Mô hình “Bộ trưởng mạnh, năng động, dám quyết, dám làm”: Mục tiêu không dễ

Xã hội - Ngày đăng : 06:25, 26/08/2014

(HNM) - Một mô hình "Bộ trưởng mạnh, năng động, dám quyết, dám làm" trong một chính phủ mạnh là mục tiêu được Bộ Nội vụ xác định khi xây dựng dự án Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi.

Nhưng tạo ra được một cơ chế phù hợp, đồng thời không đi ngược lại chủ trương tinh giản biên chế, sắp xếp việc làm một cách khoa học mà Chính phủ đang hướng đến là việc không dễ.

Chưa thực sự đột phá

Để nâng tầm hoạt động của bộ trưởng, Bộ Nội vụ đã nghiên cứu chia thành hai nhóm quy định riêng. Một là bộ trưởng với tư cách thành viên Chính phủ và hai là bộ trưởng với tư cách người đứng đầu bộ, cơ quan ngang bộ với những nhiệm vụ, quyền hạn khác nhau. Điều đáng nói hơn, dự án luật còn mở rộng đến việc đề xuất "bộ trưởng phụ trách một số lĩnh vực công tác khác" là thành viên Chính phủ, nhằm giúp Thủ tướng Chính phủ xử lý những lĩnh vực công tác chưa phân công cho các bộ, cơ quan ngang bộ thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Cùng với đó, các vấn đề như: Chức năng phối hợp giữa Chính phủ với cơ quan lập pháp, tư pháp; quan hệ giữa Chính phủ với các tổ chức chính trị - xã hội; cơ chế hoạt động của Chính phủ cũng được đề cập.

Đánh giá những điểm mới trong dự án luật, GS Trần Ngọc Đường, chuyên gia cao cấp Viện Nghiên cứu lập pháp - Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho rằng, vẫn chưa thực sự đột phá. Đã đến lúc phải xây dựng cơ chế hoạt động mở, trong đó phải làm rõ trách nhiệm của từng thành viên Chính phủ, làm rõ mối quan hệ giữa Thủ tướng và tập thể Chính phủ. Vì nếu vai trò cá nhân không được quy trách nhiệm mạnh mẽ thì nền hành pháp không thể mạnh được. Cũng không thể sợ không quy định cụ thể thì Chính phủ lạm quyền như một số nhà lập pháp nói, vì Chính phủ là cơ quan hành chính nhà nước cao nhất nhưng cũng là cơ quan chấp hành của Quốc hội nên còn sự kiểm soát của Quốc hội, cơ quan tư pháp.

Liên quan đến quy định về "bộ trưởng phụ trách một số lĩnh vực công tác khác" trong dự án luật, nguyên Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật của QH Nguyễn Văn Thuận cũng coi là điểm "tối" vì chưa thuyết phục cả về cơ sở pháp lý lẫn thực tiễn. "Theo Hiến pháp, phải xác định được ngành, lĩnh vực quản lý nhà nước thì mới xác định có bộ trưởng. Với mô hình quản lý nhà nước đa ngành, đa lĩnh vực hiện nay, làm gì còn lĩnh vực nào để có bộ trưởng không bộ. Vì thế, quan trọng nhất là tạo cơ chế xóa bỏ lợi ích nhóm. Quy định về chức danh bộ trưởng không bộ sẽ vừa gây tốn kém kinh phí nhân lực triển khai, lại vừa không đúng tinh thần tinh gọn bộ máy" - ông Nguyễn Văn Thuận khuyến cáo.

Cũng theo ông Nguyễn Văn Thuận, với cơ chế hiện hành, dưới tổng cục là các cục quản lý ngành, sau đó đến vụ, phòng. Như vậy là đang "đẻ" ra quá nhiều bộ máy. Với cả rừng tầng nấc này, khi có việc cần xử lý, cứ theo thứ tự chờ để đưa được lên bàn thứ trưởng, bộ trưởng giải quyết mất rất nhiều thời gian. Nên giải quyết mâu thuẫn này bằng việc luật hóa cơ cấu, tổ chức của Chính phủ, không để cơ cấu phụ lấn át cơ cấu chính, mới hy vọng một Chính phủ hoạt động năng động. Từ đó, các bộ sẽ thực hiện các chức năng được luật định, tránh việc gì cũng trình Phó Thủ tướng, Thủ tướng như hiện nay.

Cần phân công, phân cấp rành mạch

Trao đổi với phóng viên Báo Hànộimới, nhiều chuyên gia pháp luật cùng cho rằng, nếu tạo được sự phân công rành mạch như đề xuất trên, chẳng những chất lượng chính sách được cải thiện mà tính chuyên nghiệp của bộ máy công vụ cũng được nâng cao, tạo cơ sở sắp xếp lại nền quản trị quốc gia. Nói như luật gia Lê Quang Vững đang công tác tại Thanh tra Chính phủ, chúng ta đang trong giai đoạn hoàn thiện luật pháp chuyên ngành nhưng công tác rà soát tổng thể những điểm mâu thuẫn với nhau lại hầu như chưa làm được. Do đó, nhiều luật chuyên ngành mâu thuẫn với luật gốc. Luật càng "đá" nhau, càng hình thành nhiều tầng nấc trung gian, nhiều cơ quan tham mưu gỡ khó, càng làm giảm đi vai trò quản lý của các bộ, ngành được phân công.

Tại cuộc họp thẩm tra dự án Luật Tổ chức Chính phủ do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội vừa tổ chức, nguyên Thứ trưởng Bộ Nội vụ Thang Văn Phúc khẳng định, có thời gian Việt Nam đã giảm từ 150 xuống còn 80 ban chỉ đạo, nhưng hiện nay lại lên đến 200 ban. Đây là sự phân tán, làm hổng hiệu lực quản lý nhà nước. Cần điểm tên, khoanh lại, làm rõ trách nhiệm Chính phủ làm đến đâu, bộ trưởng làm đến đâu, còn lại thì phân cấp cho địa phương.

Dù vậy, theo Bộ Nội vụ, việc phân cấp đang có nhiều quan điểm khác nhau. Ban soạn thảo đề xuất hai phương án, một là quy định rõ vào luật những lĩnh vực có thể phân cấp và không thể phân cấp cho chính quyền địa phương; phương án hai là chỉ nêu những nguyên tắc chung. Theo chương trình, dự án Luật Tổ chức Chính phủ sửa đổi sẽ trình xin ý kiến Quốc hội lần đầu vào kỳ họp tới đây.

Hà Phong