Trọng dân, vì lợi ích của nhân dân

Chính trị - Ngày đăng : 06:22, 30/08/2014

(HNM) - Trong Di chúc, Chủ tịch Hồ Chí Minh căn dặn, Đảng phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa, xã hội nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân… Những lời căn dặn của Người trước lúc đi xa được toàn Đảng bộ, chính quyền, lực lượng vũ trang Thủ đô Hà Nội khắc ghi và hiện thực hóa trong từng thời kỳ, giai đoạn, mỗi hành động, việc làm chăm lo cho nhân dân, vì nhân dân.

Chủ tịch Hồ Chí Minh nói chuyện với nhân dân. Ảnh tư liệu: Internet


"Chung sức" cùng nhân dân

Bản Di chúc là tâm nguyện, tình cảm, ý chí, niềm tin, trách nhiệm của Chủ tịch Hồ Chí Minh với Tổ quốc, với nhân dân và với sự nghiệp cách mạng. Trong các nội dung đề cập, Người đặc biệt quan tâm đến nhân dân lao động. Người cho rằng, nhân dân lao động bao đời chịu đựng gian khổ, bị nhiều áp bức, bóc lột của phong kiến, thực dân; nhân dân ta rất anh hùng, dũng cảm, hăng hái, cần cù, luôn đi theo và rất trung thành với Đảng. Đảng ta phải có kế hoạch thật tốt để phát triển kinh tế, văn hóa nhằm không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân.

Thực hiện lời dạy của Người, bên cạnh nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu, lực lượng vũ trang Thủ đô luôn tích cực đóng góp vào sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của thành phố. Hiệu ứng lan tỏa của phong trào thi đua "Bộ đội và Dân quân tự vệ Thủ đô Hà Nội chung sức xây dựng nông thôn mới" là một minh chứng. Theo Đại tá Nguyễn Đức Hậu, Phó Chủ nhiệm Chính trị, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội, trong bất kỳ giai đoạn lịch sử nào, nhân dân cũng luôn dõi theo, giúp đỡ bộ đội. Nhờ sự thương yêu, đùm bọc, che chở của đồng bào mà bộ đội đã vượt qua muôn vàn hy sinh, gian khổ, hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Vì vậy, trong thời kỳ xây dựng, phát triển đất nước, cùng với toàn Đảng, toàn quân phải có trách nhiệm tham gia giúp nhân dân phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần. Với ý nghĩa như vậy, phong trào thi đua "Quân đội chung sức xây dựng nông thôn mới" chính thức được Tổng cục Chính trị phát động và lực lượng vũ trang Thủ đô đã hưởng ứng bằng những việc làm thiết thực.

Từ quyết tâm, mỗi Ban CHQS quận, huyện, thị xã, cơ quan chuyên môn tham gia xây dựng nông thôn mới tại 1-2 xã, Bộ Tư lệnh Thủ đô Hà Nội đã lên danh sách 44 xã để cùng góp sức. Đại tá Nguyễn Đức Hậu cho biết, tinh thần "chung sức" của bộ đội thể hiện ở việc tham gia xây dựng cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội như nhà văn hóa, điểm sinh hoạt cộng đồng, điểm bưu điện văn hóa, trạm y tế, nâng cấp đường giao thông, xóa nhà tạm… Tính từ năm 2012 đến nay, số tiền bộ đội hỗ trợ các xã xóa nghèo lên tới hàng tỷ đồng. Hàng chục công trình dân sinh đã được xây dựng tại các địa phương. Chưa kể, hàng chục nghìn lượt người dân đã được bộ đội quân y khám, cấp thuốc và tư vấn về sức khỏe. Bộ đội còn cùng với cán bộ địa phương tuyên truyền, vận động nhân dân chuyển đổi cơ cấu cây trồng vật nuôi, ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, nâng cao thu nhập; hướng dẫn người dân cách giữ gìn vệ sinh môi trường.

Trước những việc làm ấm áp đầy nghĩa tình của bộ đội, chị Nguyễn Thị Ngà, nhà ở thôn Thượng, xã Phù Lưu Tế (Mỹ Đức) phấn khởi nói: 'Nhờ có trang thiết bị khám chữa bệnh hiện đại bộ đội cấp, nay hễ trong nhà có người ốm là tôi lại lên trạm xá khám, không phải vất vả lên tuyến trên nữa"… Thực hiện lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh, cùng với phẩm chất "Trung với Đảng, trung với nước", truyền thống "Hiếu với dân" đã trở thành nền tảng đạo đức văn hóa của quân đội cách mạng. Truyền thống ấy đã và đang được các chiến sĩ lực lượng vũ trang Thủ đô phát huy với tinh thần "chung sức" cùng nhân dân xây dựng cuộc sống tốt đẹp hơn.

