Bài cuối: Cần xây dựng hệ thống dữ liệu giá toàn cầu

Kinh tế - Ngày đăng : 06:33, 02/09/2014

(HNM) - Theo các chuyên gia kinh tế, doanh nghiệp (DN) được quyền thuê tư vấn, hỗ trợ khi kê khai, nộp thuế nhằm bảo đảm quyền lợi hợp pháp của mình, còn nhiệm vụ của cơ quan thuế là vừa tư vấn, hỗ trợ cho DN, vừa kiểm soát chặt chẽ để ngăn ngừa và xử lý kịp thời hành vi sai phạm.


Thuê tư vấn nhưng phải đúng luật

Một báo cáo mới đây của Tổng cục Thuế sau thanh tra, kiểm tra thuế tại khối DN FDI cho thấy, có dấu hiệu các công ty kiểm toán độc lập đã tư vấn cho DN lách luật, trốn thuế. Điều này hoàn toàn trái ngược với chức năng của công ty kiểm toán và vi phạm nghiêm trọng đạo đức nghề nghiệp của ngành này.

Cần có chế tài hợp lý để các doanh nghiệp FDI hoạt động hiệu quả, đồng thời tránh việc lách luật, trốn thuế gây thất thu cho ngân sách.Ảnh: Huy Hùng



Thứ trưởng Bộ Tài chính Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, DN được quyền thuê tư vấn hỗ trợ khi kê khai, nộp thuế theo đúng quy định của pháp luật. Bản thân cơ quan quản lý thuế cũng có một bộ phận tuyên truyền, hỗ trợ nhằm giúp người nộp thuế hiểu rõ về pháp luật thuế cũng như những quyền lợi, ưu đãi mà họ được hưởng. Mặt khác, cơ quan thuế phải có một lực lượng cán bộ với trình độ chuyên môn, nghiệp vụ tốt để ngăn ngừa, phát hiện và xử lý kịp thời những hành vi sai phạm. Thế nhưng, khi quyết định thanh tra, kiểm tra và ra quyết định xử phạt, cần phải bảo đảm tính dân chủ. Tại nhiều quốc gia trên thế giới, việc xử lý vi phạm trong lĩnh vực thuế được quyết định bởi một hợp đồng tư vấn gồm 9 người với 3 thành phần: Thành viên đại diện cho DN, cán bộ thuế và luật sư tư vấn trong lĩnh vực tài chính kế toán. 9 người này sẽ bỏ phiếu trước khi ra những quyết định về thuế và người nộp thuế luôn tuân thủ ý kiến mà hội đồng này đưa ra. Như vậy sẽ bảo đảm tính công bằng, công khai và dân chủ bởi thành phần của hội đồng tư vấn thuế ngoài đại diện của cơ quan thuế còn có cả đại diện của chính DN.

Trả lời câu hỏi của Báo Hànộimới về những vụ việc nổi cộm trong lĩnh vực thuế tại khối các DN FDI thời gian gần đây, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, tại vụ việc Tập đoàn Bersa Canada, đơn vị khai thác hai mỏ vàng Phước Sơn và Bồng Miêu (tỉnh Quảng Nam) được dư luận gần đây quan tâm: Họ không chuyển giá, trốn thuế mà đang nợ đọng thuế kéo dài. Với vụ việc này, cơ quan thuế cần bóc tách các khoản nợ đọng được phép giãn thuế theo luật như thiệt hại do thiên tai. Số nợ thuế còn lại thì xử lý theo đúng quy định của Luật Quản lý thuế. Tuy nhiên, khi xử lý trường hợp này cần hành xử theo hướng dân chủ, minh bạch vừa bảo đảm quyền lợi của Nhà nước vừa công bằng đối với DN. Quan điểm Bộ Tài chính là DN phải sớm phục hồi sản xuất, bảo đảm cho những DN sản xuất nhỏ đang có mối quan hệ cung ứng cho họ và bị nợ tiền, đồng thời trả lương đầy đủ cho công nhân. Cơ quan thuế xem xét trách nhiệm đến đâu thì làm đến đấy theo đúng quy định hiện hành.

