ niệm ngày Quốc khánh 2-9. |
Kể về nét văn hóa độc đáo của quê mình, ông Vũ Anh Tân (thôn Thanh Chiểu), cho biết: "Tết Độc lập được tổ chức lần đầu tiên trong dịp lễ Quốc khánh 2-9-1946, đúng một năm sau ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập. Sử liệu ghi lại, ngày đó Chi bộ, Ủy ban Hành chính xã tổ chức vui Tết Độc lập cho toàn dân. Mọi nhà đều treo ảnh Bác Hồ, treo cờ đỏ sao vàng và mổ gà, mổ lợn ăn mừng". Từ tháng 10-1948 đến năm 1954, các gia đình ở Phú Cường vẫn tổ chức đón Tết Độc lập nhưng việc treo cờ, treo ảnh Bác phải bí mật vì đang trong thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Kể từ khi hòa bình lập lại ở miền Bắc, quê hương Phú Cường được hưởng cuộc sống thanh bình, người dân lại tổ chức Tết Độc lập trong niềm hân hoan. Năm nào, hợp tác xã nông nghiệp cũng mổ lợn theo cách từng nhóm hộ dân "đụng" một con để ăn mừng. Từ sau năm 1980 đến nay, Tết Độc lập trong mỗi gia đình ở Phú Cường không thể thiếu các loại bánh như bánh chưng, bánh gai, bánh dợm... "Tết đến, mỗi người một việc, cả gia đình lại cùng nhau làm mâm cơm tươm tất để cúng ông bà tổ tiên trong ngày lễ trọng đại của dân tộc" - ông Tân cho biết.
Phú Cường là xã Anh hùng LLVT nhân dân thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Trong hai cuộc kháng chiến bảo vệ độc lập dân tộc, Phú Cường có 178 liệt sĩ, 100 thương bệnh binh và 16 Mẹ Việt Nam Anh hùng. Trương Mạnh Toàn, một đảng viên trẻ, chia sẻ: "Tết Độc lập là sự kiện ý nghĩa để nhắc nhở lớp trẻ Phú Cường hôm nay noi theo tấm gương cha ông. Mỗi người chúng tôi đều mong góp công sức nhỏ bé để làng quê thêm đẹp, thêm vui". Ngày Tết Độc lập năm nay kết hợp với vui Tết Trung thu, đoàn viên, thanh niên trong xã tổ chức nhiều hoạt động thể dục, thể thao bổ ích, lành mạnh như: Thi đấu bóng đá, bóng chuyền, cầu lông... Tết Độc lập hằng năm cũng là dịp Phú Cường tổ chức trao thưởng cho các em đỗ đại học và học sinh giỏi cấp thành phố, cấp huyện.
Tết Độc lập năm nay người dân Phú Cường có thêm niềm vui khi chương trình xây dựng nông thôn mới, phong trào toàn dân đoàn kết xây dựng nếp sống văn hóa ở khu dân cư tiếp tục đạt được những thành quả tốt. Thu nhập bình quân của mỗi người dân trong xã đến thời điểm này đã đạt trên 18 triệu đồng/năm; 25km đường giao thông xóm, ngõ được bê tông hóa; trường tiểu học được công nhận chuẩn quốc gia... Bí thư Đảng ủy xã Phú Cường Lã Văn Loan nói: "69 năm đã trôi qua, mỗi năm Tết Độc lập ở Phú Cường đều chứng kiến những đổi thay và niềm tự hào về tinh thần dân tộc, những giá trị thiêng liêng của ngày tết vẫn trường tồn trong lòng mỗi người dân".
Niềm vui ở những bản Mường
Xã đồng bào dân tộc Mường An Phú (huyện Mỹ Đức), tục đón ngày Quốc khánh có nhiều nét đặc sắc. Các trò chơi truyền thống, biểu diễn văn hóa văn nghệ mang đậm bản sắc được tổ chức sôi nổi như: Đẩy gậy, bóng chuyền, trình diễn cồng chiêng, múa sạp, hát dân ca Mường... Trong đó, sự kiện lớn nhất và diễn ra sớm nhất huyện Mỹ Đức được xã An Phú tổ chức để chào mừng ngày Quốc khánh là Giải chạy Báo Hànộimới mở rộng lần thứ 41 - Vì hòa bình năm 2014 - có tới 400 vận động viên tham gia và thu hút hàng nghìn người dân ở các bản làng đến cổ vũ. Cùng đó, giải bóng chuyền xã An Phú cũng thu hút nhiều đội bóng ở các địa phương lân cận tham gia như xã Thanh Lương, huyện Lương Sơn và thị trấn Thanh Hà, huyện Lạc Thủy (tỉnh Hòa Bình), xã Hợp Thanh (huyện Mỹ Đức)... Anh Bạch Công Tạo, ở thôn Rộc Éo, từng đoạt Huy chương vàng môn đẩy gậy cấp thành phố, cho biết: "Mỗi dịp lễ được chơi các môn thể thao truyền thống của người Mường, tôi thấy rất tự hào. Qua đây thế hệ trẻ thêm hiểu, thêm yêu và trân trọng, giữ gìn lịch sử, bản sắc văn hóa dân tộc".
