Bài 1: Căng sức để hoàn thành nhiệm vụ
Đời sống - Ngày đăng : 06:04, 25/08/2014
LTS: Một vấn đề nổi lên trong đợt giám sát của Thường trực HĐND TP Hà Nội về việc thực hiện tổ chức bộ máy và quản lý, sử dụng biên chế hành chính, sự nghiệp của thành phố là hầu hết các đơn vị đều chưa sử dụng hết chỉ tiêu biên chế được giao nhưng lại sử dụng số lao động hợp đồng vượt quá quy định để thay cho số công chức, viên chức còn thiếu. Không thể không ghi nhận sự nghiêm túc chấp hành các quy định cũng như sự chủ động của các đơn vị trong việc bố trí tổ chức bộ máy hợp lý, quản lý biên chế hiệu quả. Tuy nhiên, cùng với những bất cập trong tổ chức bộ máy và quản lý, sử dụng biên chế, đây là vấn đề Hà Nội cần tháo gỡ trong thời gian tới.
Bài 1: Căng sức để hoàn thành nhiệm vụ
Hai năm gần đây, TƯ không giao tăng thêm chỉ tiêu biên chế hành chính cho TP Hà Nội (giữ nguyên 9.293 biên chế), đồng thời quản lý chặt chẽ hơn số biên chế sự nghiệp. Trong khi đó, nhiệm vụ đặt ra cho thành phố và các địa phương cơ sở, đơn vị ngày càng nhiều hơn, yêu cầu đòi hỏi chất lượng hoàn thành nhiệm vụ cao hơn. Trước tình cảnh người ít, việc nhiều, các đơn vị, địa phương đã chủ động, linh hoạt trong việc tổ chức bộ máy, quản lý, sử dụng biên chế một cách hợp lý. Còn đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức (CBCCVC), người lao động cũng đã nỗ lực, căng sức để thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Hà Nội đã áp dụng nhiều điểm mới tại kỳ thi công chức nhằm hướng tới xây dựng một nền hành chính hiện đại. Ảnh: Trần Hải |
Sắp xếp tổ chức bộ máy hợp lý
TP Hà Nội đang trong giai đoạn đẩy mạnh quá trình đô thị hóa, phạm vi quản lý rộng, cộng với sự gia tăng dân số, tạo nên áp lực công việc cho hầu hết các bộ phận. Trước bối cảnh đó, việc giao chỉ tiêu biên chế cho các cơ quan, đơn vị đã được HĐND thành phố đổi mới gắn với giao kế hoạch chỉ tiêu kinh tế - xã hội hằng năm. Chính điều này tạo sự chủ động cho các cơ quan, đơn vị có kế hoạch sắp xếp, bố trí, tuyển dụng CCVC hằng năm, đồng thời sắp xếp tổ chức bộ máy, sử dụng biên chế, lao động hợp lý, khoa học để hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Làm việc với quận Hà Đông, Chủ tịch HĐND TP Hà Nội Ngô Thị Doãn Thanh đã ghi nhận tinh thần chủ động của quận trong việc rà soát chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan chuyên môn, kiện toàn tổ chức bộ máy để bảo đảm thực hiện "trôi" một khối lượng công việc lớn trong khi biên chế có hạn. Tại Sở GT-VT, Chủ tịch HĐND thành phố cũng đánh giá cao tinh thần làm việc của CBCCVC, người lao động trong đơn vị. Dù thiếu biên chế song ngành đã nỗ lực tham mưu cho thành phố quản lý và tạo chuyển biến rõ nét trong lĩnh vực giao thông, một trong những lĩnh vực mà thành phố lựa chọn tạo chuyển biến trong nhiệm kỳ 2010-2015. Đợt giám sát tại Sở NN&PTNT, huyện Thạch Thất cũng cho kết quả tương tự.
Trên thực tế, qua giám sát của Thường trực HĐND thành phố, hầu hết các sở, ngành, quận, huyện đã coi trọng việc sắp xếp tổ chức bộ máy hợp lý, nhờ đó đã tránh được sự chồng chéo về chức năng, nhiệm vụ, nâng cao hiệu quả hoạt động của các phòng, ban chuyên môn. Báo cáo của Sở Nội vụ cũng phản ánh, đến năm 2014, bộ máy hành chính của 23 sở, ngành, cơ quan, tổ chức hành chính; 30 quận, huyện, thị xã đã tuân thủ đúng các quy định của Chính phủ. Bên cạnh đó, bộ máy của 2.762 đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thành phố cũng được thực hiện đúng quy định của pháp luật.
