Thực hư chuyện “cáp treo đưa người qua sông”

Giới trẻ - Ngày đăng : 06:13, 25/08/2014

(HNM) - Mấy ngày gần đây, dư luận liên tục bàn luận câu chuyện người dân thôn Mai Châu, xã Đại Mạch (huyện Đông Anh) dùng

Để tìm hiểu rõ sự tình, chiều 21-8, phóng viên (PV) Báo Hànộimới đã về tận nơi và chứng kiến ít nhất có 2 bộ cáp treo đang "nằm đắp chiếu" theo yêu cầu dừng hoạt động của UBND xã Đại Mạch. Trong khi đó, hàng chục tấn nông sản của người dân ở bên bãi nổi sông Hồng đã đến kỳ thu hoạch, đang có nguy cơ bị hư hỏng nếu không được vận chuyển vào bờ kịp thời...

Cáp treo tự chế của người dân thôn Mai Châu đang "nằm đắp chiếu".


"Không có cáp chúng tôi chẳng làm được gì..."

Ngồi trầm ngâm, ánh mắt hướng về khúc sông Hồng đang cuộn chảy, anh Cao Văn Nghĩa, người thôn Mai Châu dường như vẫn chưa hiểu chuyện gì đang xảy ra với những buồng chuối tiêu Hồng đã được chặt hạ "phải nằm chờ thối ở phía bên kia sông" chỉ vì cáp treo phải dừng hoạt động. "Lẽ ra sáng nay tôi đã xuất được 100 buồng, nhưng vì cáp không được hoạt động nữa nên đành phải nói khách hàng thông cảm, chờ mấy hôm nữa xem sao!" - Anh Nghĩa chua xót nói.

Theo tính toán, nếu cáp treo hoạt động bình thường, 100 buồng chuối của anh Nghĩa đổ buôn trong ngày sẽ thu khoảng 8 triệu đồng. Anh Nghĩa là một trong những người sang bãi sớm nhất để khai hoang trồng chuối (khoảng năm 2008-2009), với diện tích lên đến gần 7ha lớn nhất thôn Mai Châu. Anh Nghĩa quả quyết: "Nếu không có cáp treo thì chúng tôi chẳng làm được gì. Dòng sông thì hung hãn, mùa khô cạn trơ đáy, mùa lũ nước chảy cuồn cuộn, thử hỏi những chiếc thuyền bé tẹo như thế kia làm sao chuyên chở hàng tấn vật tư, nông sản qua sông hằng ngày được". Dứt lời, anh dẫn chúng tôi ra gần bờ sông để tận mắt chứng kiến "cỗ máy cáp treo tự chế". Tại đây, chúng tôi thấy cáp treo đã dừng hoạt động, nhưng vẫn còn một sợi cáp Ø14 nối hai bờ sông dài khoảng 200m. Theo miêu tả của anh Nghĩa, sợi cáp được truyền động thông qua bánh xe (được chế từ vành xe máy) gắn ở cột trụ cao khoảng 2 - 3m. Chiếc máy tải đặt ở phía bên bãi sông được chế từ bộ máy của xe máy Angel, cơ chế hoạt động không khác là mấy khi điều khiển xe gắn máy. Những ngày cao điểm, cáp treo có thể vận chuyển 300 buồng chuối (bình quân một buồng có trọng lượng 20kg), chưa kể việc chở vật tư nông nghiệp, dụng cụ sản xuất và cây giống…

Nhờ "cáp treo tự chế" mà những nông dân Mai Châu như anh Nghĩa đã biến một vùng đất hoang hóa bãi giữa sông Hồng trở thành một miền đất trù phú, mang lại nhiều mùa trái ngọt quanh năm. Với gần 7ha đấu thầu của xã Đại Mạch (thời hạn 5 năm) để trồng chuối, diện tích trồng chuối của anh Nghĩa cho doanh thu khoảng 100 triệu đồng/tháng, trừ 1/3 chi phí, còn lại là lợi nhuận. Anh Nghĩa cho biết thêm: "Từ hôm cáp ngừng hoạt động, bạn hàng về lấy chuối liên tục, chúng tôi như ngồi trên đống lửa, thiệt hại về kinh tế cho mỗi gia đình đang phát triển kinh tế ở khu vực bãi là không thể đo đếm được. Chúng tôi dựng cáp treo là để chuyên chở hàng hóa, nông sản, phát triển kinh tế thuần túy, hoàn toàn không dùng vào việc khác".

Anh Trần Quang Hòa cũng có gần 1ha đất trồng chuối ở bên bãi giữa sông Hồng. "Do không có cáp treo nên tôi phải vận chuyển nhờ, chỉ góp ít tiền mua xăng dầu. Trong xóm có tất cả 3 chiếc cáp treo như thế này" - Anh Hòa nói rồi so sánh: "Vận chuyển bằng cáp treo vừa giảm công lao động vừa giúp chuối không bị trầy xước, mẫu mã đẹp, chất lượng. Vận chuyển bằng thuyền, nếu số lượng khoảng 40 buồng thì 2 lao động phải làm cật lực một buổi sáng mới xong, trong khi chuối rất dễ bị dập nát. Hơn nữa đi thuyền qua sông kèm hàng hóa cũng đâu phải đã an toàn".

Chính quyền chưa tròn trách nhiệm

Qua tiếp xúc với PV, nhiều người dân và kể cả Phó Chủ tịch UBND xã Vương Ngọc Chi đều khẳng định một điều: Sự ra đời của hệ thống cáp chỉ phục vụ việc vận chuyển nông sản, vật tư nông nghiệp giữa hai bờ cho thuận tiện, tiết kiệm sức lao động, bảo đảm chất lượng hàng hóa. Những hình ảnh "cáp treo đưa người qua sông..." chỉ là câu chuyện... dàn dựng của một số người. Thậm chí, như lời Phó Chủ tịch Vương Ngọc Chi đánh giá: "Hệ thống cáp treo là một sáng kiến tốt trong lao động sản xuất của nông dân, đáng biểu dương".