Ngoài tổ chức các sự kiện tập thể, trong mỗi gia đình người Mường ở khắp các bản làng Gốc Báng, Đình, Rộc Éo, Bơ Môi, cờ đỏ sao vàng được treo trang trọng, tung bay phấp phới trong gió mùa thu giữa vùng rừng núi. Anh Trần Văn Thụ, cán bộ văn hóa xã An Phú cho biết: "Người Mường An Phú cũng tổ chức Tết Độc lập vào đúng ngày 2-9. Các gia đình theo từng nhóm làm cỗ cúng gia tiên, rồi cùng ngồi với nhau ăn bữa cơm thân mật để trò chuyện những việc của xóm bản".
Được biết, An Phú là xã miền núi đặc biệt khó khăn của TP Hà Nội, có hơn 1.700 hộ dân, trong đó gần 70% là đồng bào dân tộc Mường. Theo Chủ tịch UBND xã Nguyễn Thế Nghĩa, dù còn nhiều khó khăn nhưng được sự quan tâm của thành phố, đến nay 100% hộ dân có điện sinh hoạt, tỷ lệ hộ nghèo giảm đáng kể so với trước, xuống còn 19%. Một số công trình giao thông nông thôn, trường học, nhà văn hóa dân tộc... đã và sẽ được đưa vào sử dụng trong thời gian tới đã mang lại một diện mạo hoàn toàn mới cho An Phú.
Trong khi đó, tại xã miền núi Khánh Thượng (huyện Ba Vì), vui nhất là thầy và trò Trường THCS Khánh Thượng với việc nhà trường được công nhận Trường chuẩn quốc gia lần thứ hai. Trường Khánh Thượng nằm trong vùng đặc biệt khó khăn, được đầu tư khang trang, hiện đại theo Chương trình 135 với tổng vốn 26 tỷ đồng, gồm 12 phòng học, 8 phòng học bộ môn, nhà đa năng, khu hiệu bộ cùng các công trình phụ trợ hoàn chỉnh. Nhà trường có gần 400 học sinh thì có tới 70% học sinh là người dân tộc Mường, 21% học sinh thuộc diện hộ nghèo nên cán bộ, giáo viên ở đây đã ý thức sâu sắc việc vừa dạy học tốt vừa sẻ chia được những khó khăn với học trò khu vực miền núi. Hiệu trưởng nhà trường, thầy giáo Nguyễn Tài Tuyên không giấu được niềm vui khi nói với chúng tôi: "Đúng dịp lễ lớn của cả dân tộc, nhà trường được đón tin vui, chúng tôi rất vinh dự và tự hào. Điều đó sẽ giúp thầy và trò nhà trường vững tâm vượt qua khó khăn để hoàn thành tốt nhiệm vụ".
Cùng hướng về ngày lễ lớn
Rất may mắn cho chúng tôi trong ngày 29-8 đã được tham dự lễ khánh thành khu trưng bày máy bay tại Di tích Thành cổ Sơn Tây do UBND thị xã Sơn Tây tổ chức. Khu trưng bày được xây dựng trong thời gian gần 2 tháng với sự phối hợp chặt chẽ của nhiều đơn vị bộ đội, thuộc Quân chủng Phòng không - Không quân. Trên diện tích khuôn viên hơn 4.000m2, trưng bày 2 máy bay Mig-21 của Trung đoàn Sao Đỏ và 1 máy bay Mi-8 của Trung đoàn 916.
Trao đổi với chúng tôi, ông Thành (phường Lê Lợi, thị xã Sơn Tây) cho biết: "Khu trưng bày có ý nghĩa lịch sử to lớn và chứa đựng giá trị giáo dục truyền thống yêu nước đối với thế hệ trẻ hôm nay". Cũng vào tham quan khu trưng bày, ngay sau lễ khai mạc, em Hà, học sinh Trường THPT Sơn Tây nói: "Lần đầu tiên tận mắt chứng kiến máy bay chiến đấu đã giúp em hiểu hơn và thêm yêu các chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. Khu trưng bày sẽ giúp chúng em có thêm kiến thức bổ ích phục vụ việc học tập và công việc sau này".
Bên cạnh niềm vui, niềm hân hoan trong mỗi gia đình, ở mỗi bản làng, trong những ngày thu lịch sử này, người dân ở mọi miền đất nước đã thành tâm tưởng nhớ Bác Hồ kính yêu. Các điểm di tích lịch sử quen thuộc ở khu vực ngoại thành Hà Nội như Đền thờ Bác trên đỉnh núi Ba Vì, Khu K9 - Đá Chông (huyện Ba Vì), Đồi 79 mùa xuân (huyện Mê Linh)... luôn tấp nập người dân từ khắp nơi đến thành kính thắp nén nhang thơm nhớ đến Bác. Ở Đền thờ Bác trên đỉnh núi Ba Vì mờ sương, mỗi con dân đất Việt khi đến đây đều được thấy và cảm nhận sâu sắc tư tưởng của Người: "Nước Việt Nam là một, dân tộc Việt Nam là một. Sông có thể cạn, núi có thể mòn, song chân lý đó không bao giờ thay đổi". Lời của Người và cũng chính là lời non nước!