Chưa có nhiều ý kiến đồng thuận

Giáo dục - Ngày đăng : 07:15, 27/08/2014

(HNM) - Việc xác định lại số năm học của mỗi cấp học trong hệ thống giáo dục phổ thông sẽ được bàn tại phiên họp vào ngày 28-8 tới đây của Ủy ban Quốc gia đổi mới GD-ĐT, trước khi trình Quốc hội. Được Bộ GD-ĐT công bố cách đây một tuần


Băn khoăn thêm - bớt

Dự thảo xác định lại số năm học của từng cấp học trong hệ thống giáo dục quốc dân được Bộ GD-ĐT xây dựng theo hai phương án. Phương án 1, giáo dục cơ bản được thực hiện trong 10 năm học (5 năm tiểu học, 5 năm THCS), giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) thực hiện trong 2 năm học. Ở phương án 2, hệ thống giáo dục vẫn giữ ổn định như hiện nay, tức là giáo dục cơ bản được thực hiện trong 9 năm (5 năm tiểu học, 4 năm THCS), giáo dục định hướng nghề nghiệp (THPT) trong 3 năm học. Theo nhận định của Bộ GD-ĐT, mỗi phương án đều có ưu, nhược điểm. Nếu thời gian thực hiện giáo dục cơ bản tăng thêm 1 năm thì HS có nhiều cơ hội hơn trong việc được trang bị kiến thức nền tảng. Độ tuổi 16 (hết THCS) phù hợp hơn so với độ tuổi 15 trong việc phân luồng sau giáo dục cơ bản. Việc giảm số năm học THPT sẽ đáp ứng được nhu cầu tăng thêm số phòng/lớp học để phục vụ dạy học tự chọn. Tuy nhiên, để thực hiện phương án này thì cần phải điều chỉnh Luật Giáo dục, cơ cấu lại các yếu tố trong hệ thống giáo dục hiện hành (cơ sở vật chất, giáo viên, nội dung chương trình…). Ưu điểm của phương án 2 là bảo đảm sự ổn định của hệ thống giáo dục hiện hành và quy định của Luật Giáo dục, song lại hạn chế về thời lượng giáo dục nền tảng ở THCS theo yêu cầu mới, trong khi giai đoạn định hướng nghề nghiệp 3 năm là nhiều.

Ảnh: Khánh Nguyên



Để chuẩn bị cho phương án tăng số năm học cấp THCS, Bộ GD-ĐT đã ban hành dự thảo chương trình giáo dục phổ thông tổng thể, trong đó, phần kế hoạch giáo dục được xây dựng trong 10 năm. Như vậy, nếu được phê duyệt, số năm học của từng cấp học (tiểu học - THCS - THPT) trong hệ thống giáo dục phổ thông sẽ là 5-5-2, thay vì 5- 4-3 như hiện hành.

Hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên ở các trường trên địa bàn Hà Nội (phía trực tiếp chịu tác động của việc điều chỉnh này) tỏ ra bất ngờ và băn khoăn trước dự kiến của Bộ GD-ĐT. Phó Hiệu trưởng Trường THCS Nghĩa Tân (quận Cầu Giấy) Lê Thị Thúy Nga cho rằng, việc thay đổi số năm học sẽ kéo theo nhiều xáo trộn về cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực… và chi phí lớn trong khi hiệu quả chưa rõ, cần có sự nghiên cứu kỹ về cơ sở khoa học và căn cứ thực tiễn.

Nhiều nhà giáo trực tiếp đứng lớp cũng bày tỏ sự băn khoăn bởi chưa tìm được lý do xác đáng về sự cần thiết phải tăng số năm học ở THCS, giảm số năm ở cấp THPT. Việc tăng thêm 1 năm học cho HS THCS không chỉ đơn thuần là việc xây dựng thêm 30.000 phòng học (ước tính trên quy mô 1 triệu HS/ khối lớp của cả nước). Thấp thỏm nhất lúc này là đội ngũ giáo viên THPT khi chưa rõ định hướng cụ thể ra sao, liệu có chuyện phải "đi làm nhiệm vụ" ở cấp THCS hay không… Theo các nhà giáo, với yêu cầu nhiệm vụ giáo dục hiện nay, sự điều chỉnh này không chỉ là sự thêm, bớt một cách cơ học về nhân lực, cơ sở vật chất giữa hai cấp học, mà còn cần tính tới rất nhiều yếu tố khác.

Lắng nghe ý kiến rộng rãi

Các nhà nghiên cứu giáo dục tỏ ra khá thận trọng khi đề cập đến vấn đề này. TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học tâm lý giáo dục Hà Nội cho biết: Việc điều chỉnh hệ thống giáo dục phổ thông nhằm thực hiện có chất lượng định hướng phân luồng là hướng đi đúng, phù hợp với quy luật chung, song câu hỏi đặt ra là cần bao nhiêu năm để dừng chương trình giáo dục cơ bản, giáo dục định hướng nghề nghiệp cần thực hiện trong bao lâu? Về vấn đề này, thế giới đã áp dụng nhiều phương án, nhưng phương án nào là phù hợp nhất với điều kiện của Việt Nam?

Theo PGS.TS Đặng Quốc Bảo, nguyên Hiệu trưởng Trường Cán bộ quản lý giáo dục trung ương, muốn thành công, giáo dục Việt Nam phải có cách làm riêng của người Việt Nam, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của đất nước. Những điểm cần hiệu chỉnh, theo ông, nằm ở "ba khớp nối" của ba cấp là lớp 5, lớp 9 và lớp 12, cả về nội dung chương trình, sách giáo khoa, công tác kiểm tra, đánh giá… song phải có cùng một định hướng là phát hiện, bồi dưỡng tư chất, phát triển năng lực để HS sớm tiếp cận được với xu hướng nghề nghiệp, góp phần giải quyết tốt bài toán phân luồng theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ.
Lý luận và thực tiễn cho thấy những quyết sách lớn có ảnh hưởng mạnh mẽ đến người dân, từ cách đổi mới phương pháp đánh giá, tổ chức thi cử, cải tiến chương trình, sách giáo khoa, hệ thống giáo dục… Bộ GD-ĐT cần công bố công khai, viện dẫn căn cứ khoa học và thực tế, tạo điều kiện để mọi người dân cùng được bàn, được tham gia. Hiện nay, một số chủ trương được "phát" ra mà thiếu căn cứ, nên khó tạo sức thuyết phục; khâu thực hiện (nếu có) khó đạt hiệu quả như mong muốn bởi thiếu sự đồng lòng, quyết tâm. Đó là điều được nhiều nhà giáo, nhà nghiên cứu giáo dục kiến nghị với lãnh đạo ngành GD-ĐT trong một hội nghị bàn về việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia, diễn ra tại Hà Nội vào cuối tuần qua. Bên cạnh việc lấy ý kiến từ nhân dân, ngành GD-ĐT cần xem xét, tiếp thu đóng góp của giới khoa học. Song, dù chủ trương ấy nhận được ít hay nhiều sự đồng thuận và từ phía nào thì quyết định đúng đắn nhất, phù hợp nhất vẫn phải dựa trên mục tiêu đem lại lợi ích nhiều nhất cho nhân dân.

Thống Nhất