Bỏ lỡ cơ hội vì công trình xuống cấp

Văn hóa - Ngày đăng : 06:36, 30/08/2014

(HNM) - Trong khi nhiều công trình văn hóa được đầu tư xứng tầm nhưng chưa được khai thác, sử dụng hiệu quả thì một số công trình khác đang tự đánh mất cơ hội phát triển do bị xuống cấp.



Nhân kỷ niệm 69 năm Ngày truyền thống của ngành văn hóa (28/8/1945 - 28/8/2014), Giám đốc Trung tâm Văn hóa thành phố Hà Nội (Trung tâm) Dương Minh Châu đã chia sẻ với phóng viên Báo Hànộimới về vấn đề nói trên.

- Thưa ông, Trung tâm văn hóa tỉnh, thành phố có vai trò quan trọng trong hệ thống thiết chế văn hóa của một địa phương. Vậy, Trung tâm tổ chức hoạt động văn hóa, văn nghệ quần chúng như thế nào?

- Hà Nội có rất nhiều loại hình nghệ thuật quần chúng được hình thành trong cộng đồng dân cư, cần phải được nuôi dưỡng, phát triển. Nhằm phát huy vốn quý văn hóa ấy, hằng năm, trung tâm phối hợp với các địa phương mở một số lớp dạy múa, hát chèo, tuồng, dân ca, ca trù… cho các hạt nhân văn nghệ cơ sở để truyền dạy cho cộng đồng. Trung tâm đã và đang sưu tầm, lưu giữ các tư liệu về di sản chèo Tàu (Đan Phượng), tuồng Dương Cốc (Quốc Oai), hát trống quân (Thường Tín), múa bài bông (Phú Xuyên), cồng chiêng (Thạch Thất), ca trù (Đông Anh)… nhằm nhân rộng một số loại hình nghệ thuật truyền thống trên đất Thăng Long - Hà Nội. Chúng tôi cũng mở lớp bồi dưỡng kiến thức sáng tác kịch bản, đạo diễn cho cán bộ của các trung tâm văn hóa cấp quận, huyện, thị xã. Bên cạnh đó, trung tâm duy trì tổ chức "Liên hoan múa hát tập thể và ca khúc măng non" dành cho lứa tuổi thiếu nhi trong dịp hè tại tất cả các quận, huyện, thị xã. Liên hoan vừa giúp các cháu có sân chơi bổ ích, vừa giúp phát hiện được những hạt giống văn nghệ… Ngoài ra, trung tâm còn tổ chức Liên hoan "Giọng hát hay Hà Nội", Liên hoan Sân khấu kịch, Liên hoan Sân khấu chèo Hà Nội; đưa các đoàn nghệ thuật quần chúng tiêu biểu của Hà Nội tham dự các liên hoan nghệ thuật khu vực Đồng bằng sông Hồng cũng như cả nước…

Hát chèo ở tổng Gối, huyện Đan Phượng. Ảnh: Linh Ngọc


Muốn phong trào văn hóa nghệ thuật sôi nổi thì phải tìm cách nuôi dưỡng lửa nhiệt tình trong quần chúng, đưa nghệ thuật đến gần dân, tạo ra hạt nhân văn hóa văn nghệ ở địa bàn. Chúng tôi thường phối hợp với các địa phương để đưa các đoàn nghệ thuật chuyên nghiệp về cơ sở biểu diễn phục vụ nhân dân; đưa các tổ tuyên truyền lưu động về vùng sâu, vùng xa nhân dịp những ngày lễ lớn. Ngoài ra, cũng cần có giải pháp để các CLB trực thuộc trung tâm như CLB thơ Đường, thơ Tràng An, Tháp Bút; CLB Võ thuật, M.C… duy trì hoạt động một cách sôi nổi, hiệu quả.

- Hoạt động diễn ra liên tục, cơ sở vật chất của trung tâm có bị rơi vào tình trạng quá tải không, thưa ông?

