Nỗi vấn vương trước “giờ G”

Giáo dục - Ngày đăng : 06:34, 26/08/2014

(HNM) - Bộ GD-ĐT sẽ công bố phương án thi chính thức và lộ trình tổ chức kỳ thi THPT quốc gia trong tháng 9-2014.


Sức ép về thời gian và yêu cầu từ xã hội đòi hỏi phía cơ quan quản lý phải cân nhắc kỹ trước khi quyết định phương án phù hợp với mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT và tạo được sự đồng thuận. Bởi kỳ thi không chỉ nhằm tạo căn cứ để xét tốt nghiệp THPT và tuyển sinh ĐH, CĐ, mà còn mang ý nghĩa xã hội sâu sắc.

Ý kiến trái chiều


Trong thời gian qua, kết quả thăm dò tại một số địa phương về ba phương án do Bộ GD-ĐT công bố cho thấy, hầu hết cán bộ quản lý, giáo viên và HS phổ thông chọn phương án một - phương án thi theo môn, với 4 môn tối thiểu để được công nhận tốt nghiệp THPT. Đây là phương án ít gây xáo trộn nhất đối với các nhà trường và HS bởi cách thức thi gần như không thay đổi so với hiện nay. Nhiều giáo viên phổ thông bày tỏ sự đồng tình đối với ý kiến của Nhà giáo Ưu tú Hàn Liên Hải (nguyên Trưởng phòng Giáo dục phổ thông, Sở GD-ĐT Hà Nội), thể hiện sự e ngại đối với phương án hai và ba - phương án tích hợp nhiều môn thi trong các bài thi theo từng lĩnh vực, lý do chính là hiện nay, ở các nhà trường phổ thông, hình thức tích hợp chưa được thể hiện trong nội dung chương trình sách giáo khoa phổ thông nên chưa thể yêu cầu HS làm bài thi theo cách này. Với phương án thi theo hướng tích hợp, cần có một lộ trình dài để chuẩn bị các điều kiện cần thiết cho việc dạy và học theo hướng này.

“Chốt” phương án nào cho kỳ thi THPT quốc gia có lẽ vẫn là câu hỏi mở ở thời điểm này.Ảnh: Nhật Nam


Tuy nhiên, các trường CĐ, ĐH lại đồng thuận với phương án hai - tích hợp 8 môn thi thành 5 bài thi. Luồng ý kiến ủng hộ phương án này cho rằng, các trường phổ thông không nên quá e dè, bởi đây là phương án đã được tập dượt trong kỳ thi năm 2014 và đem lại hiệu quả, góp phần hình thành kỹ năng cho HS, phù hợp với mục tiêu đổi mới giáo dục. Theo đề xuất từ phía các trường CĐ, ĐH thì việc lựa chọn phương án thi không nhất thiết phải căn cứ vào ý kiến của số đông, mà phải dựa trên yêu cầu đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT theo tinh thần Nghị quyết 29-NQ/TƯ.

Nằm ngoài phương án của Bộ GD-ĐT, song ý kiến của TS Nguyễn Thanh Sơn - ĐH Quốc gia Hà Nội về phương án thi đã thu hút được sự quan tâm của dư luận, đó là vẫn giữ phương thức tổ chức hai kỳ thi như hiện nay nhưng việc tổ chức cần có sự thay đổi. Kỳ thi tốt nghiệp THPT nên được giao cho các địa phương, trực tiếp là các Sở GD-ĐT triển khai, từ khâu ra đề cho đến chấm thi. Tỷ lệ tốt nghiệp THPT không còn là tiêu chí đánh giá chất lượng giáo dục của địa phương nữa, vì vậy, không bị ảnh hưởng bởi "bệnh thành tích". Các trường ĐH, CĐ vẫn tổ chức tuyển sinh "đầu vào" theo chỉ tiêu do Bộ GD-ĐT giao và có thể tổ chức thi thêm theo yêu cầu của chuyên ngành đào tạo. Bộ GD-ĐT giữ vai trò chỉ đạo và kiểm tra, giám sát các kỳ thi.

Kết quả thực chất là mục tiêu tối thượng

Việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia với hai mục tiêu (vừa để xét tốt nghiệp THPT, vừa làm căn cứ để tuyển sinh ĐH, CĐ) được xác định là yêu cầu cấp bách nhằm làm thay đổi căn bản cách dạy - học ở phổ thông, nâng cao chất lượng đào tạo hệ ĐH, CĐ, đồng thời nhằm giảm áp lực và sự tốn kém cho xã hội. Tuy nhiên, hầu hết trường ĐH, CĐ - phía muốn sử dụng kết quả của kỳ thi chung để làm căn cứ tuyển sinh "đầu vào" luôn tỏ ra băn khoăn về chất lượng giáo dục phổ thông. Những vụ việc tiêu cực xảy ra tại các kỳ thi tốt nghiệp THPT trong thời gian qua có lẽ đã trở thành nỗi ám ảnh của những người làm công tác đào tạo ở các trường ĐH, CĐ. Độ xác thực của tỷ lệ đỗ tốt nghiệp THPT 98 - 99% đến đâu vẫn đang là một dấu hỏi lớn đối với nhiều người. Vì vậy, các chuyên gia giáo dục cho rằng, dù triển khai kỳ thi THPT quốc gia theo phương án nào, thi bao nhiêu môn, thi những môn gì thì mục tiêu tối thượng vẫn là bảo đảm đánh giá kết quả giáo dục một cách thực chất. Khi việc đánh giá kết quả giáo dục HS sau THPT đạt được mục tiêu đặt ra thì sẽ ngày càng có nhiều trường ĐH, CĐ dùng kết quả này làm căn cứ để tuyển chọn HS, từ đó sẽ bớt đi áp lực cho HS và giảm sự tốn kém cho xã hội.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội, điều quan trọng nhất trong việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia là xã hội phải đồng lòng quyết tâm triển khai thực hiện nghiêm túc và trung thực để kỳ thi cho ra số đo tin cậy về năng lực thực sự của HS phổ thông thay vì nhằm mục tiêu tạo ra "bức tranh đẹp" về thành tích của tỉnh, thành, ngành. Muốn vậy, cần phải quyết tâm loại bỏ "bệnh thành tích", siết chặt kỷ luật, nền nếp tổ chức thi và làm nghiêm túc khâu coi thi nhằm tạo tác động tích cực đối với việc dạy và học ở các trường phổ thông. Các cấp lãnh đạo và người dân có thể phải chấp nhận sự khác biệt về tỷ lệ đỗ tốt nghiệp giữa các vùng, miền, xác định tư tưởng kiên trì, hành động quyết liệt trong ít nhất 5 năm trở lên để tạo sự chuyển dịch tích cực ở mọi khâu. Nếu không có biện pháp phù hợp và quyết tâm giải quyết tận gốc vấn đề nói trên, việc tổ chức kỳ thi THPT quốc gia sẽ lúng túng dẫn đến việc tổ chức thi nửa vời, không đạt được mục tiêu.

"Chốt" phương án nào cho kỳ thi THPT quốc gia có lẽ vẫn còn là câu hỏi mở ở thời điểm này.

Thống Nhất