Người chỉ huy cuộc Tổng khởi nghĩa Tháng Tám ở Hà Nội

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:41, 01/09/2014

(HNM) - Đã qua tiết Lập Thu hai tuần, xen giữa những đợt nắng nóng gay gắt là những buổi sáng ra đã thấy dìu dịu, thoang thoảng khí mát mơ hồ tự đất dâng lên, tự những cơn gió đâu xa lượn về và những cơn mưa nhè nhẹ.


Tháng Tám mùa Thu lá khởi vàng. Hà Nội mùa Thu xao xuyến lòng ta... Đường phố chăng khẩu hiệu, biểu ngữ, pa nô, áp phích, tranh cổ động nhắc nhớ về mùa Thu Tháng Tám năm 1945 giữa nhịp đời hối hả. Trong những ngày Tháng Tám này, tôi có may mắn được gặp Đại tướng Nguyễn Quyết, nguyên Bí thư Thành ủy Hà Nội thời điểm năm 1945, người đã chỉ huy cuộc Tổng khởi nghĩa giành thắng lợi ở Thủ đô...

Tác giả trò chuyện cùng Đại tướng Nguyễn Quyết.



Chín giờ sáng ngày 20-8-2014, chúng tôi có mặt trước con ngõ nhỏ có tấm biển "Khu tập thể Quân đội - Quân khu Thủ đô" gần vườn hoa Pasteur. Hỏi một cô gái đang nghe điện thoại trên đường, được cô chỉ cho cái cổng xây kiểu những năm thời bao cấp, mái là tấm bê tông, hai cánh cổng sắt cũ kỹ. Qua cổng là cái sân chừng vài chục mét vuông lát gạch đỏ, góc sân trồng cây cau có dây trầu quấn quanh. Tư dinh của Đại tướng là căn nhà ba tầng một tum lợp mái tôn, tường vôi đã cũ, ba bậc tam cấp dẫn lên hiên nhà. Phòng khách ở tầng một bày bộ bàn ghế gỗ kiểu Đồng Kỵ sẫm màu, chiếc bàn có đặt tấm kính phủ bên trên. Cơ ngơi của Đại tướng chẳng hơn gì cơ ngơi của một gia đình bậc trung, thậm chí còn thua mấy căn nhà khác trong cùng khu tập thể.

Tôi ngồi ngắm ông lão chín ba tuổi, không khỏi thầm kính phục con người đã mang gần một thế kỷ tuổi đời, hơn bảy thập kỷ tuổi hoạt động cách mạng trên vai, cuộc đời riêng chung trải qua bao thăng trầm buồn vui sướng khổ. Đã nghe nói vợ ông sinh nở năm lần, phải bỏ mất hai đốt từ thời kháng chiến gian lao mà anh dũng, sau này một người con trai là sĩ quan cao cấp lại bị tai nạn qua đời cách nay mươi năm. Ngắm gia cảnh Đại tướng, thấy thương, thấy thông cảm với ông, thấy ông gần gũi hơn.

Khi tôi đề nghị Đại tướng kể chuyện lãnh đạo khởi nghĩa ở Hà Nội, ông sôi nổi hẳn lên. Rõ ràng gánh nặng tuổi tác, thời gian đã không hề ảnh hưởng đến trí tuệ còn rất mẫn tiệp của Đại tướng. Theo ông, nói đến Cách mạng Tháng Tám là phải nói đến ba vấn đề. Một là, đến năm 1945, nhân dân Việt Nam đã đứng lên tự giải phóng. Cuộc Cách mạng Tháng Tám của nhân dân Việt Nam có tính thời đại, có tầm quan trọng và ý nghĩa lịch sử mang tầm thế giới. Nó báo hiệu sự sụp đổ chế độ thuộc địa của chủ nghĩa đế quốc, tạo bước nhảy vọt cho cách mạng Việt Nam và cách mạng thế giới. Hai là, Cách mạng Tháng Tám khẳng định vai trò chủ động, sáng tạo, có tính quyết định của tổ chức Đảng địa phương. Trong Cách mạng Tháng Tám, nhiều nơi đã không làm được vì tổ chức Đảng chưa đủ mạnh, thậm chí có sai lầm, tả khuynh, hữu khuynh. Ba là, Đảng bộ Hà Nội có vai trò quyết định đối với thắng lợi của Cách mạng Tháng Tám, đã nhạy bén nắm thời cơ, quyết định phát động nhân dân Hà Nội đứng lên Tổng khởi nghĩa, mở đường cho thắng lợi của cách mạng cả nước. Thắng lợi của Hà Nội là kết quả công tác xây dựng Đảng bộ, biết dựa vào quần chúng, chống tả khuynh, hữu khuynh trong hoàn cảnh cụ thể lúc đó.

