Cần giải pháp tổng thể đưa hàng Việt về nông thôn
Kinh tế - Ngày đăng : 07:09, 01/09/2014
Vẫn nặng tính phong trào
Tại Siêu thị Big C (đường Trần Duy Hưng, quận Cầu Giấy), một phụ nữ mua lỉnh kỉnh rất nhiều loại hàng hóa đã khiến chúng tôi tò mò. Qua trò chuyện, được biết chị sống ở thị trấn Vân Đình (Ứng Hòa), nhưng mỗi tháng một lần, chị đều đến Siêu thị Big C mua hàng về sử dụng. Mặc dù nhà khá xa (khoảng 40km), chị vẫn lựa chọn Big C vì cho rằng hàng hóa tại đây có xuất xứ rõ ràng, hạn sử dụng bảo đảm, chưa kể mua hàng tại Big C chị sẽ được hưởng các sản phẩm khuyến mãi kèm theo, trong khi mua tại các đại lý bán hàng ở quê, hầu hết phần khuyến mãi đã bị các đại lý "ăn chặn". Chị cho biết, thỉnh thoảng cũng có đợt bán hàng của một số các doanh nghiệp về Ứng Hòa trong vài ngày, nhưng hàng hóa không đa dạng. Nhiều khi chưa kịp đến điểm mua đã hết hàng hay đã di chuyển đi nơi khác…
Từ câu chuyện tình cờ nêu trên, chúng tôi đã tìm hiểu việc thực hiện cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam" trên địa bàn Hà Nội. Những năm qua, nhiều chương trình thiết thực đã được các cấp, các ngành và các doanh nghiệp quan tâm triển khai. Các chương trình như: Phiên chợ hàng Việt, đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, bán hàng trên các xe lưu động, bán hàng Tết… ở các vùng nông thôn, ngoại thành đã liên tục được Sở Công thương Hà Nội phối hợp với các doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh tổ chức, năm sau nhiều hơn năm trước. Người dân ngoại thành cũng nhiệt tình hưởng ứng và đánh giá cao chất lượng các sản phẩm. Tuy nhiên, các phiên chợ Việt, các chuyến bán hàng lưu động vẫn không đáp ứng được nhu cầu của người dân. Hằng năm, các phiên chợ Việt, các chuyến bán hàng lưu động diễn ra khá đều đặn, nhưng nếu tính trên phạm vi một xã thì hoạt động này chưa thường xuyên. Chính vì vậy, nhiều người đánh giá hoạt động đưa hàng Việt về nông thôn, nặng tính phong trào mà chưa thực sự lan tỏa sâu rộng tại khắp các vùng nông thôn của Hà Nội. Rất nhiều lãnh đạo các địa phương chúng tôi đến tìm hiểu đều mong muốn doanh nghiệp tăng tần suất các phiên chợ Việt, các chuyến bán hàng lưu động… để đáp ứng nhu cầu của người dân.
Năm 2013, các đơn vị đã tổ chức 38 chuyến bán hàng phiên chợ Việt, 526 chuyến bán hàng lưu động, phục vụ bà con tại 13 xã của 4 huyện: Thạch Thất, Mỹ Đức, Quốc Oai, Ba Vì. Năm 2014, Sở Công thương dự kiến tổ chức 34 phiên chợ Việt và khoảng 500 chuyến bán hàng lưu động. Năm 2012-2014, các đơn vị tham gia chương trình đưa hàng về nông thôn, khu công nghiệp, khu chế xuất là: Tổng Công ty Thương mại Hà Nội cùng các đơn vị thành viên; Công ty TNHH Phát triển Thành Đồng II; Công ty TNHH một thành viên Đầu tư và Phát triển nông nghiệp Hà Nội; Công ty CP Intermex Việt Nam; Công ty Sản xuất và thương mại An Việt; Công ty TNHH Sài Gòn Co.op Hà Nội; Tổng Công ty Lương thực miền Bắc và hệ thống siêu thị Big C; Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và dịch vụ Lan C. |
Gian nan còn nhiều
Các chợ vùng nông thôn phần lớn đều xuống cấp, chưa đáp ứng được yêu cầu văn minh thương mại, vệ sinh môi trường và an toàn thực phẩm. Bên cạnh đó, bản thân doanh nghiệp khi tham gia chương trình đưa hàng Việt về nông thôn cũng vấp phải không ít khó khăn. Phần lớn, kinh phí thực hiện đưa hàng Việt về nông thôn, về khu công nghiệp, khu chế xuất… đều do doanh nghiệp tự trang trải. Chưa kể, tình hình kinh tế suy thoái, thu nhập giảm sút nên sức mua của người dân cũng hạn chế. Là một trong những đơn vị đi đầu trong thực hiện chương trình đưa hàng Việt về nông thôn, Tổng Công ty Thương mại Hà Nội gặp khá nhiều khó khăn khi triển khai, từ vận chuyển hàng hóa, địa điểm bán hàng đến việc bảo quản sản phẩm. Một khó khăn nữa là một số đại lý xung quanh điểm bán hàng có phản ứng, gây khó dễ với công ty…
Nhìn rõ những hạn chế trong quá trình triển khai cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam", Sở Công thương Hà Nội đã đề ra một số giải pháp như: Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại phát triển mạng lưới trở thành kênh phân phối chủ yếu hàng Việt ở khu vực nông thôn; nâng cấp và mở rộng mạng lưới chợ bán lẻ để khuyến khích các thương nhân hoạt động trong chợ thành lập các liên minh mua bán hàng hóa, lấy chợ làm hạt nhân, tạo cơ sở cho các chuỗi cửa hàng tiện lợi, chuyên doanh và tổng hợp phát triển; quy hoạch mạng lưới bán buôn, bán lẻ trên địa bàn thành phố… Song, với hạ tầng thương mại còn nhiều hạn chế như hiện nay thì việc thực hiện cuộc vận động vẫn gặp không ít khó khăn thách thức.