Libya: Tương lai mờ mịt
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 05:54, 31/08/2014
Bị ca thán bởi sự độc đoán, chuyên quyền nhưng ít nhất, tính quyết đoán và khả năng lãnh đạo của nhân vật xuất thân từ bộ lạc du mục Bedouins đã xây dựng Libya thành một nền kinh tế tương đối giàu có ở Bắc Phi và đặc biệt là một nền chính trị ổn định, hòa bình. Làn gió cải cách của "Mùa xuân Arab" ào đến nhanh chóng cuốn Libya vào cơn bão chính trị chưa từng có ở Trung Đông. Người dân quốc gia Bắc Phi không thể biết rằng cũng từ đó, họ bước vào đêm dài bất ổn với những chính phủ nối tiếp nhau không có khả năng kiểm soát đất nước, một quốc gia đã trở thành miếng mồi ngon cho các nhóm Hồi giáo vũ trang và một xã hội hỗn loạn trong bạo lực triền miên.
Không phải quân chính phủ mà các tay súng vũ trang đang chia nhau kiểm soát Libya. |
Trong bối cảnh ở khu vực địa - chính trị nhạy cảm, thậm chí được xem là một trong những điểm nóng bất ổn ở Bắc Phi, chuyện bắn giết, bắt cóc, đòi tiền chuộc, thậm chí là với thủ tướng đương nhiệm hay các nhà ngoại giao nước ngoài cũng không có gì lạ lẫm với người dân Libya. Việc các chính phủ tuyên bố tự giải tán để hóa giải bế tắc chính trị và mở đường cho việc thành lập những chính phủ mới có năng lực hơn cũng xảy ra như cơm bữa. Vì thế, sự kiện toàn bộ nội các của Thủ tướng Abdullah Al-Thinni tuyên bố từ chức, tạo điều kiện để một bộ máy lãnh đạo mới vừa được lựa chọn trong cuộc bầu cử cuối tháng 6 vừa qua lên nắm quyền, cũng chỉ được xem là một động tác thông thường trước thềm một cuộc chuyển giao chính trị. Người dân Libya không còn mấy để tâm đến sự thay đổi của chính quyền trung ương, mà với họ, quan trọng hơn cả là chính phủ mới có khả năng tái khởi động tiến trình hòa giải dân tộc và giải giáp hàng chục nhóm vũ trang đang đua nhau trỗi dậy hay không.
Kể từ sau cái chết của cựu Tổng thống M.Gaddafi năm 2011, chưa một chính phủ nào ở Tripoli tạo dựng được một quân đội đủ mạnh để bảo đảm trật tự đất nước. Sự yếu kém đó đã làm lộ ra những khoảng trống an ninh và các phe phái Hồi giáo vốn đang được sự cổ vũ mạnh mẽ từ sự vươn lên của các phong trào Hồi giáo ở Ai Cập, Tunisia, Yemen… lập tức nắm lấy cơ hội. Quốc gia Bắc Phi trở thành chiến địa của cuộc đối đầu đẫm máu giữa các lực lượng có vũ trang, tạm chia thành 4 nhóm. Đáng kể nhất và cũng đáng sợ nhất là các tay súng của hơn 20 tổ chức Hồi giáo đang hoạt động ở Libya. Rất nhiều trong số đó có liên hệ trực tiếp với Al-Qaeda và nhóm Nhà nước Hồi giáo đang reo rắc nỗi kinh hoàng ở Trung Đông. Đội quân thứ hai là các tổ chức dân quân của những nhân vật có tư tưởng cải cách từng góp phần đáng kể vào cuộc lật đổ ông M.Gaddafi hiện đang chiếm giữ một số khu vực quan trọng ở phía tây, trong đó có thủ đô Tripoli. Nhóm thứ ba và cũng là lực lượng có khả năng tạo ra đối trọng lớn nhất nhằm kiềm chế các phần tử thánh chiến Hồi giáo là tổ chức "Quân đội quốc gia" do tướng về hưu Khalifa Haftar lãnh đạo. Có thành trì tại khu vực Benghazi ở miền Đông, đội quân của ông Haftar chưa được sự công nhận từ Chính phủ Libya nhưng đã có sự ủng hộ của hàng nghìn người, cùng tập hợp dưới ngọn cờ chống lại mối đe dọa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Dù không quá mạnh nhưng lực lượng thứ tư với những tay súng đến từ các bộ lạc tại Libya cũng không thể xem thường khi quốc gia này được hình thành trên cơ sở chung sống của nhiều bộ lạc du mục.
Một đất nước gần như bị chia cắt thành những khu vực riêng rẽ và bạo lực được coi như một cách thức để mở rộng ảnh hưởng cũng như tối ưu hóa lợi ích của các phe phái chắc chắn không phải là kiểu dân chủ mà người dân Libya trông đợi. Thực tế hiện nay khác xa với những lời hứa hẹn có cánh với một nước Libya mới và thịnh vượng khi phương Tây quyết định can thiệp quân sự hỗ trợ quân nổi dậy lật đổ chính quyền của nhà lãnh đạo M.Gaddafi. Hơn 3 năm sau cuộc cách mạng, đến giờ người Libya cảm thấy họ đang bị lãng quên, bị bỏ mặc trong cuộc tranh giành quyền lực đẫm máu và một tương lai vô cùng mờ mịt. Không có nhiều niềm tin rằng, chính phủ sắp tới sẽ có thể tạo ra sự thay đổi thần kỳ tại quốc gia hiện đã trở thành thánh địa của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan và đang đứng trước bờ vực của một cuộc nội chiến toàn diện. Nguy cơ đó biến Libya thành một hiểm họa an ninh của thế giới mà theo Tổng thống Pháp Francois Hollande, nếu không có hành động nào trên bình diện quốc tế, chủ nghĩa khủng bố sẽ từ đây lan ra toàn khu vực. Ông chủ Điện Elysee cũng kêu gọi Liên hợp quốc thực hiện hỗ trợ đặc biệt cho chính quyền Libya nhằm khôi phục trật tự, ổn định đất nước.
Thế nhưng, khi thế giới đang có quá nhiều điểm nóng, các nước lớn còn đang phải bận tâm với hàng loạt vấn đề của riêng mình thì người dân Libya sẽ là những nạn nhân đầu tiên phải gánh chịu cảnh loạn lạc của thời hậu Gaddafi.