Hóa giải cuộc khủng hoảng Ukraine: Đã lóe lên hy vọng
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:24, 28/08/2014
Cuộc gặp ba bên với sự tham gia của Tổng thống Nga Vladimir Putin, Tổng thống Ukraine Petro Poroshenko, Đại diện cấp cao Liên minh Châu Âu (EU) phụ trách chính sách an ninh và đối ngoại Catherine Ashton và Tổng thống Belarus Alexander Lukashenko làm dấy lên hy vọng về một giải pháp hòa bình cho cuộc khủng hoảng địa - chiến lược có thể đe dọa cả Châu Âu.
Đúng như dự đoán, dù không khí cuộc gặp mặt diễn ra khá căng thẳng, song đã xuất hiện những dấu hiệu thiện chí của các bên khi cùng nhất trí về việc hạ nhiệt căng thẳng tại miền Đông Ukraine. Động thái tích cực dù ít ỏi trong cuộc đàm phán đã nhen nhóm lạc quan khả năng về một tiến trình hòa bình cho Ukraine. Nói một cách cụ thể, theo Tổng thống Belarus A.Lukashenko trong vai trò trung gian hòa giải, tất cả các bên tham gia đều muốn có đột phá, muốn có thỏa thuận cụ thể hay giải pháp cơ bản để chấm dứt đổ máu và khởi động một cuộc đối thoại chính trị có sự tham gia của tất cả các bên trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Cuộc gặp ngày 26-8 tại Minsk giữa các nhà lãnh đạo Nga, Ukraine, EU với sự tham gia của Belarus. |
Xem ra, cơ sở để kỳ vọng cho những chuyển biến tích cực tại Ukraine không phải là vô căn cứ nếu xét tới những thiệt hại mà các bên liên quan phải gánh chịu từ khi cuộc khủng hoảng nổ ra từ tháng 11 năm ngoái. Đầu tiên phải kể đến là Ukraine, dù nhận được hỗ trợ lớn về chính trị từ Mỹ, EU và tài chính từ Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) song cuộc chiến tại miền Đông nước này đang làm sa lầy mọi nỗ lực cải cách. Các chỉ số kinh tế chính của Ukraine đã sụt giảm đáng kể trong vòng nửa năm qua. Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) trong 6 tháng đầu năm 2014 giảm 4,7%. Theo dự báo GDP của Ukraine năm nay sẽ ở mức âm 6-7%. Trong khi đó, lạm phát từ mức 0,5% năm ngoái đã lên mức 12% chỉ trong 7 tháng đầu năm và dự kiến tăng lên mức 19-20% trong năm nay. Chính phủ Ukraine cũng đã phải tăng mức thâm hụt ngân sách lên 5% trong năm nay, cao hơn dự báo ban đầu (4,5%). Giá cả cũng không ngừng leo thang. Trong vòng 1 năm, giá vé tàu đã tăng 3 lần, mỗi lần tăng 10%. Giá khí đốt, điện, nước và các nông sản cũng tăng gấp nhiều lần.
Trong khi đó, cuộc đối đầu giữa Nga và phương Tây nhằm giành giật ảnh hưởng tại Ukraine cũng khiến cả hai bên tổn thất nặng nề về kinh tế. Trong báo cáo giám sát kinh tế vĩ mô công bố ngày 25-8, Bộ Kinh tế Nga cho biết, GDP tháng 7-2014 của Nga ước tính giảm 0,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trước những biện pháp trừng phạt của Mỹ và EU, xứ sở Bạch dương đang đối mặt với nguy cơ GDP tăng trưởng âm năm 2014 là rất cao. Ngược lại, tình hình cũng không có gì sáng sủa với Cựu lục địa khi Ủy ban Châu Âu (EC) cho biết, các nước EU có thể thiệt hại hơn 100 tỷ USD do các biện pháp trừng phạt trả đũa của Nga mà EC không có khả năng bù đắp. Căng thẳng càng kéo dài thì thiệt hại càng nặng với các bên là quá rõ. Vì vậy, thiện chí được các nhà lãnh đạo thể hiện tại cuộc gặp ba bên tại Minsk hoàn toàn có cơ sở để tin cậy.
Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng, cuộc khủng hoảng tại đất nước bên Biển Đen không dễ chấm dứt trong một sớm một chiều vì những khác biệt chưa thể thu hẹp. Kỳ vọng hòa bình là rất khó khăn bởi trong cách tiếp cận cuộc xung đột, cả Tổng thống P.Poroshenko và người đồng nhiệm V.Putin đang tìm kiếm các mục tiêu hoàn toàn khác nhau và đều chịu áp lực chính trị từ trong nước rất lớn để giữ thế thượng tôn "lợi ích" trong cuộc xung đột này. Với ông Poroshenko, khẳng định chủ quyền của Ukraine với hai vùng Lugansk và Donetsk ở trung tâm công nghiệp miền Đông là điều kiện tiên quyết để thúc đẩy tính hợp pháp của chính phủ mới. Ngoài ra, việc làm này còn nhằm đoàn kết các tầng lớp nhân dân, bắt đầu tái xây dựng lại nền chính trị - kinh tế của đất nước theo mô thức dân chủ của Châu Âu sau hơn hai thập kỷ chìm trong nạn tham nhũng và chia rẽ bè phái chính trị. Trong khi đó, với ông chủ Điện Kremlin, ảnh hưởng của Nga với Ukraine có yếu tố quyết định tới chiến lược an ninh quốc gia và khu vực mà Mátxcơva từng nỗ lực duy trì suốt thời gian qua.
Do vậy, dù được kỳ vọng khởi đầu cho một tiến trình hòa bình, song tất cả các bên Nga, Ukraine, EU và Mỹ đang rất cần nỗ lực hơn gấp nhiều lần mới có thể phá vỡ thế bế tắc hiện nay cho cuộc khủng hoảng ở Ukraine đang có nguy cơ biến đất nước hiền hòa bên bờ Biển Đen thành chiến địa đẫm máu và nước mắt.