Đầu thu, thăm “Thủ đô kháng chiến”
Giới trẻ - Ngày đăng : 05:36, 30/08/2014
Điểm chúng tôi đến đầu tiên là đình Tân Trào thuộc xã Tân Trào, huyện Sơn Dương, tỉnh Tuyên Quang. Tại ngôi đình này, ngày 16-8-1945 đã diễn ra Quốc dân Đại hội, một sự kiện quan trọng của Cách mạng Việt Nam trước thời cơ ngàn năm có một, khi phát xít Nhật phải đầu hàng đồng minh còn thực dân Pháp ở Việt Nam đang yếu thế. Ngôi đình nhỏ được người dân thôn Tân Lập dựng vào năm 1923 theo kiểu nhà sàn, có cột gỗ, mái lợp lá cọ, sàn lát ván với kiến trúc quen thuộc gồm ba gian hai chái. Cũng như bao ngôi đình khác ở làng quê trung du hay Đồng bằng Bắc bộ, đình là nơi tổ chức lễ hội tín ngưỡng của dân làng. Đình Tân Trào thờ 8 vị thành hoàng đại diện cho các thần sông, thần núi của làng. Đình vẫn lặng lẽ đứng yên trong nắng đầu thu dìu dịu. Phía ngoài, hòn đá thề vẫn còn đó, nghe như văng vẳng tiếng Người đọc lời thề thiêng liêng trong lễ ra mắt quốc dân: "Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".
Du khách tham quan lán Nà Nưa. |
Từ đình Tân Trào, theo con đường nhựa khá rộng tôi đi sang khu rừng Nà Nưa. Đoạn đường băng qua suối cũng chính là mặt đập thênh thênh, phẳng phiu, đây chính là món quà của người dân Thủ đô Hà Nội làm tặng "Thủ đô kháng chiến". Năm 1961, tức là sau 7 năm Hiệp định Paris được ký kết, Bộ Văn hóa và tỉnh Tuyên Quang giao cho ngành văn hóa tỉnh sưu tầm tài liệu, hiện vật về di tích. Ngày 2-9-1969, Chủ tịch Hồ Chí Minh qua đời, cuối năm này Trung ương chủ trương xây nhà lưu niệm Bác tại Kim Liên quê hương của Người, Pác Bó và Tân Trào. Đó là ba địa danh tiêu biểu gắn với những dấu mốc đặc biệt trong cuộc đời hoạt động cách mạng của Bác. Để góp phần vào việc bảo tồn, đồng thời thiết thực giúp đỡ đồng bào dân tộc tại khu vực "Thủ đô kháng chiến", Chủ tịch Ủy ban Hành chính Hà Nội Trần Duy Hưng và các cán bộ của ủy ban quyết định bỏ công sức xây con đập từ cuối thôn Tân Lập vào rừng Nà Nưa, nơi có lán Nà Nưa, chỗ ở và làm việc của Bác từ tháng 6-1945 đến cuối tháng 8-1945. Những năm đã qua, con đập nghĩa tình vẫn vững chãi, vẫn tích nước vào mùa khô cho đồng bào phía thượng nguồn có nước để cấy lúa. Ngắm nhìn lán Nà Nưa bé nhỏ, đơn sơ được dựng bằng tre theo kiểu nửa sàn, nửa đất, gian bên trong là nơi Bác Hồ nghỉ ngơi, gian ngoài nhỏ xíu là chỗ làm việc và tiếp khách, mà không khỏi vô cùng kính phục sức chịu đựng và ý chí giải phóng dân tộc của Bác. Tại đây, ngày 4-6-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã triệu tập hội nghị cán bộ để củng cố căn cứ địa cách mạng, thành lập Khu giải phóng và Quân giải phóng, chuẩn bị hội nghị toàn quốc của Đảng và Quốc dân Đại hội. Nhớ lại mùa thu năm ngoái, cũng dịp tháng Tám, tôi đã cùng nhà văn - nhà báo Trần Chiến lên Tân Trào. Sau khi thăm đình Tân Trào, tôi cùng Trần Chiến vào thăm nơi cha anh (nhà cách mạng Trần Huy Liệu) làm việc năm 1953 với chức danh phụ trách Ban Văn - Sử - Địa (tiền thân của Viện Hàn lâm khoa học xã hội ngày nay). Ban nằm ven nhánh suối nhỏ cũng thuộc xã Tân Lập cách đình Tân Trào không xa. Hình dung cảnh các nhà Nho, trước khi đi làm cách mạng chỉ biết đọc sách bình thơ, các "trí thức Tây" vốn quen sống trong biệt thự tiện nghi, lại có thể chịu đựng kham khổ nơi rừng thiêng nước độc để làm những việc "không liên quan gì đến súng đạn", mới thấy tầm nhìn xa của Bác và Trung ương: Ngày đất nước độc lập sẽ không xa và để bảo vệ nền độc lập không chỉ có súng đạn mà cần phải có tri thức, khoa học xã hội. Và trong hoàn cảnh đất nước hiện nay điều đó càng vô cùng đúng.
