Xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân
Chính trị - Ngày đăng : 06:17, 02/09/2014
1. Chủ tịch Hồ Chí Minh ý thức rất rõ về việc dùng người là quốc sách. Người đặc biệt nhấn mạnh: "Muôn việc thành công hay thất bại đều do cán bộ tốt hay kém", "Cán bộ là cái gốc của mọi công việc". Vì cán bộ là những người đưa đường lối của Đảng, Nhà nước đến với nhân dân, phổ biến cho nhân dân, giúp nhân dân thi hành. Để có cán bộ tốt, không cách nào khác là phải đào tạo, bồi dưỡng.
Hà Nội là đơn vị đi đầu tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn lãnh đạo, quản lý thành phố với hơn 100 học viên tham gia. Ảnh: Bá Hoạt |
Với ý thức "huấn luyện cán bộ là công việc gốc của Đảng", Đảng ta và Chủ tịch Hồ Chí Minh đặc biệt quan tâm tới công tác đào tạo cán bộ. Ngay trong những thời khắc cam go nhất, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh đánh phá miền Bắc, Người vẫn thu xếp thời gian giảng bài cho cán bộ. Ngày 14-5-1966, Bác trực tiếp giảng bài tại lớp huấn luyện đảng viên mới do Thành ủy Hà Nội tổ chức. Người nói với các đảng viên mới của Hà Nội rằng, vào Đảng không phải để thăng quan, phát tài. Chúng ta vào Đảng là để hết lòng hết sức phục vụ giai cấp, phục vụ nhân dân, làm tròn nhiệm vụ của người đảng viên. Người nhấn mạnh: Nhiệm vụ cách mạng đòi hỏi mỗi đảng viên phải tích cực học tập. Học phải đi đôi với hành. Học để ngày càng tốt hơn. Đảng viên phải chịu khó học tập lý luận Mác - Lênin, học tập đường lối, chính sách của Đảng; đồng thời phải học văn hóa, kỹ thuật và nghiệp vụ...
Với Đảng bộ Hà Nội, niềm vinh dự lớn lao là luôn được Chủ tịch Hồ Chí Minh dành sự quan tâm. Người trực tiếp tham gia vào việc đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, đảng viên của Thủ đô. Những lời dạy của Người không chỉ đọng mãi trong lòng lớp đảng viên mới của Thủ đô hôm đó (14-5-1966) mà còn trở thành "kim chỉ nam" trong công tác cán bộ của Đảng bộ Hà Nội. Trong bất cứ giai đoạn nào, công tác cán bộ nói chung, khâu đào tạo, bồi dưỡng cán bộ nói riêng luôn được Đảng bộ Hà Nội đặc biệt coi trọng.
Hà Nội thực hiện Nghị quyết 15 của Quốc hội khóa XII, địa giới hành chính được mở rộng. Cùng với dân số, diện tích, đội ngũ cán bộ của Hà Nội tăng lên, nhưng chất lượng chưa đồng đều. Tại nhiều phường, xã, có nơi chỉ 20% cán bộ chủ chốt có trình độ đại học. Trong khối lượng công việc khổng lồ phải giải quyết, Đảng bộ thành phố đã ưu tiên cho công tác đào tạo đội ngũ cán bộ, phấn đấu đến năm 2015 có 80% cán bộ chủ chốt xã, thị trấn và 100% cán bộ chủ chốt cấp phường được chuẩn hóa về chuyên môn và trình độ lý luận chính trị; đồng thời đào tạo 1.000 cán bộ nguồn các cấp. Nơi nào gần các cơ sở đào tạo thì cử cán bộ đi học; nơi nào xa thì tạo điều kiện mở lớp tại địa phương và sau 6 năm bền bỉ, đến nay chúng ta đã khá yên tâm, mục tiêu đặt ra cơ bản được thực hiện. Sau lớp cán bộ nguồn đầu tiên (ngành kiểm tra đảng) được khai giảng, tiếp đến là 4 lớp cán bộ nguồn công tác Đảng và các lớp cán bộ nguồn quản lý nhà nước, đoàn thể... Cho đến nay, thành phố đã hoàn thành sớm chỉ tiêu được cho là khó - đào tạo 1.000 cán bộ nguồn các cấp. Điều đáng quý, như Chủ tịch Hồ Chí Minh từng dạy, phải đào tạo cán bộ, đảng viên chẳng những thạo về chính trị mà còn phải giỏi cả về chuyên môn, vì thế xuất phát từ yêu cầu nhiệm vụ của Thủ đô sau hợp nhất, Hà Nội chú trọng đào tạo kỹ năng cho cán bộ lãnh đạo, quản lý. Ngoài truyền đạt lý thuyết, còn có phần trao đổi, phổ biến kinh nghiệm và "cầm tay chỉ việc" cho các học viên về cách thức lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ chính trị ở địa phương cũng như kỹ năng giải quyết từng tình huống cụ thể. Sau khi tốt nghiệp, các học viên được phân công về công tác ở cơ sở để trau dồi thêm kiến thức, kỹ năng, phấn đấu trở thành những cán bộ lãnh đạo chủ chốt của thành phố trong 10-15 năm nữa.