Trường hợp của Metro có thể nhận thấy tập đoàn này không chuyển giá nhưng lỗ lớn vì đầu tư quá tham vọng. Thêm vào đó, chiến lược bán buôn của họ dường như chưa phù hợp tại thị trường Việt Nam. Năm nào cơ quan thuế cũng tổ chức thanh tra, kiểm tra hoạt động của DN này. Nhiều chi phí của Metro đã bị bóc tách nhưng vẫn lỗ. Vấn đề ở đây là cơ quan thuế phải làm thế nào để chứng minh những điểm bất hợp lý trong báo cáo tài chính của họ và truy thu thuế theo đúng quy định của pháp luật.

Chính sách thu hút FDI không còn phù hợp

Nhận xét về việc cơ quan thuế truy thu, truy hoàn hàng nghìn tỷ đồng sau thanh tra, kiểm tra thuế tại khối DN FDI, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh cho rằng, đây là nỗ lực xứng đáng được ghi nhận bởi chuyển giá, trốn thuế luôn là lĩnh vực vô cùng khó phát hiện, với nhiều thủ đoạn tinh vi, giao dịch nội bộ rất khó kiểm soát. Tuy nhiên, những vi phạm quá nhiều, diễn ra khắp mọi nơi đang cho thấy các chính sách, công cụ phòng ngừa chuyển giá hiện nay còn nhiều lỗ hổng. Để kiểm soát hoạt động chuyển giá, cần tập trung thanh tra, kiểm tra các đối tượng liên tục kê khai lỗ, trong các lĩnh vực có tài sản vô hình, giá trị thương hiệu lớn để thanh, kiểm tra thường xuyên, nhưng quan trọng hơn cả là cần xây dựng được hệ thống dữ liệu giá toàn cầu. Bên cạnh đó cần xây dựng đội ngũ cán bộ thuế có trình độ cao để có thể sớm phòng ngừa, phát hiện những hành vi gây thất thu NSNN.

Chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cho rằng, chính sách ưu đãi để thu hút vốn FDI bằng mọi giá đã không còn phù hợp và cần sớm được sửa đổi. Thay vì việc ưu đãi quá nhiều và đáp ứng mọi yêu cầu của DN FDI, nên sớm loại bỏ những "nút thắt cổ chai" thủ tục hành chính, hạ tầng, thiếu nhân lực chất lượng… nhằm cải thiện môi trường kinh doanh. Tuy nhiên, Chính phủ vẫn nên duy trì những ưu đãi phù hợp để thu hút FDI vào các lĩnh vực: Công nghệ cao, vùng kinh tế xã hội khó khăn và đặc biệt là đầu tư cho nông nghiệp.

Ông Mai Quốc Anh, Phó Chủ tịch Hiệp hội DN nhỏ và vừa TP Hà Nội: Cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng
Việc các DN FDI trốn thuế, gây thất thu lớn cho NSNN hay kinh doanh hàng chục năm, liên tục mở rộng đầu tư mà báo lỗ và không đóng góp vào ngân sách cho thấy chính sách thuế đang tồn tại nhiều kẽ hở khiến DN có thể lách luật trốn thuế. Để khắc phục thực trạng này, bên cạnh việc siết chặt hệ thống quản lý thuế cần tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, minh bạch giữa DN trong nước và DN FDI. Trên cùng một "sân chơi", các DN cần được đối xử công bằng như nhau về các chính sách ưu đãi. Còn hiện nay, DN trong nước đặc biệt là DN nhỏ và vừa thường thiệt thòi về thông tin dự án, khả năng tiếp cận tài chính khiến họ khó có thể phát huy những thế mạnh vốn có.

Hương Ly