Đừng ”vẽ” dự án để trục lợi!
Góc nhìn - Ngày đăng : 05:54, 28/08/2014
Theo đề án, nội dung trong sách giáo khoa các môn học từ lớp 1 đến lớp 3 được số hóa theo công nghệ 3D và mỗi học sinh sử dụng một máy tính bảng riêng. Dưới con mắt của nhiều người, đề án này được xem là một bước đột phá về công nghệ, giải tỏa được không ít bức xúc của các bậc phụ huynh nhiều năm qua, khi con em họ phải còng lưng "cõng" một số lượng lớn sách vở tới trường. Tuy nhiên, tính khả thi thế nào vẫn là câu hỏi lớn bên cạnh những thông tin về "lợi ích nhóm" khi thực hiện đề án.
Nhiều người đặt câu hỏi về nguồn gốc của ý tưởng gây nhiều tranh cãi này, thậm chí sử dụng những ngôn từ rất "nặng" như "sặc mùi tiền", " thiếu tình người". Thế nhưng, điều đó hoàn toàn có cơ sở: Kinh phí để đào tạo đội ngũ hiệu trưởng ở nước ngoài là 250 triệu đồng/người, giáo viên 55 triệu đồng/người. Chưa kể, mỗi chiếc máy tính bảng có giá từ 3 đến 5 triệu đồng - phụ huynh phải trả (ngân sách chỉ hỗ trợ cho đối tượng chính sách), rồi các khoản khác liên quan đến xây dựng cơ sở vật chất... Ước tính chi phí cho đề án lên tới hàng nghìn tỷ đồng - một con số không thể không khiến nhiều người lo lắng.
Hết thảy người Việt Nam đều muốn đầu tư cho giáo dục để sự nghiệp "trồng người" của nước nhà không phải thụt lùi so với thế giới phát triển. Mỗi gia đình Việt Nam đều muốn con em mình được tiếp thu những tinh hoa của công nghệ giáo dục, công nghệ thông tin. Đầu tư cho giáo dục là đầu tư cho tương lai, là "siêu" lợi nhuận, nhưng không thể vì thế mà những người có trách nhiệm tự cho mình cái quyền "vẽ" ra dự án "nghìn tỷ", trong khi rất nhiều phụ huynh còn đang tất tả vì những khoản chi phí để con em được cắp sách tới trường. Càng không thể "vẽ chuyện" khi chưa trả lời được các câu hỏi: Nội dung sách giáo khoa đưa vào máy tính bảng như thế nào, cách thức quản lý thiết bị ra sao? Việc dạy học bằng máy tính bảng có hạn chế kỹ năng sống và sức khỏe của học sinh khi tối ngày "ôm" một thiết bị điện tử trong vòng phủ sóng wifi?... Không thể "thí nghiệm" hay "thí điểm" trên thế hệ tương lai của đất nước, một khi chưa biết có thể biến các em trở thành những công dân có năng lực vượt trội hay không, đặc biệt, trong thời điểm trẻ đang hình thành nhân cách. Một câu chuyện về vụ học tiếng Anh theo chương trình Cambridge (cũng tại TP Hồ Chí Minh) "đổ vỡ" trong sự loanh quanh trách nhiệm đã là quá đủ.
Không thể chỉ tổ chức vài ba cuộc hội thảo là có thể đưa ra một đề án có tác động sâu rộng đến đời sống xã hội như vậy. Sự "vội vàng" này của các nhà quản lý giáo dục tại TP Hồ Chí Minh đã dẫn đến những nghi ngờ về "lợi ích nhóm". Có lẽ cơ quan chức năng cần vào cuộc, làm rõ, có chuyện "chạy dự án" hay không và nên công bố công khai trước công luận.
Chúng ta vẫn còn một khoảng cách khá xa về công nghệ giáo dục so với thế giới nên đổi mới giáo dục là cấp thiết, thế nhưng không thể biến khát vọng đẩy nhanh tiến trình đổi mới giáo dục thành cơ hội trục lợi từ ngân sách, gây thêm khó khăn cho người dân - chủ thể thụ hưởng lợi ích giáo dục. Người viết chắc chắn rằng, nếu có một đề án cải cách giáo dục thật sự thuyết phục và những con người có đầy đủ, năng lực, tâm huyết, uy tín để bảo đảm sự thành công, chắc chắn đề án ấy sẽ có sự đồng thuận của xã hội.
Nhiều quốc gia có tiềm lực kinh tế, có hệ thống giáo dục phát triển vẫn sử dụng sách in, không lý gì các nhà giáo dục ở TP Hồ Chí Minh phải "chơi trội". Đừng vì những yếu kém tụt hậu của ngành giáo dục để vẽ vời trục lợi!