- Quá tải thì chưa, nhưng lãng phí cơ hội thì nhiều lắm. Hiện tại, Nhà văn hóa thành phố ở số 4 Phùng Hưng (Hà Đông) duy trì hoạt động tương đối tốt, có những ngày lịch kín từ sáng tới tối, cả trong nhà và ngoài sân. Đây cũng là địa điểm thu hút nhiều chương trình nghệ thuật lớn, ví dụ như show diễn của các ca sĩ Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm, chương trình biểu diễn xiếc của Liên đoàn Xiếc Việt Nam… Tiếc rằng, do công trình Nhà văn hóa thành phố bị xuống cấp nghiêm trọng nên nhiều lần BTC các chương trình nghệ thuật lớn đến khảo sát rồi lại đi. Nếu hệ thống cơ sở vật chất được hoàn thiện, nguồn thu hằng năm của trung tâm chắc chắn sẽ lớn hơn rất nhiều, chứ không chỉ ở mức hơn 600 triệu đồng như năm 2013. Khoản thu tăng lên sẽ góp phần giảm gánh nặng cho ngân sách. Hơn nữa, cư dân trên địa bàn quận Hà Đông và khu vực lân cận cũng có thêm điều kiện hưởng thụ văn hóa.

Còn cơ sở tại 88 Hàng Buồm (Hoàn Kiếm) thì bị hạn chế về diện tích, chỉ đủ cho các CLB thuộc trung tâm tổ chức các kỳ cuộc mang tính nội bộ, tổ chức biểu diễn quy mô nhỏ chứ không thể khai thác để mang lại doanh thu. Nói chung, trong thời gian qua, trung tâm đã bỏ lỡ khá nhiều cơ hội để giao lưu, phát triển văn hóa cũng như tăng nguồn thu.

- Ông có thể cho biết rõ hơn về sự xuống cấp ở Nhà văn hóa thành phố?

- Công trình này tồn tại đã 30 năm, trên tổng diện tích hơn 13.000m2. Nhìn tổng thể, đây là cơ ngơi hoành tráng, khuôn viên rộng rãi, vị trí đắc địa, hội trường lớn với 800 ghế ngồi, rất thuận lợi cho việc tổ chức các sự kiện văn hóa, nghệ thuật. Tuy nhiên, hệ thống cửa đã bị mối mọt, mành rèm cũ kỹ, hệ thống âm thanh, ánh sáng xuống cấp, ghế ngồi bong tróc. Hơn nữa, thiết kế mặt trước của hội trường còn "hiền lành" quá, gặp nhà tổ chức biểu diễn cầu kỳ một chút là dễ mất cơ hội ký hợp đồng; khuôn viên tuy rộng nhưng chưa đủ đáp ứng yêu cầu tổ chức các chương trình nghệ thuật hoành tráng. Ngoài ra, cũng cần nói rằng việc giải tỏa một số hộ dân sống trong khuôn viên Nhà văn hóa vẫn chưa hoàn tất và bởi vậy, việc triển khai quy hoạch là điều không dễ dàng.

- Trung tâm sẽ khắc phục những khó khăn này như thế nào để góp phần thúc đẩy phát triển văn hóa, nghệ thuật của Thủ đô, thưa ông?

- Dù khó khăn đến đâu thì chúng tôi vẫn cố gắng hoàn thành tốt nhiệm vụ chính trị được giao. Trước mắt, chúng tôi tập trung tuyên truyền cho các hoạt động kỷ niệm 60 năm Ngày Giải phóng Thủ đô, 70 năm Ngày thành lập Quân đội nhân dân Việt Nam và các ngày lễ lớn; tích cực phối hợp với các quận, huyện, thị xã triển khai chương trình xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh thông qua việc phát triển phong trào văn hóa, văn nghệ quần chúng. Riêng về cơ sở vật chất, trong khi chờ UBND thành phố giải ngân gần 10 tỷ đồng theo kế hoạch đã duyệt để tu bổ, nâng cấp tổng thể, chúng tôi sẽ tiến hành sửa chữa đan xen. Tất cả đều vì mục tiêu chung là phát huy tối đa giá trị sử dụng của thiết chế văn hóa, góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa, xây dựng người Hà Nội thanh lịch, văn minh.

- Trân trọng cảm ơn ông!

Minh Ngọc