Tác phẩm văn nghệ - mối nguy từ sự dễ dãi (tiếp theo)

Văn hóa - Ngày đăng : 06:48, 25/08/2014

(HNM) - Tiếp tay cho sự ra đời của những tác phẩm văn nghệ dễ dãi, thậm chí phản cảm đồng nghĩa với việc hạ thấp giá trị lao động của văn nghệ sĩ và làm vẩn đục bầu không khí văn hóa nước nhà. Hơn nữa, cách và thứ chúng ta phản ánh từ cuộc sống vào tác phẩm văn học, nghệ thuật cũng chính là cách

Theo GS.TS Hồ Sĩ Vịnh, "Thị hiếu văn nghệ là năng lực hiểu biết và đánh giá giá trị thẩm mỹ của các tác phẩm…". Một khi xã hội tràn lan những tác phẩm văn nghệ làng nhàng thì việc nâng cao thị hiếu công chúng nói chung là việc không tưởng. Thậm chí không ít người cũng sẽ nản khi số đông ca ngợi, chạy theo những thứ bề nổi, tầm thường; dè bỉu, xa lánh những giá trị tốt đẹp.

Như các nhà văn nói một cách tự trào là tình trạng "phá rừng làm giấy in thơ" không những làm mất cân bằng "sinh thái tự nhiên" mà còn làm "ô nhiễm môi trường văn học", đánh cắp thời gian của công chúng. Nảy sinh trong những người đọc mẫn cảm một phản ứng tự vệ tưởng như phi logic là "Càng yêu thơ thì lại càng sợ thơ". Và thi ca - một sáng tạo tuyệt vời của loài người bị đẩy vào thế "đầy nghi hoặc".

Ảnh nude - một lĩnh vực gây nhiều tranh cãi gần đây cũng cho thấy nghệ thuật đích thực nếu bị giả danh, đội lốt thì có thể kéo lùi thị hiếu thẩm mỹ công chúng. Tham luận của một nghệ sĩ nhiếp ảnh tại hội nghị "Xây dựng con người Việt Nam hôm nay và trách nhiệm của văn học nghệ thuật" bày tỏ "Ảnh nude đích thực mang tính nghệ thuật, thẩm mỹ cao thì không được trưng bày, trong khi ảnh nude phản cảm thì tràn lan trên mạng, nude vì môi trường, vì biển…". Chủ tịch Hội VHNT Hải Dương Nguyễn Thị Việt Nga đã thẳng thắn cho rằng: "Cần phải loại bỏ những thứ phi nghệ thuật, phi văn chương ra khỏi đời sống văn nghệ của chúng ta, đưa đến cho người đọc những món ăn tinh khiết để hình thành và phát triển thị hiếu thẩm mỹ cho công chúng", và "Không có hình tượng thẩm mỹ ám ảnh người đọc, không có nỗi niềm cảm hóa người đọc, đốt đuốc lương tâm cho con người trong cuộc hành trình gian nan đi tìm lẽ sống để làm người thì một mớ văn tự của nhà văn chẳng thể đem lại điều gì…".

Thiết nghĩ, việc làm tốt chức năng thẩm định tác phẩm văn học, nghệ thuật còn có ý nghĩa quan trọng để bảo vệ lao động đích thực của văn nghệ sĩ. Một lao động thực sự nặng nhọc và chưa hẳn là đã nhận được sự thấu hiểu của công chúng. Phát biểu gây xúc động tại diễn đàn văn nghệ toàn quốc gần đây của nhà văn Nguyễn Trí đã cho thấy: Mỗi trang văn chân thực mang đến cho người đọc đã được đổi bằng những thăng trầm khó tưởng tượng nổi, với rất nhiều nước mắt, máu và cả nỗi tuyệt vọng cùng niềm hy vọng của tác giả.

NSND Thế Anh cũng từng chia sẻ với Hànộimới rằng lao động của người diễn viên là một thứ lao động đầu óc bên cạnh lao động chân tay khổ nhọc. Vì vậy, thứ văn nghệ bỏ tiền thuê người viết, đánh bóng tên tuổi, hoặc được xem như đơn thuần là chỗ kinh doanh thì sẽ vô cùng có hại đối với bầu không khí lao động sáng tạo văn học nghệ thuật nói chung.

Tại một hội chợ sách, chứng kiến những dòng người trẻ đổ dồn vào mua sách đã có lúc cả mừng, nhưng như phản ánh trên blog văn chương của một nhà văn thì những đầu sách "hot" ấy chỉ là những sách giải trí của những nghệ sĩ đang gây "sốt" và quan trọng là thiếu hẳn giá trị văn chương, chỉ có thế mạnh duy nhất là PR tốt.

Khi con người chấp nhận tác phẩm dễ dãi, "lùn" về tri thức và thẩm mỹ thì cuộc sống sẽ được cổ vũ theo chiều hướng ấy. Yêu thương sẽ nhường chỗ cho lãnh cảm, vẻ đẹp của sự hy sinh vì người khác (lẽ ra được nuôi dưỡng bằng văn học nghệ thuật) sẽ bị thay thế cho toan tính thiệt hơn.

Cố nhà thơ Trinh Đường, theo lời kể của nhà lý luận phê bình văn học Nguyễn Huy Thông, đã từng than: "Sự ô nhiễm môi trường đáng lo ngại đã lây lan vào địa hạt thơ thiêng liêng đến thế này sao?...".

Thực tế đời sống văn nghệ nước nhà, hôm nay còn đáng ngại hơn khi sự "ô nhiễm môi trường", không chỉ lây lan trong địa hạt thơ, mà còn hoành hành trong hầu hết các lĩnh vực văn học nghệ thuật.

Rõ ràng mối nguy hại ấy đã tới mức báo động, đòi hỏi những giải pháp quản lý chặt chẽ, hiệu quả hơn. Bên cạnh đó, công chúng cũng có thể góp phần ngăn chặn sự ô nhiễm ấy bằng cách lựa chọn kỹ càng những tác phẩm đáng để thưởng thức. Đặc biệt là cái tinh thần lựa chọn cũng phải được nuôi dưỡng ngay từ trong môi trường gia đình, trường học để chuẩn bị tâm thế cho những lớp công chúng mới chính là con em của chúng ta hôm nay.

Thi Thi