Không cần thúc trẻ "chín ép"
Góc nhìn - Ngày đăng : 06:09, 01/09/2014
Tại Olympic trẻ thế giới 2014 tổ chức tại Nam Kinh, kình ngư trẻ Nguyễn Thị Ánh Viên giành HCV bơi lội, một tài năng trẻ cử tạ giành HCB, giúp Đoàn thể thao Việt Nam có được vị trí xếp hạng toàn đoàn không đến nỗi nào (hạng 44). Tuyến VĐV trẻ Việt Nam còn tham gia nhiều giải khác như Giải Vô địch Bóng đá nữ U19 Đông Nam Á, Giải Bóng đá U15 quốc gia…
Ở những giải nói trên, các tài năng trẻ của Việt Nam giành được một số thành tích tốt, chỉ số chuyên môn cho phép hy vọng nhất định về sự phát triển của họ trong tương lai. Nhưng, như một phần tất yếu trong thể thao, không thể mong có thắng lợi toàn diện, các VĐV trẻ cũng đã gặp thất bại. Đó là điều rất bình thường. Vấn đề quan trọng là sự phản ứng của giới chuyên môn, dư luận xã hội và của chính những người gánh chịu thất bại là như thế nào, tích cực hay không.
Đội tuyển Bóng đá U19 Việt Nam đã thua những người cùng tuổi ở Đội tuyển Bóng đá U19 Myanmar trong một trận chung kết kịch tính tại Brunei. Sòng phẳng mà nói, những ai đã xem trực tiếp trận đấu đó qua sóng truyền hình cần phải thừa nhận rằng các tuyển thủ trẻ của chúng ta không bằng các cầu thủ bạn, cả về thể lực, chiến thuật; cũng không hơn họ về kỹ thuật dù tuyến trẻ Việt Nam được đánh giá rất cao về mặt này nhờ được đào tạo bài bản trong điều kiện tốt. Đó là sự thua trong một trận đấu, không có nghĩa thua toàn diện, ở mọi thời điểm, không cần phải bi quan quá mức. Trận thua ấy giúp U19 "vỡ" ra nhiều điều, giúp họ "trở về mặt đất" sau chuỗi ngày được tụng ca nhiệt tình. Không nhận ra điều đó, chỉ trích các cầu thủ trẻ sau một trận thua, thậm chí là nhiều trận thua đi nữa, là cách nhận xét thiếu tính xây dựng. Có nên, có cần thiết phải bắt lứa cầu thủ "con cưng" phải thắng tất tật trong khi họ còn có điểm hạn chế (rõ nhất là thể lực, lối chơi thiếu đa dạng…)? Tuột khỏi tầm tay một tấm huy chương, người lớn liệu có nên đổ lỗi cho cầu thủ trẻ, rằng họ “tự ý” ăn uống tùy tiện trong khi đội tuyển ấy có người phụ trách, có nhà tài trợ lo vấn đề dinh dưỡng và có ban huấn luyện - những người không "ngọng nghịu" trước vấn đề cầu thủ nên ăn gì, không nên ăn gì, ăn thế nào, ăn vào lúc nào…?
Có người đã thất vọng khi Nguyễn Thị Ánh Viên "chỉ" giành một HCV ở Olympic trẻ Nam Kinh, phàn nàn rằng VĐV này bỏ thi chung kết ở một nội dung khác, lỡ thành tích trong tầm tay mà quên rằng thành tích ấy đã đi vào lịch sử thể thao Việt Nam, rằng Ánh Viên đang trong quá trình phát triển, cần phải tiến chắc từng bước một.
Sự khen - chê nhiều khi có sức ảnh hưởng rất lớn đối với quá trình phát triển cá nhân, có thể khiến tài năng thui chột nhưng cũng có thể giúp họ phát huy tiềm năng nếu có liều lượng phù hợp. Như cuối tuần, mỗi khi xem các tài năng ca hát "nhí" thi tài trên sóng truyền hình cũng vậy. Một số trẻ có chất giọng đẹp, khả năng diễn tốt "đã được lên báo". Người ta khen hết lời, khá là cảm tính, bỏ qua sự thật là các giọng ca "nhí" chưa có sự ổn định về kỹ thuật, phần lớn chưa qua giai đoạn đào tạo cơ bản - điều quan trọng giúp trẻ thành tài. Với trẻ, tại sao không xác định điểm dừng khen - chê nhằm giúp chúng hình thành ý thức "thắng không kiêu, bại không nản", tự hoàn thiện mình để tiến chắc từng bước một?
Với tài năng trẻ, đặc biệt là những niềm hy vọng của quốc gia, từ lời nói đến hành động liên quan đến họ cần phải được kiềm chế, hướng tới sự đúng mực, mang tính xây dựng. "Bệnh thành tích" thể hiện ở nhiều lĩnh vực, chắc chắn là kìm hãm sự phát triển. Nó có thể thúc đẩy hành vi, cách ứng xử sai, bắt tài năng trẻ "chín ép" và vì thế, cần phải được loại bỏ.