Mở ”đường bay vàng”: Phải bảo đảm các “nguyên tắc vàng”
Kinh tế - Ngày đăng : 06:46, 26/08/2014
Dù còn nhiều khó khăn nhưng ý tưởng này đang mở ra những cơ hội lớn cho ngành hàng không Việt Nam, cụ thể là rút ngắn thời gian và chi phí của trục bay đặc biệt quan trọng này, qua đó giảm chi phí cho hành khách.
“Đường bay vàng” tiết kiệm thời gian và chi phí cho các hãng hàng không. |
Đường bay hiện nay lãng phí hơn 300 triệu USD/năm?
Tại buổi hội đàm giữa Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng với Phó Thủ tướng Vương quốc Campuchia Sok An, hai bên đã nhất trí về việc giao cho các cơ quan chức năng hai nước nghiên cứu thiết lập đường bay thẳng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh qua không phận Campuchia và nghiên cứu phương án triển khai cụ thể. Trước đó, Việt Nam và Lào đã thống nhất về nguyên tắc việc mở đường bay thẳng này qua không phận Lào. Sau các cuộc hội đàm, trao đổi ở tầm Chính phủ, Bộ GTVT đã giao cho Cục Hàng không Việt Nam (HKVN) phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu một cách chi tiết để ra được phương án vừa nâng cao hiệu quả kinh tế vừa bảo đảm an ninh quốc phòng.
Thực ra thì vấn đề mở "đường bay vàng" nối trục bay "xương sống" Bắc - Nam đã được nhiều chuyên gia đề xuất từ nhiều năm nay. Vào đầu năm 2009, Cục HKVN từng nhận được đề xuất của cựu phi công Đoàn bay 919 Mai Trọng Tuấn về việc mở đường bay thẳng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh theo kinh tuyến 106 có qua không phận Lào và Campuchia. Tiếp sau đó, TS Trần Đình Bá (Hội Khoa học kinh tế Việt Nam) đề xuất phương án kinh doanh hàng không theo quan điểm cá nhân, trong đó khẳng định đường bay hiện tại là không khoa học do phải bay vòng ra Biển Đông, sau đó đến Buôn Ma Thuột mới quay lại TP Hồ Chí Minh. Đường bay này có khoảng cách dài hơn đường bay thẳng qua Lào và Campuchia, gây lãng phí 26 phút bay đối với máy bay Boeing 777, tính bình quân lãng phí 25% chi phí sản xuất. Đường bay Hà Nội - Cần Thơ cũng lãng phí 28%, đường bay Hà Nội - Phú Quốc lãng phí 38%... Đây chính là nguyên nhân gây lỗ hơn 300 triệu USD cho các hãng hàng không nội địa. Tuy nhiên vào thời điểm đó, các kiến nghị, đề xuất này đã không được các cơ quan chức năng chấp thuận.
Đường bay hiện nay (màu xanh) và đường bay thẳng theo đề xuất (màu đỏ). |
Cơ hội đã "mở"
Liên quan đến việc mở "đường bay vàng", chiều 25-8, Cục trưởng Cục HKVN Lại Xuân Thanh cho biết, ý tưởng này không phải đến đầu năm 2009 mới được đề cập mà đã được xem xét nghiên cứu từ những năm 1980. Phải khẳng định lợi ích từ việc mở đường bay thẳng là rất lớn. Trước tiên là tạo thêm đường bay mới trục Bắc - Nam, vừa có thể khai thác trực tiếp vừa là đường bay thực hiện song song với đường bay hiện nay, để trong điều kiện thời tiết xấu vẫn có thể khai thác. Bên cạnh đó, việc rút ngắn đường bay sẽ trực tiếp tạo hiệu quả kinh tế trong việc giảm chi phí của các hãng hàng không, tạo cạnh tranh về giá và có lợi cho khách hàng. Tuy nhiên, vì nhiều khác biệt về nhu cầu trong khai thác, sử dụng vùng trời do nhiều bên tham gia và đặc biệt là lý do kỹ thuật nên ý tưởng này chưa thành hiện thực. Cụ thể là công nghệ dẫn đường và điều hành quản lý bay chưa cho phép thực hiện ý tưởng này do liên quan đến hệ thống quản lý, điều hành bay của đường bay; năng lực quản lý, bảo đảm an toàn bay trong điều kiện đường bay thẳng này cắt qua nhiều điểm biên giới, nhiều đường hàng không trục Đông - Tây, quá cảnh qua Lào - Campuchia - Việt Nam để thoát ra Biển Đông; liên quan đến công tác quản lý vùng trời, khu vực cấm bay, khu vực nguy hiểm, khu vực huấn luyện của lực lượng không quân.
Theo ông Lại Xuân Thanh, hiện nay, điều kiện thiết lập đường bay thẳng đã "mở" hơn. Cụ thể là công nghệ mới về dẫn đường tiên tiến hơn; năng lực điều hành, quản lý bay của Việt Nam, Lào, Campuchia được nâng lên; đặc biệt là sự ưu tiên của quốc phòng cho hoạt động bay phục vụ kinh tế đã được cải thiện. Để chuẩn bị cho việc mở đường bay thẳng, vừa qua Bộ trưởng Bộ GTVT Đinh La Thăng và Tổng Tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam, Thượng tướng Đỗ Bá Tỵ đã thống nhất chủ trương để giao cho các cơ quan liên quan nghiên cứu cụ thể và phối hợp với ngành hàng không Lào, Campuchia nghiên cứu. Tuy nhiên, vẫn cần phải lưu ý, việc thiết lập đường bay thẳng phải bảo đảm trên 3 nguyên tắc: An ninh quốc phòng, an toàn và hiệu quả. Để trình được phương án đường bay thẳng vẫn phải xem xét do còn một số vấn đề cần phải xử lý: Về mặt kỹ thuật Lào và Campuchia phải vẽ được đường bay và "mực" bay; giải quyết hệ thống ra đa giám sát. Về hiệu quả kinh tế Lào và Campuchia phải đồng ý giảm giá phí quá cảnh. Về phía Việt Nam, Bộ GTVT bàn với Bộ Quốc phòng về vùng cấm bay, thiết lập vùng trời liên quan đến vùng huấn luyện bay của không quân. Đường bay thẳng nghĩa là làm sao để nối thẳng nhất từ Hà Nội - TP Hồ Chí Minh. Cụ thể đường bay đó thế nào thì phải nghiên cứu kỹ thuật.