Indonesia: Hiện thực hóa những cải cách táo bạo?
Thế giới - Ngày đăng : 06:52, 24/08/2014
Kết quả kiểm phiếu cuối cùng mà Ủy ban bầu cử quốc gia (KPU) công bố ngày 22-7 vừa qua cho thấy, ứng cử viên J.Widodo là người chiến thắng khi giành được gần 8,5 triệu phiếu bầu, tương đương hơn 53% số phiếu, trong cuộc đua có kết quả sít sao nhất trong lịch sử quốc gia Đông Nam Á này. Ông J.Widodo là ứng cử viên của liên minh 5 đảng do đảng Dân chủ Indonesia - Đấu tranh của cựu Tổng thống Soekarnoputri Megawati làm Chủ tịch đứng đầu. Trong khi đối thủ "nặng ký" trong cuộc đua này là ứng cử viên P.Subianto, đại diện cho liên minh 7 đảng với đảng Phong trào Indonesia vĩ đại do ông làm Chủ tịch.
Tòa án Hiến pháp Indonesia công nhận ông Joko Widodo là Tổng thống đắc cử. |
Tuy nhiên, ứng cử viên P.Subianto không chấp nhận kết quả này và không ngừng gây sức ép với chính phủ của Tổng thống sắp mãn nhiệm Susilo Bambang Yudhoyono khi tố cáo đã có gian lận trong bầu cử. Theo cáo buộc của ông P.Subianto, đã có "gian lận hàng loạt và mang tính hệ thống" từ cấp KPU tới các nhà lãnh đạo hành chính cấp địa phương tại 109 đơn vị cấp quận, huyện thuộc 23 tỉnh, dẫn tới kết quả sai lệch của hàng triệu lá phiếu trong cuộc bầu cử tổng thống này. Những cáo buộc gây nhiều tranh cãi trên chính trường Indonesia khiến tòa án Hiến pháp phải vào cuộc điều tra. Song, theo Chánh án Hamdan Zoelva, toàn bộ 9 thẩm phán của tòa đã bác bỏ mọi khiếu nại của ứng cử viên P.Subianto và phán quyết của tòa là không thể kháng cáo. Như vậy, kết luận mang tính pháp lý cao nhất này đã đặt dấu chấm hết cho những tranh cãi có nguy cơ gây bất ổn chính trường Indonesia.
Dù phải đối mặt với không ít sóng gió khi "đối thủ" P. Subianto liên tục gây sức ép đòi hủy kết quả bầu cử, thế nhưng Tổng thống đắc cử J.Widodo đã chuẩn bị đề án xây dựng chính phủ mới hoạt động một cách hiệu quả. Theo kế hoạch, ông J.Widodo sẽ chính thức nhậm chức vào ngày 20-10 tới. Chính phủ mới dự kiến sẽ được thu hẹp từ 34 bộ hiện nay xuống còn 27 bộ, trong đó có thể có những cơ quan quản lý nhà nước được thành lập mới, khả năng sáp nhập các bộ cũng đang được cân nhắc. Trong số các cơ quan dự kiến sẽ được thành lập mới có Bộ Hàng hải nhằm thực hiện cam kết phát triển cơ sở hạ tầng hàng hải, đặc biệt là các tuyến đường biển với 10 cảng sẽ được xây dựng để nối các đảo từ Đông sang Tây. Kế hoạch này nằm trong chương trình vận động tranh cử của ông J.Widodo. Chính phủ mới cũng sẽ tập trung vào một số lĩnh vực ưu tiên như nâng cao vị thế và thúc đẩy sản xuất nông nghiệp và thủy sản, làm sống lại thị trường truyền thống, trẻ hóa nền kinh tế sáng tạo, cải thiện tiếp cận giáo dục và dịch vụ y tế có chất lượng…
Một loạt trọng tâm ưu tiên khác cũng được Tổng thống đắc cử J.Widodo đưa ra, trong đó có kế hoạch cải tổ nội các khá thuyết phục. Ông J.Widodo sẽ không chỉ chú trọng đến việc tinh giản nhân sự mà còn đề ra mục tiêu nâng cao chất lượng công chức và phòng ngừa tham nhũng thông qua việc tổ chức lại bộ máy hành chính, thực hiện chế độ luân phiên cán bộ, cho nghỉ việc những người không vượt qua những kỳ nâng cấp trình độ và kỹ năng theo yêu cầu quy định. Việc giải quyết chế độ cho những công chức phải nghỉ việc này có thể tiêu tốn hàng trăm tỷ rupiah, song ngân sách nhà nước sẽ tiết kiệm được 3.000 tỷ rupiah (khoảng 257 triệu USD). Tổng thống đắc cử J.Widodo cũng đề cao việc xây dựng một chính phủ mở, trong đó chủ yếu là các nhà chuyên môn nắm giữ các vị trí chủ chốt với tỷ lệ tới 70% và 30 % còn lại được lựa chọn từ danh sách ứng viên do các chính đảng trong liên minh ủng hộ ông giới thiệu. Tuy nhiên, sự ủng hộ này không phải là điều kiện tiên quyết để các đảng trong liên minh có đại diện trong chính phủ mới.
Sau câu trả lời mang tính quyết định của Tòa án Hiến pháp, dư luận quốc gia Vạn đảo hy vọng dưới sự lãnh đạo của Tổng thống đắc cử J.Widodo, những đề xuất cải cách táo bạo sẽ sớm trở thành hiện thực, sớm đưa nền kinh tế đầu tàu ASEAN giành được những thành quả phát triển rực rỡ hơn nữa.