Bảo vệ dòng sông quê hương qua triển lãm tranh và biểu diễn nhạc kịch

Văn hóa - Ngày đăng : 08:01, 26/08/2014

(HNMO) - Trong hai ngày 30 và 31/8/2014 tại sân đình làng Khúc Thủy và Khê Tang (xã Cự Khê, Thanh Oai, Hà Nội) sẽ diễn ra hai buổi diểu diễn vở nhạc kịch “Dòng sông không chảy ngược” và triển lãm tranh “Dòng sông ước mơ”.

Song Nhuệ đang được đề xuất quy hoạch. Nguồn: Internet.


Đây là nội dung của dự án “Đi và Mở” do Ban Thanh thiếu niên – Đài Truyền hình Việt Nam (VTV6), Trung tâm Nâng cao năng lực cộng đồng (CECEM), Trung tâm Bảo tồn và Phát triển tài nguyên Nước (WARECOD), Trung tâm Giáo dục và Phát triển (CED), Trung tâm Đào tạo và Truyền thông về Môi trường (CETAC), Tổ chức Sống và Học tập vì Môi trường và Cộng đồng (Live&Learn) bảo trợ và được tài trợ của SLINE Club, và chương trình Quà tặng tương lai.

Tại triển lãm, 30 bức tranh ý nghĩa và sáng tạo nhất được giải của 30 em học sinh tới từ trường tiểu học Cự Khê sẽ được trưng bày. Đây chính là những bức tranh được các em hoàn thành trong cuộc thi vẽ tranh “Ước mơ xanh” diễn ra ngày 11/8 tại trường tiểu học Cự Khê. Qua những bức tranh này, các em học sinh đã thể hiện cái nhìn cũng như ước mơ của các em về con sông Nhuệ quê hương.

Buổi biểu diễn vở nhạc kịch sẽ được mở đầu bằng các tiết mục văn nghệ do chính người dân địa phương trình diễn. Vở kịch là câu chuyện về cuộc đời của một con người gắn liền với dòng sông quê hương. Từ những tháng ngày êm đềm bên dòng sông, nhân vật Thạch ra đi và trở về với làng quê của mình. Thế nhưng, những kí ức mà Thạch vẫn trân trọng giữ gìn giờ chỉ còn trong tâm trí ông, khi dòng sông đã đổi khác và không còn như xưa. Trở ngại lớn nhất cũng như mong ước của ông Thạch, đó là thuyết phục chính vợ con và người làng mình thay đổi để cùng đồng lòng bảo vệ con sông. Vở kịch không hướng tới việc xoáy sâu vào vấn đề và tìm xem lỗi của ai mà hướng tới tương lai, tình yêu và trách nhiệm chung của mỗi người đối với dòng sông quê hương. Khi mỗi người đều nhận thấy một phần trách nhiệm của mình đối với dòng sông chung này.

Kết thúc vở kịch, người dân sẽ tự xây dựng cái kết cho vở kịch trong phần “diễn kịch giải pháp”. Thông qua sự định hướng và hỗ trợ về đạo cụ của Dự án, người dân hai địa phương sẽ tự xây dựng kịch bản, tự diễn xuất để thể hiện các giải pháp cải thiện môi trường nước sông Nhuê. Qua phần thi này, người dân sẽ thể hiện được cái nhìn của mình cũng như tự đưa ra các giải pháp thân thiện và thực tế với chính địa phương họ.

H.Đ