Ông đại tá đóng phim
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:48, 31/08/2014
Có ai ngờ người diễn viên nghiệp dư đó ở ngoài đời nguyên là nhà giáo - Phó Hiệu trưởng Trường Chính trị Quân khu Ba - Đại tá Lê Thế Tục. Lớp bụi thời gian mỗi ngày đang dần phủ lên cuộc đời 85 tuổi khiến người ta dễ xao lòng với kỷ niệm. Một ngày đầu thu, tôi được nghe tâm sự của ông - một người lính già đáng quý.
Đại tá Lê Thế Tục trong căn nhà bộn bề những kỷ vật đời lính, đời làm nghệ thuật. |
Bén duyên muộn nhưng nhiều thành công
Gửi cả những năm tháng tuổi trẻ vào con đường binh nghiệp, Đại tá Lê Thế Tục đã từng vào Nam ra Bắc, lăn lộn trên các chiến trường miền Nam, qua cả nước bạn Lào, rồi trải qua chiến tranh biên giới phía Bắc… Từng làm rất nhiều công việc, nơi nào đi qua cũng để lại trong ông ăm ắp những kỷ niệm. Nhưng làm ấm lòng ông lúc tuổi già lại là những trang giấy đã úa vàng xếp cẩn thận trong chiếc cặp ba lá cũ kỹ. Mỗi lần được ông giở ra là ký ức của những lần đứng trên bục giảng, những vai diễn trong phim lại chan chứa ùa về. Đó là những dòng nhật ký, những tập kịch bản, những lá thư ân tình mộc mạc của học trò gửi đến được ông giữ gìn như báu vật. Chẳng kể nhiều với tôi, nhưng bằng sự im lặng và bàn tay run run lật từng trang thư đã ngả màu thời gian, tôi phần nào cảm nhận được ký ức đẹp đẽ về những tháng ngày ấy trong ông. Cầm lên một trang thư có dán tấm ảnh đã ép nhựa cẩn thận, ông nói nhỏ: "Cậu này hy sinh rồi, khi vẫn còn đang học ở trường tôi"… Sợ làm ông buồn về những kỷ niệm xa xưa tôi ngỏ ý muốn nghe ông kể về mối duyên muộn của ông với nghệ thuật thứ bảy.
Đó là vào năm 1996, khi đạo diễn Phó Bá Nam đi tìm kiếm diễn viên cho vai ông tướng Lê Sâm trong phim "Chuyện đời thường" (còn gọi là Tướng về hưu). Được người khác giới thiệu, dù biết ông là một đại tá nghỉ hưu chưa bao giờ đóng phim, nhưng Phó Bá Nam vẫn quyết đặt niềm tin vào người cựu binh ấy. Ông kể: "Hôm dự họp về giáo dục ở phường, tôi được Thanh An, nguyên là diễn viên của Đoàn Kịch nói quân đội kéo đi làm phim phóng sự cho mục Tạp chí Gia đình, sắm vai người ông đi đón cháu sau giờ tan học. Thế rồi, cậu ấy giới thiệu tôi với Phó Bá Nam. Đạo diễn Phó Bá Nam yêu cầu tôi thể hiện vài miếng trò hỉ, nộ, ái, lạc, thế là ưng luôn". Quả thật, ông Tục đã không để đạo diễn Phó Bá Nam thất vọng. Ngay sau khi phim được công chiếu, "Chuyện đời thường" đã trở thành đề tài thường ngày mọi người vẫn nói với nhau. Cũng từ "Chuyện đời thường" mà ông già quắc thước thường sống lặng lẽ trong ngôi nhà nhỏ của mình bỗng như trở thành người quen của mọi gia đình. Người ta trìu mến gọi ông Tục là tướng Lê Sâm khi gặp ngoài đời.
Tính nghiêm túc trong công việc đã giúp ông Tục có được nhiều vai diễn thành công. Ông tâm sự: "Khi nhận vai diễn cùng kịch bản, tôi tranh thủ hỏi đạo diễn về nội dung, ý đồ diễn. Tiếp theo tôi gạch chân những lời thoại của vai diễn bằng bút dạ màu đỏ; gạch màu xanh trước những lời thoại và tình huống sắp bước ra trước ống kính; lọc và ghi những cảnh diễn cùng ở một điểm. Tranh thủ thời gian đọc lời thoại cho thật thuộc và suy ngẫm cách diễn đạt sao cho có hồn, nghiên cứu, tạo ra cách diễn phù hợp với thời gian, không gian". Nhiều lúc, ông như người mất hồn để tập một dáng đi, cách đứng, cách ngồi… Phải soi gương để xem xét nét mặt, con mắt khi cáu giận, khi vui vẻ, lúc yêu thương ra sao… Có lúc cười đấy, nhưng là cười ra nước mắt, có cái cười mỉa mai giễu cợt, có cái cười yêu thương trìu mến… Tướng Lê Sâm trong phim "Chuyện đời thường" khi ra ngoài chống chiếc ba toong không phải vì già yếu, mà cái ba toong thể hiện uy quyền, kiêu hãnh. Đại tá Lê Thế Tục đã phải mất bao công sức tập từ cách cầm, cách vung, cách chống sao cho phù hợp với phong cách đó.