Tuy nhiên, khi tìm hiểu quá trình ra đời cáp treo, chúng tôi nhận thấy có sự tắc trách của chính quyền địa phương. Theo ông Chi, khi người dân xây dựng cáp đã không báo cho chính quyền địa phương biết. Sau khi đưa vào hoạt động (cuối năm 2013), công an xã đi tuần tra mới phát hiện và lập biên bản (ngày 30-12-2013) đối với 2 hộ gia đình ông Cao Văn Nghĩa và Trần Văn Dưa. Biên bản ghi rõ: "Việc dựng cáp treo vận chuyển nông sản qua lạch sông Hồng sang bãi là trái quy định" và yêu cầu "các hộ phải tháo dỡ trước ngày 31-12-2013". "Nếu các hộ cố tình không chấp hành, để xảy ra sự cố phải hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật". Đáng ngạc nhiên là đúng một ngày sau khi công an xã lập biên bản, ngày 31-12-2013, UBND xã Đại Mạch tiếp tục ban hành Thông báo số 106, nêu rõ: "Nghiêm cấm việc sử dụng cáp treo để vận chuyển người; việc sử dụng cáp treo phải bảo đảm an toàn cho người và phương tiện giao thông đường thủy. Các vấn đề liên quan đến thiệt hại cho người và các phương tiện giao thông trên sông do hệ thống cáp treo tự chế gây ra, các hộ dân phải hoàn toàn chịu trách nhiệm". Như vậy, chỉ sau đúng một ngày công an xã có văn bản yêu cầu tháo dỡ, thì chính quyền địa phương lại có văn bản vừa "bật đèn xanh" cho cáp tồn tại vừa "đẩy" trách nhiệm cho người dân, trong khi vấn đề quan trọng nhất là hướng dẫn người dân sử dụng cáp treo an toàn thì không được đề cập đến.

Đáng nói là trao đổi với PV, ông Nguyễn Công Đoàn, Phó công an xã Đại Mạch, người có mặt trong ngày 30-12-2013 để lập biên bản các hộ dân vi phạm tự ý lập cáp treo lại khẳng định "cáp treo hoạt động từ đó đến nay chưa xảy ra chuyện gì". Thử đặt câu hỏi, trong quá trình cáp treo hoạt động nếu xảy ra chuyện thì ai sẽ là người chịu trách nhiệm?

Xét ở lĩnh vực an toàn giao thông đường thủy, rõ ràng việc xây dựng cáp treo không phép trên sông là vi phạm quy định pháp luật. Tuy nhiên khi phát hiện sự việc này, chính quyền xã đã chưa làm tròn trách nhiệm, chưa báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, tìm phương án xử lý tối ưu nhất, nhằm vừa bảo đảm phát triển kinh tế vừa bảo đảm an toàn giao thông đường thủy và an toàn cho người sử dụng. Thực tế cho thấy, dù người dân đã chế tạo ra cáp treo nhưng đây là một lĩnh vực đòi hỏi kỹ thuật và mức độ an toàn cao nên việc quản lý vận hành trong thời gian dài phải có sự kiểm tra thường xuyên, nghiêm túc của cơ quan chức năng có chuyên môn.

Chưa bàn đến việc cáp treo chưa được cấp phép có chuyên chở người hay không (người dân và chính quyền địa phương khẳng định là không chở người), nhưng có một thực tế không thể phủ nhận là những hiệu quả to lớn trong phát triển kinh tế mà hệ thống cáp treo đã mang lại cho nông dân. Trao đổi vấn đề này, Phó Chủ tịch UBND xã Đại Mạch Vương Ngọc Chi cho biết, khu bãi bồi giữa sông Hồng ở thôn Mai Châu có diện tích khoảng 50ha, trước đây chia đều mỗi hộ 3 sào đất để trồng dâu tằm nhưng không hiệu quả, một thời gian đã bị bỏ hoang. Từ năm 2009, xã đã cho khoảng 20 hộ dân đấu thầu đất để trồng cây ăn quả. Trong quá trình khai hoang vùng đất, việc chuyên chở nông sản, vật tư nông nghiệp qua lạch sông Hồng trước đây gặp rất nhiều khó khăn vì người dân không đủ kinh phí đóng thuyền bè lớn, vận chuyển bằng thuyền nhỏ thì nguy hiểm, hiệu quả kinh tế không cao. Vì thế, việc chế tạo ra hệ thống cáp vận chuyển như hiện nay đã đáp ứng yêu cầu phát triển, cho thấy sức sáng tạo và tinh thần vượt khó của người dân.

Thực tế quan sát cho thấy, trước mắt cũng như trong tương lai gần, việc phát triển kinh tế vùng bãi Mai Châu không thể không sử dụng đến cáp treo. Đây cũng chính là sự mong mỏi lớn nhất của những nông dân thôn Mai Châu hiện nay. Ông Vương Ngọc Chi cho biết, UBND xã sẽ sớm họp với các hộ dân để đánh giá toàn diện về việc quản lý, sử dụng cáp treo, trên cơ sở cam kết tuyệt đối không chuyên chở người. Bên cạnh đó, chính quyền xã cũng sẽ xem xét việc hỗ trợ kinh phí, mời cơ quan chức năng giám định chất lượng và cùng với các hộ dân hoàn thiện các thủ tục pháp lý liên quan để sớm đưa cáp treo hoạt động trở lại, giảm tối đa thiệt hại kinh tế cho nông dân.

Chí Kiên