Vừa từng bước chuẩn hóa đội ngũ cán bộ cơ sở, vừa chú trọng đào tạo đội ngũ cán bộ quản lý, Hà Nội là đơn vị đi đầu tổ chức lớp bồi dưỡng cán bộ dự nguồn lãnh đạo, quản lý thành phố. Hơn 100 học viên tham gia lớp dự nguồn đầu tiên đều là lãnh đạo chủ chốt các sở, ban, ngành, đoàn thể và các quận, huyện, thị xã; là cán bộ nằm trong diện quy hoạch nguồn Ban Chấp hành Đảng bộ thành phố nhiệm kỳ 2015 - 2020 và những năm tiếp theo đã được TƯ phê duyệt. Theo UVTV, Trưởng ban Tổ chức Thành ủy Ngô Thị Thanh Hằng, thành phố đã và đang nỗ lực "vun trồng" cho lớp cán bộ nguồn ngày càng tiến bộ cả về đạo đức, tác phong, năng lực, trình độ để có đủ tầm đảm đương nhiệm vụ xây dựng và phát triển Thủ đô như Bác Hồ hằng mong muốn.
2. Luôn đau đáu với nhiệm vụ đào tạo, xây dựng đội ngũ cán bộ vững mạnh, Chủ tịch Hồ Chí Minh cho rằng: Người cán bộ cần có đủ các tiêu chuẩn về phẩm chất đạo đức, tài năng. Người cán bộ được ví như là "chiếc cầu nối giữa Đảng với nhân dân", vì vậy, yêu cầu đầu tiên không thể thiếu là đạo đức cách mạng. "Người cách mạng phải có đạo đức cách mạng làm nền tảng, mới hoàn thành được nhiệm vụ cách mạng vẻ vang". Những phẩm chất đạo đức cơ bản của cán bộ, đảng viên theo Người là trung với nước, hiếu với dân, cần, kiệm, liêm, chính, chí công vô tư… Đạo đức cốt lõi của người cán bộ, đảng viên chính là "hiếu với dân", trọng dân, vì dân. Với những giá trị đạo đức cốt lõi ấy, qua hơn 80 năm phấn đấu, xây dựng và trưởng thành, vượt qua muôn vàn khó khăn, thử thách, với bản lĩnh của một đảng cách mạng chân chính, dạn dày kinh nghiệm, luôn gắn bó máu thịt với nhân dân, Đảng đã lãnh đạo, tổ chức và phát huy sức mạnh to lớn của toàn Đảng, toàn dân, toàn quân, giành được nhiều thắng lợi vĩ đại.
Tuy nhiên, bên cạnh kết quả đạt được, Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI) thẳng thắn chỉ rõ: Một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên, trong đó có những đảng viên giữ vị trí lãnh đạo, quản lý, kể cả một số cán bộ cao cấp, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống với những biểu hiện khác nhau về sự phai nhạt lý tưởng, sa vào chủ nghĩa cá nhân ích kỷ, cơ hội, thực dụng, chạy theo danh lợi, tiền tài, kèn cựa địa vị, cục bộ, tham nhũng, lãng phí, tùy tiện, vô nguyên tắc... Trong gần ba năm qua, toàn Đảng đã nghiêm túc triển khai thực hiện 4 nhóm giải pháp để chỉnh đốn Đảng. Việc triển khai ở mỗi cấp đã giúp mỗi tổ chức và cán bộ, đảng viên tự nhìn nhận, soi xét lại mình, tự điều chỉnh suy nghĩ, hành động của bản thân, có tác dụng cảnh tỉnh, cảnh báo, răn đe và ngăn chặn những tiêu cực, sai phạm. Qua kiểm điểm tự phê bình và phê bình, các cấp ủy, tổ chức Đảng và từng cán bộ, đảng viên đã có nhiều việc làm thiết thực để sửa chữa, khắc phục khuyết điểm. Nhiều vụ án tham nhũng lớn, phức tạp đã được xét xử nghiêm minh, được nhân dân đồng tình đánh giá cao. Nhưng, kết quả này mới là bước đầu. Bởi, những hiện tượng tiêu cực, tham nhũng, suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống... vẫn còn diễn biến phức tạp và đang làm tổn hại đến uy tín của Đảng và Nhà nước, làm giảm sút niềm tin của nhân dân.
Thực tế đang đòi hỏi, cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết TƯ 4 (khóa XI), đẩy mạnh việc học tập, làm theo tư tưởng, đạo đức, nhân cách Chủ tịch Hồ Chí Minh với quyết tâm chính trị và trách nhiệm trước Đảng, trước dân cao hơn nữa. Đây chính là nhiệm vụ có ý nghĩa sống còn, nhằm xây dựng đội ngũ cán bộ, xây dựng Đảng ta ngày càng trong sạch, vững mạnh, xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ trung thành của nhân dân.