Sau khi các lực lượng cách mạng cướp diễn đàn, biến cuộc mít tinh của Tổng hội Viên chức ngày 17-8 thành cuộc biểu dương lực lượng của quần chúng cách mạng, ngay tối hôm đó Thành ủy Hà Nội đã họp mở rộng, triệu tập cuộc họp Ủy ban Quân sự cách mạng (cũng là Ủy ban Khởi nghĩa) tại nhà bà Hai Nhã ở thôn Dịch Vọng Tiền, nay thuộc phường Dịch Vọng, quận Cầu Giấy, dưới sự chủ trì của Bí thư Thành ủy Nguyễn Quyết, bàn kế hoạch khởi nghĩa. Hội nghị đã quyết định phương thức khởi nghĩa là huy động lực lượng quần chúng tại chỗ uy hiếp thị uy, lực lượng tự vệ chiến đấu làm nòng cốt, phân công cán bộ chỉ huy lực lượng cách mạng đánh chiếm các cơ quan trọng yếu của chính quyền bù nhìn và quyết định ngày 19-8-1945 là ngày tổng khởi nghĩa. Đại tướng phân tích, ngày 17-8-1945 là một ngày quan trọng, có ý nghĩa góp phần quyết định để cho ngày 19-8 là ngày quyết định thắng lợi của cách mạng. Ngày 19-8, nếu ta không giải tỏa được quân Nhật thì cách mạng không thể thành công.

Trong câu chuyện của Đại tướng, tôi đặc biệt chú ý đến một luận điểm của ông. Ông nói: Bác Hồ dạy, cách mạng cải tạo con người. Cách mạng Tháng Tám ở Hà Nội là một cuộc cách mạng mang tính nhân văn sâu sắc, đầy sáng tạo. Tại sao các tầng lớp nhân dân, trong đó có cả "tầng lớp trên" ở Hà Nội ủng hộ cách mạng, hăng say tham gia hoạt động cách mạng? Tại sao một vạn quân Nhật ở Hà Nội đầu hàng? Tại sao cả bộ máy ngụy quân ngụy quyền tay sai Nhật đầu hàng? Đó là do ta biết cải tạo, giác ngộ quần chúng, biết biến lực lượng địch thành lực lượng ta. Họ theo Pháp thì thua Nhật, theo Nhật thì thua Đồng minh, chỉ theo ta thì mới có đường sống, giải tỏa được bế tắc. Một vạn quân Nhật ở Hà Nội "án binh bất động" không can thiệp vào "công việc nội bộ" của nhân dân Việt Nam là nhờ ta khôn khéo, sáng tạo, thuyết phục họ nhận rõ tình thế Nhật hoàng đã đầu hàng Đồng minh, muốn yên ổn chờ ngày về nước thì không được chống lại cách mạng, chống lại nhân dân Việt Nam đang làm cách mạng. Một quan Khâm sai Đại thần triều Nguyễn sau này là Phó Thủ tướng Chính phủ Cụ Hồ. Nhiều người là lính khố xanh, khố đỏ, lính bảo an của địch sau này trở thành tướng lĩnh quân đội ta. Đó là cách làm sáng tạo của Hà Nội, không phải nổ súng, không đổ máu mà cách mạng thành công. Cách làm của Hà Nội được Tổng Bí thư Trường Chinh đề nghị vận dụng để giải phóng thị xã Thái Nguyên do một đại đội lính Nhật chiếm đóng. Ngay sau khi Cách mạng Tháng Tám thành công, đồng chí Trường Chinh đã nhận xét: Thắng lợi của Hà Nội mở đường cho thắng lợi của cả nước.

Tư tưởng Hồ Chí Minh về lấy chính nghĩa cách mạng cảm hóa kẻ địch còn thể hiện rõ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Nguyên Tổng thống Pháp F. Mitterand từng phát biểu đại ý, nước Pháp phải cám ơn Việt Nam đã giúp mình từ bỏ chủ nghĩa thực dân cũ để bước sang một thời kỳ phát triển mới. Viên thiếu tá phi công Hải quân Mỹ John McCain lái máy bay F-4 "con ma" bị quân dân Hà Nội bắn rơi, nhảy dù xuống hồ Trúc Bạch năm 1967 nay là Thượng nghị sĩ Hoa Kỳ có cảm tình với Việt Nam…

Cuối câu chuyện, Đại tướng rút ra kết luận: Vận dụng Tư tưởng Hồ Chí Minh là bài học có ý nghĩa quyết định thắng lợi của cách mạng Việt Nam và cuộc đời tôi. Cách mạng Việt Nam phải dựa vào quần chúng, sức mạnh của cách mạng là ở nhân dân. Người lãnh đạo, nhất là ở cấp chiến lược càng phải biết dựa vào quần chúng, phải biết sửa sai, chống tả khuynh, chống hữu khuynh để giành thắng lợi.

Thấy câu chuyện đã dài, bác sĩ riêng của Đại tướng nhắc chúng tôi chào tạm biệt "để cụ nghỉ, nói khản cả tiếng rồi". Đại tướng cười, bảo: "Các anh cho tôi nói thêm chút nữa, không phải ai cũng nói chuyện được, mà không phải ai cũng thích nghe tôi nói đâu".

Chúng tôi ra về lúc đã gần 11 giờ trưa. Nhìn lại cánh cổng sắt cũ kỹ trước tư dinh vị Đại tướng "khai quốc công thần", càng thấy ông gần gũi hơn.

Tháng Tám 2014

Nguyễn Năng Lực