Đổi mới thi tuyển, chú trọng xây dựng đề án việc làm
Nét nổi bật của Hà Nội trong những năm qua là đổi mới công tác thi tuyển CCVC, với điểm nhấn bắt đầu từ năm 2013. Theo đó, thực hiện đề án "Đẩy mạnh cải cách chế độ công vụ công chức" đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, TP Hà Nội đã mạnh dạn áp dụng nhiều điểm mới tại kỳ thi CC. Theo đó, toàn bộ nội dung, hình thức thi tuyển được công khai, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng và website của Sở Nội vụ, tạo điều kiện thuận lợi cho thí sinh tham gia dự tuyển. Công tác coi thi, chấm thi được quản lý nghiêm ngặt. Hà Nội là đơn vị đi đầu trong toàn quốc đã sử dụng hệ thống camera để giám sát việc coi thi, chấm thi. Trong năm 2013, chỉ tiêu thi tuyển CC thành phố là 487 người, nhưng từ 3.837 thí sinh dự thi, thành phố chỉ tuyển được 160 người. Tính cạnh tranh cao cùng biện pháp giám sát chặt chẽ là cơ sở để bảo đảm chất lượng CC được tuyển dụng từ kỳ thi.
Sau gần một năm theo dõi cho thấy, số CC tuyển dụng được từ kỳ thi năm 2013 đều thể hiện tốt tinh thần trách nhiệm và kỹ năng làm việc tích cực. Cùng với đó, Hà Nội cũng là địa phương đi trước cả nước trong việc đổi mới hình thức tuyển dụng CCVC như tổ chức xét tuyển giáo viên, tổ chức thi tuyển CC theo vị trí việc làm, chuyên ngành, tổ chức lớp nguồn CC cơ sở…
Để khắc phục tình trạng thừa - thiếu CBCCVC, ảnh hưởng đến chất lượng, hiệu quả công việc, theo chỉ đạo của Chính phủ, ngày 24-4-2013, UBND TP Hà Nội đã ra Quyết định số 2757/QĐ-UBND về việc giao nhiệm vụ xây dựng đề án xác định vị trí việc làm và cơ cấu ngạch CC tại các cơ quan chuyên môn thuộc UBND thành phố và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND các quận, huyện, thị xã. 4 đơn vị được lựa chọn để làm thí điểm trước khi triển khai đồng loạt gồm: Sở Nội vụ, Sở TN&MT, quận Long Biên và huyện Đan Phượng đã tích cực vào cuộc và có kết quả bước đầu.
Sau khi thí điểm, Hà Nội đã triển khai ra diện rộng. Tại Sở NN& PTNT, đến trung tuần tháng 7, đã có 10/10 đơn vị hành chính và 16/17 đơn vị sự nghiệp trực thuộc xây dựng xong đề án vị trí việc làm. Qua đó, các cơ quan, đơn vị và CCVC đều thấy rõ hơn nhiệm vụ của mình, giúp nâng cao chất lượng hoàn thành nhiệm vụ. Trong khi đó, tại cuộc làm việc với huyện Thạch Thất, Phó Chủ tịch HĐND thành phố Lê Văn Hoạt đánh giá cao khi huyện xây dựng đề án vị trí việc làm theo 2 phương án: Một là, xây dựng bộ máy với số lượng 136 CC như chỉ tiêu thành phố giao; hai là, đề xuất thành phố tăng chỉ tiêu biên chế lên 150 CC. Qua kiểm tra lần đầu, đến nay, 100% cơ quan hành chính nhà nước của thành phố đã xây dựng xong đề án vị trí việc làm và đang hoàn thiện. Ngoài ra, hầu hết các đơn vị sự nghiệp công lập của thành phố đã xây dựng xong đề án vị trí việc làm và đang trong thời gian chỉnh sửa, hoàn chỉnh.
Tuy nhiên, việc triển khai xây dựng đề án vị trí việc làm còn chậm so với yêu cầu. Cùng với đó, thông qua giám sát, việc tổ chức bộ máy quản lý và sử dụng biên chế của các cơ quan, đơn vị cũng đã bộc lộ nhiều bất cập cần khắc phục, tháo gỡ…
Tính từ năm 2011 đến 1-7-2014, TP Hà Nội đã tuyển dụng 1.222 CC hành chính; 28.480 VC; 2.009 CC cấp xã. Chế độ, chính sách tuyển dụng CCVC đối với người có trình độ cao, kiến thức, kinh nghiệm trong ngành lĩnh vực cần tuyển được chú trọng. Cùng với đó, việc phân cấp thi tuyển VC và CC xã, phường, thị trấn cho cơ sở được thực hiện tốt. Thực tế trong gần 4 năm qua, công tác tuyển dụng CCVC đã đi vào nền nếp, từng bước giải quyết triệt để số "biên chế treo" ở các cơ quan, đơn vị. |