Hà Nội: Bé 2 tháng tuổi bị lồng ruột non do polyp hiếm gặp

Sức khỏe - Ngày đăng : 09:10, 23/08/2014

(HNMO) - Vì vậy, cháu bé đã được tiến hành cắt bỏ đoạn ruột có khối lồng và nối lại ruột non. Sau một tuần, cháu được ra viện trong tình trạng sức khỏe hoàn toàn ổn định.


Theo tin từ bệnh viện Nhi Trung ương, vừa qua bé Phùng Thị Hồng, hơn 2 tháng tuổi, ở Hà Nội được chuyển tới Bệnh viện Nhi Trung ương vì nôn trớ, quấy khóc.

Cháu bé khi còn nằm viện.
Ảnh: Bệnh viện Nhi Trung ương


Tại đây, các bác sĩ khám ổ bụng và siêu âm cho cháu thấy có biểu hiện lồng ruột, nhưng khi bơm hơi đại tràng lại không thấy tăng áp lực bên trong ruột già (dấu hiệu của lồng ruột). Vì vậy, bệnh nhi được nhập viện tiếp tục theo dõi.

TS. Bùi Đức Hậu, phụ trách khoa Ngoại-bệnh viện Nhi Trung ương, cho biết 5 ngày sau khi vào viện, bé Hồng có biểu hiện tắc ruột. Các bác sĩ trực ngoại khoa đã tiến hành mổ cấp cứu và phát hiện một khối lồng lớn nằm ở ruột non, bắt đầu hoại tử. Kiểm tra bên trong thấy có chùm khối u dạng polyp, chính là nguyên nhân gây lồng ruột. Vì vậy, kíp trực đã tiến hành cắt bỏ đoạn ruột có khối lồng và nối lại ruột non.


Sau một tuần, cháu bé được ra viện trong tình trạng sức khỏe hoàn toàn ổn định.

"Trường hợp polyp ruột non gây lồng ruột ở cháu bé mới 2 tháng tuổi nêu trên là rất hiếm gặp, việc chẩn đoán trước mổ rất khó khăn. Xử lý tháo lồng bằng bơm hơi đại tràng không mang lại kết quả, do đó phẫu thuật là phương pháp điều trị duy nhất".

TS. Bùi Đức Hậu

TS. Bùi Đức Hậu cho biết thêm, lồng ruột là một cấp cứu ngoại khoa thường gặp và là nguyên nhân hàng đầu gây tắc ruột ở trẻ em. Lồng ruột là hiện tượng khúc ruột phía trên di chuyển chui vào lòng khúc ruột phía dưới (hay ngược lại), làm tắc nghẽn sự lưu thông của ruột. Bệnh thường xảy ra ở trẻ còn bú mẹ, đặc biệt hay gặp ở những bé trai bụ bẫm, bú nhiều, có nhu động ruột mạnh.

Khi bị lồng ruột, các mạch máu nuôi ruột bị tắc nghẹt không nuôi được đoạn ruột lồng, dẫn đến hoại tử nếu không được xử trí sớm. 90% trường hợp lồng ruột không xác định được nguyên nhân.

Chẩn đoán lồng ruột thực hiện dựa trên thăm khám lâm sàng và siêu âm ổ bụng. Khi kết luận trẻ bị lồng ruột, bác sĩ sẽ tiến hành tháo lồng bằng phương pháp không phẫu thuật. Ở Việt Nam, phổ biến nhất là tháo lồng bằng hơi, tức là bơm hơi vào đại tràng qua hậu môn để đẩy khối lồng ra. Tỷ lệ thành công là trên 90%, với điều kiện bệnh nhân đến sớm khi chưa có biểu hiện tắc ruột hay hoại tử ruột.

* Tên bệnh nhân đã được thay đổi

T.Hương