Luôn muốn mình thật chỉn chu, đứng đắn khi lên màn ảnh, vì vậy ngoài việc nghiên cứu kịch bản ông còn chuẩn bị trước những trang phục, những đạo cụ phù hợp cho vai diễn của mình. Ông vui vẻ kể, khi vào vai ông Mến trong phim "Người kế thừa dòng họ", ông đã tìm gặp một số bạn bè quê Thái Bình để tìm hiểu phong thái, cách ăn mặc, đi lại. Để có trang phục phù hợp ông phải mượn quần áo nâu của bạn rồi nhờ con sửa lại đôi chỗ. Còn khăn xếp, khi về tới nơi diễn mới mượn được theo ý muốn. Đêm trước ngày lên đường đi diễn, ông trằn trọc nghĩ xem còn thiếu gì (thực ra việc này trong đoàn làm phim đã có người chịu trách nhiệm lo toan). Điều đặc biệt của vai diễn ông tộc trưởng vùng biển này có chi tiết hút thuốc lào. Thuốc lào các cụ hút thường để trong hộp tròn, bằng kim loại, còn bật lửa phải là loại có bánh xe có nắp, có bấc đốt bằng xăng hoặc dầu hỏa. Thế là đang đêm ông ngồi bật dậy, xuống tìm ở đống đồ sửa xe đạp may sao thấy cái bật lửa cũ từ ngày đi B được cấp phát. Ông lau chùi sạch sẽ, sửa lại bật lửa và không quên bọc một nắm đóm nỏ. Xong việc mới yên tâm đi nằm.
Những năm tháng trong quân đội đã giúp ông có những cảnh diễn rất giản dị, tự nhiên và cũng thật có hồn khi vào vai người lính. Nhưng không dừng lại ở các vai bộ đội, 20 bộ phim ông tham gia, ở vai diễn nào ông cũng vào vai rất "ngọt". Từ "Chuyện đời thường", "Đất và Người", "Hồn của đất" đến "Người kế thừa dòng họ", "Ngã ba thời gian", "Ông nội", "Chớm nắng", "Phía sau một cái chết"… mỗi bộ phim với ông là mỗi lần trăn trở.
"Phim ảnh cũng giống như cuộc đời"
Đại tá Lê Thế Tục lấy những trải nghiệm của cuộc đời mình để thể hiện cho từng nhân vật có hồn và lấy vai diễn để chiêm nghiệm lại cuộc đời mình. "Ngày xưa, người ta tìm ra cái lý để sống. Nhưng ngày nay, người ta còn phải tìm cái lẽ để chết. Chết làm sao để còn có người đến thăm, đưa về cõi vĩnh hằng". Ông nhẩn nha nói lại lời của một nhân vật trong bộ phim "Hoàng hôn xanh" mà ông đóng.
Là một người không bằng lòng với mình, ông tự nhận xét: "Tôi có lúc không tập trung, chưa thoải mái với lời thoại, có lúc do thời tiết nắng nóng hoặc rét mướt, nhưng cũng có lúc do chuyên môn hạn hẹp. Ông nhớ lại lần quay cảnh ông Lê Sâm cầm tay bà Thương và chiếc khăn - vật kỷ niệm mối tình xưa trong phim "Chuyện đời thường". Đến cảnh quay cận, ông Sâm vẫn nắm tay bà, nhưng vì nắm lâu quá nên mỏi, tay cứ run run. Nhà quay phim Mai Hồng Phong quát "tay bố run quá". Mấy lần liền không được, Phong bỏ máy ngồi phịch xuống cằn nhằn: "Bố đếch biết yêu"! Từ đó, ông càng làm việc với tinh thần cao hơn, thường xuyên bỏ thời gian theo dõi phim trong đó có vai diễn của ông để "nói hộ" cảnh đời, nói hộ… người xem. Ông bảo, nghiệp diễn mang lại cho ông nhiều điều hạnh phúc. Ông cười, có một lần đang đi đường cứ thấy có người gọi: "Bố, bố, bố ơi - ông quay lại thì người đó cười - bố còn nhà trọ không cho con thuê một gian". Sở dĩ nói vậy bởi người ta nhớ đến ông trong vai diễn ở bộ phim "Lập nghiệp", khi ông vào vai chủ nhà cho thuê trọ rất rẻ. Ông xúc động lắm, người ta có thương mình, người ta mới nhớ đến mình. Làm nghề diễn viên, còn gì vui hơn thế.
Ông đưa tôi quyển album, trong đó là toàn bộ những bức ảnh về thời gian đi diễn. Rồi ông lặng người đi trước một tấm hình. Đó là hình ông chụp với ba đồng nghiệp thân thiết: Cố nghệ sĩ Văn Hiệp, nghệ sĩ Phạm Bằng, nghệ sĩ Khôi Nguyên khi cùng đóng phim "Hoàng hôn xanh". Ông ngậm ngùi: "Mấy anh em chúng tôi ngày trước thân nhau lắm. Đoàn làm phim gọi đó là tình bạn hai thế kỷ. Ông Văn Hiệp đi xa rồi, tôi có ý định làm một cuốn sách về ông ấy nhưng tiếc rằng không kịp. Hôm đưa tang ông ấy, tôi mang tấm hình này ra mà rớt nước mắt".
Khi được hỏi về diễn viên trẻ và phim ảnh ngày nay, Đại tá Lê Thế Tục cho biết: "Phim ảnh cũng giống như cuộc đời, không có gì là hoàn hảo cả. Mục đích quan trọng nhất của điện ảnh là tạo ra một cái gì đó góp phần xây dựng, giáo dục con người. Để thành công, mỗi người cần có niềm tin, ý chí, không sợ khó, phải có hoài bão, đam mê, luôn luôn phấn đấu. Tuổi trẻ thì càng phải có định hướng và niềm tin cao".