Việc gì lợi cho dân, phải hết sức làm

Ngay trong những thời khắc cam go, đế quốc Mỹ mở rộng chiến tranh, dùng không quân bắn phá miền Bắc, nhiệm vụ huy động sức người, sức của đấu tranh làm thất bại âm mưu của kẻ địch vẫn được Đảng bộ, chính quyền Thủ đô Hà Nội thực hiện song hành với công tác chỉ đạo sản xuất, chăm lo đời sống nhân dân. Giai đoạn này, với tinh thần mỗi người làm việc bằng hai, nhân dân Thủ đô đã hăng hái lao động sản xuất, thâm canh, tăng vụ, bảo đảm lương thực, thực phẩm cho mình và chi viện cho tiền tuyến.

Trong thời kỳ đổi mới, đặc biệt là từ ngày 1-8-2008, thực hiện Nghị quyết số 15 của Quốc hội (khóa XII), Thủ đô Hà Nội được mở rộng địa giới hành chính, diện tích tăng trên 3,6 lần, dân số tăng gần gấp đôi, ngoài những việc cần thiết phải làm ngay là ổn định bộ máy hoạt động, thống nhất cơ chế giữa các địa phương, thành phố đã tăng cường quan tâm cải tạo, nâng cấp hạ tầng đô thị, cải thiện chất lượng sống của người dân thành thị. Đặc biệt, thành phố tiếp tục chỉ đạo thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao đời sống của hơn 63% người dân sống ở khu vực ngoại thành. Bên cạnh câu chuyện về quy hoạch, quản lý quy hoạch, đầu tư cải tạo hạ tầng đô thị, thành phố đã tập trung đầu tư nguồn lực lớn xây dựng hạ tầng nông thôn gắn với tuyên truyền thay đổi tư duy, tập quán canh tác của người nông dân hình thành lên những vùng nông thôn mới. "Việc gì lợi cho dân, ta phải hết sức làm…" - lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh trở thành phương châm hành động, tinh thần chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp trong thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới.

Việc có lợi cho dân chính là ban hành cơ chế, chính sách hợp lòng dân, được nhân dân đồng thuận. Đồng đất manh mún, phân tán, nhỏ lẻ vừa vất vả trong sản xuất, vừa khó áp dụng khoa học kỹ thuật. Vì thế, chủ trương dồn điền đổi thửa cộng với cơ chế hỗ trợ người dân thực hiện của Đảng bộ, chính quyền thành phố tạo nên sự đột phá trong nông nghiệp. Chỉ một thời gian ngắn, hơn 96% diện tích có thể dồn điền đổi thửa (73.704ha) đã được tiến hành thành công mang lại nhiều cái lợi cho người nông dân. Thứ nhất, thay vì canh tác trên 5-7, thậm chí là 10 thửa nhỏ, nay mỗi hộ gom thành 1-2 thửa lớn, tiện cho việc ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất. Thứ hai, từ những thửa lớn này, người nông dân có điều kiện đầu tư tăng quy mô sản xuất, nâng cao thu nhập. Thứ ba, tạo điều kiện cho các địa phương quy hoạch vùng sản xuất, khai thác thế mạnh, giúp nông dân làm giàu.

Vì lợi ích của người dân, trong 5 năm qua, Hà Nội đã đầu tư 50.000 tỷ đồng cho khu vực nông thôn, ngoại thành. Trong đó, các hộ nông dân cũng tự đóng góp cùng thành phố xây dựng nông thôn mới số tiền lên tới 1.844 tỷ đồng. Từ 3 xã điểm: Song Phượng (Đan Phượng), Mai Đình (Sóc Sơn), Đại Áng (Thanh Trì), đến nay đã có 50 xã hoàn thành 19/19 tiêu chí xây dựng nông thôn mới, đưa Hà Nội dẫn đầu cả nước về phong trào này.

Về nông thôn Hà Nội hôm nay sẽ tận mắt thấy những cánh đồng rộng lớn, tưới tiêu thuận tiện. Hạ tầng cơ sở, các thiết chế văn hóa được đầu tư khang trang, đồng bộ. Cuộc sống của người dân đã được cải thiện hơn với thu nhập bình quân năm sau cao hơn năm trước… Nói như Bí thư Thành ủy Hà Nội Phạm Quang Nghị, chính nhờ những chính sách đầu tư kịp thời cho "tam nông" mà trong bối cảnh tình hình kinh tế của đất nước nhiều năm qua, nhất là sản xuất công nghiệp - xây dựng và dịch vụ gặp khó khăn thì lĩnh vực nông nghiệp lại nổi lên như một điểm sáng, lần đầu tiên xuất khẩu gạo của Việt Nam vượt Thái Lan, đạt trên 8 triệu tấn, tương đương 3,7 tỷ USD... Ngày càng có nhiều nông dân làm giàu trên mảnh ruộng của mình. Đó chính là thành quả của sự tâm huyết, gắn bó, sâu sát, chăm lo đời sống của nhân dân như lời căn dặn của Chủ tịch Hồ Chí Minh đối với toàn Đảng, toàn quân ta.

Nhóm PV Nội chính - Xây dựng Đảng