Buổi trưa, thấy tấm biển bên con đường làng với dòng chữ đơn giản, nét chữ mộc mạc "Cơm phở ngủ tập thể", tôi rẽ vào. Quán ăn là ngôi nhà sàn bề thế, hẳn chủ nhân xưa thuộc hàng giàu có trong vùng. Bước lên sàn lát bằng luồng bóng nhẵn, thật bất ngờ tôi nhìn thấy góc nhà có dòng chữ "Chính chỗ này là nơi làm việc của Đại tướng Võ Nguyên Giáp từ tháng 5 đến tháng 8-1945, nơi Đại tướng thảo quân lệnh số 1". Cạnh đó là bàn thờ Đại tướng, chắc gia đình mới lập sau ngày Đại tướng mất. Chủ nhà nguyên là cụ Hoàng Trung Dân đã mất, ngôi nhà hiện do vợ chồng người cháu của cụ - anh Hoàng Văn Nhiên trông nom. Tôi cũng ngạc nhiên bởi anh Nhiên nấu ăn rất ngon, chả thua kém các quán ăn nổi tiếng ở Hà Nội. Lại thấy tiếc vì không có Trần Chiến khi một cô hướng dẫn viên của khu di tích gặp trong quán ăn nói rằng: "Ông Trần Huy Liệu cũng hay đến ngôi nhà này để bàn bạc công việc với Đại tướng Võ Nguyên Giáp".
Không chỉ có người cháu cụ Hoàng Trung Dân mở quán ăn mà rất nhiều nhà dân ở Tân Trào cùng tham gia làm dịch vụ du lịch, mà đồng bào Tày làm du lịch cũng rất khéo. Điều này khiến tôi ngạc nhiên vì thay đổi nếp nghĩ không phải chuyện đơn giản bao đời nay bà con nơi đây quen tự cung tự cấp: Trồng lúa, trồng sắn, bắt cá suối giờ phải học cách nấu những món ăn phù hợp với du khách thập phương, phải làm những ngôi nhà theo kiểu xưa để hút khách. Một bà cụ nói với tôi "Mấy năm trước vào mùa mưa, đến được Tân Trào phải mất nửa ngày vì đường xấu lắm, toàn ổ gà, ổ trâu nay thì đường tốt rồi, trên quan tâm làm cho đường nhựa, đường bê tông, đi nhanh lắm". Xã Tân Trào còn có khu chợ trung tâm khá lớn, bán nhiều mặt hàng tiêu dùng, nhưng đáng chú ý là các mặt hàng thủ công, như áo, khăn thổ cẩm hay đồ mây tre đan không rõ do người Tày, Nùng, Dao… làm ra, lại rất đẹp và kỹ đến từng chi tiết. Chợ cũng có nét đặc biệt là bán khá nhiều loại thuốc Nam của bà con các dân tộc trong vùng.
Rời làng Tân Lập, tôi đến các điểm di tích khác vì cả vùng này có biết bao nhiêu điểm cần đến. Nào bản Khuổi Kịch, đình Thanh La, Vực Thia, hang Bòng, thôn Lập Binh, xã Trung Yên, hầm An toàn của Bác, hầm Trung ương Đảng, hầm Chính phủ… Khu di tích lịch sử cách mạng Tân Trào là tên gọi chung cho cả vùng rộng lớn của nơi từng là “Thủ đô kháng chiến” mà Tân Trào là trung tâm. Càng đi nhiều càng thấy vô cùng khâm phục trước sự sáng suốt của Bác Hồ và Trung ương đã chọn vùng này làm căn cứ đầu não cho công cuộc giải phóng dân tộc. Khu căn cứ cách mạng nằm chủ yếu trên đất Tuyên Quang nhưng là điểm giáp giới giữa nhiều tỉnh. Nếu có biến cố thì có thể vượt qua hẻm núi sang Bắc Cạn để lên "Nước non Cao Bằng". Nếu muốn sang hướng đông có thể băng qua núi Hồng sang Thái Nguyên. Muốn về phía Nam có thể len lỏi qua các con đường nhỏ chân núi Hồng, Tam Đảo về Lập Thạch (Phú Thọ). Có núi cao, có rừng rậm, có sông Phó Đáy, có nước suối là điều kiện tự nhiên thuận lợi, lại có các đường nhỏ nối các bản với nhau "thuận đường tiến, tiện đường thoái". Nhưng quan trọng hơn cả là khi chọn Tân Trào và cả vùng làm an toàn khu, Bác Hồ và Trung ương đã nhìn thấy tình dân, thấy rõ lòng dân của bà con các dân tộc Tày, Dao, Nùng, Cao Lan, Sán Dìu, Sán Chỉ… sống trong khu vực này. Họ không chỉ che chở, bảo vệ mà còn nuôi cán bộ và hết lòng theo cách mạng.
Chiều muộn, tôi quay về Tân Lập, trọ lại một ngôi nhà sàn nhỏ cách đình Tân Trào không xa. Bữa tối có món cá suối nhỏ như ngón tay rán với rau cải xanh hái ngoài vườn luộc vừa chín tới nhưng ngon vô cùng. Câu chuyện giữa tôi và chủ nhà xoay quanh "Thủ đô kháng chiến" hôm nay và ngày mai. Chủ nhà ao ước giá Nhà nước cải tạo con đường vào rộng rãi hơn, tốt hơn. Đêm khuya đứng trên nhà sàn nhìn ra màn đêm bao quanh và chợt một ý nghĩ xuất hiện trong đầu tôi: Ngày xưa trong bóng đêm ấy có luồng ánh sáng cực mạnh phát ra từ những bộ óc lớn. Ánh sáng ấy đã soi đường đi tới độc lập tự do cho dân tộc, cho đất nước…