Luật sư và điều tra viên có thể đồng hành?

Xã hội - Ngày đăng : 06:16, 23/08/2014

(HNM) - Thông tư 28/2014/TT-BCA (gọi tắt là Thông tư 28) của Bộ Công an được ban hành để hướng dẫn thi hành Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự sẽ có hiệu lực từ ngày 25-8, tuy nhiên ở thời điểm này vẫn vấp phải sự phản ứng của dư luận.



Theo tìm hiểu của phóng viên Báo Hànộimới, nguyên nhân là do một số bất cập cản trở quyền hành nghề của luật sư, ảnh hưởng tới địa vị pháp lý, nghĩa vụ của người bào chữa...

Luật sư chuẩn bị tranh tụng tại một phiên tòa.


Những ý kiến trái chiều

Vấn đề này trước đó đã gây nên cuộc tranh luận với nhiều ý kiến trái chiều. Theo quan điểm của Thiếu tướng Nguyễn Ngọc Anh - Cục trưởng Cục Pháp chế và cải cách hành chính, tư pháp (Bộ Công an), việc xây dựng Thông tư 28 nhằm cụ thể hóa những quy định của Pháp lệnh Tổ chức điều tra hình sự, Điều 58 Bộ luật Tố tụng Hình sự, Điều 9 Luật Luật sư và các quy định dưới luật. Đặc biệt, Điều 38 của Thông tư 28 liên quan trực tiếp đến trách nhiệm của điều tra viên, chỉ áp dụng đối với những luật sư, người bào chữa có dấu hiệu vi phạm trong quá trình tham gia tố tụng trong giai đoạn điều tra.

Trong khi đó, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh lại khẳng định, nội dung Điều 38 của Thông tư 28 chưa thể hiện sự bình đẳng của luật sư với những người tiến hành tố tụng - ở đây là điều tra viên. Cụ thể, Điều 38 mở rộng giới hạn phạm vi quyền hạn, trách nhiệm của điều tra viên so với các quy định hiện hành, cho phép điều tra viên trong hoạt động điều tra có quyền đánh giá, xác định dấu hiệu và căn cứ cho rằng người bào chữa có hành vi "ngăn cản việc khai báo", "khiếu nại, kiến nghị không có căn cứ hoặc có hành vi trái pháp luật khác"… nhưng lại không được định lượng một cách rõ ràng mà tùy thuộc hoàn toàn vào nhận định, suy diễn chủ quan của điều tra viên; "hành vi trái pháp luật khác" là gì cũng không được giải thích cụ thể, có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau. Khi phát hiện dấu hiệu vi phạm, điều tra viên còn có quyền "ghi âm, ghi hình hoặc tiến hành biện pháp khác nhằm thu thập tài liệu, chứng cứ chứng minh hành vi cản trở, gây khó khăn cho hoạt động điều tra". Do vậy, Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Lê Thúc Anh cho rằng, khi áp dụng quy định này sẽ khó tránh khỏi chuyện lạm quyền. Hơn nữa, theo lôgic thông thường, bản chất của hoạt động bào chữa là phản biện. Người bào chữa khi thực hiện chức năng bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, đương sự trong vụ án hình sự, đương nhiên có sự khác biệt về quan điểm, cách tiếp cận, đánh giá bản chất vụ án và hành vi của những người có liên quan.

Có hay không sự thiếu bình đẳng?

Trước đó, một thông tư khác của Bộ Công an là Thông tư 70/2011 về "bảo đảm quyền bào chữa trong giai đoạn điều tra vụ án hình sự" cũng đã có những quy định gây "khó dễ" luật sư, ảnh hưởng quyền của người bị tạm giam, tạm giữ (Báo Hànộimới đã phản ánh). Theo Thông tư 70, người bị bắt giữ không có cơ hội gặp gỡ trực tiếp luật sư để bày tỏ quan điểm của mình về quyền mời luật sư. Thay vào đó, những giao tiếp ban đầu của họ phải thực hiện gián tiếp qua điều tra viên. Vướng mắc này chưa được giải quyết thì Bộ Công an lại ban hành Thông tư 28, có nội dung vô tình tạo lợi thế cho điều tra viên.

Trên thực tế, việc cản trở hoạt động của người bào chữa, luật sư đang được "núp" dưới nhiều hình thức khác nhau. Gần đây nhất, 33 trường hợp luật sư khiếu nại, bị cản trở trong quá trình tham gia các giai đoạn tố tụng hình sự, hiện đang được Bộ Công an kiểm tra và xem xét giải quyết. Dù Bộ Công an cũng đã có văn bản chỉ đạo gửi đến các địa phương, các đầu mối cơ quan điều tra, nhà tạm giữ, trại tạm giam thuộc lực lượng CAND yêu cầu chấn chỉnh công tác phối hợp, bảo đảm thực hiện quyền được bào chữa của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo và quyền hành nghề của luật sư; đồng thời đã nhiều lần Bộ Công an tổ chức tập huấn, nêu ra những sai phạm ảnh hưởng đến quyền của luật sư và người bị tạm giữ, bị can, bị cáo, nhưng vẫn xuất hiện chuyện vận dụng tùy tiện. Theo luật sư Cao Xuân Vượng - Đoàn Luật sư Hà Nội, trong giai đoạn điều tra, người bào chữa phản biện thông qua việc kiến nghị, khiếu nại nhằm ngăn chặn những vi phạm về quy trình tố tụng, vi phạm quyền công dân. Nếu cho phép điều tra viên có quyền kết luận khiếu nại, kiến nghị của luật sư là "không có căn cứ", liệu ai dám nói sẽ không còn tái diễn những vụ án oan, có vi phạm của cán bộ điều tra ngay từ giai đoạn hoàn thiện hồ sơ như vụ án "Nguyễn Thanh Chấn" trong thời gian tới?

Thiết nghĩ, Bộ Công an cần tạo một hành lang pháp lý để điều tra viên và luật sư đồng hành một cách có hiệu quả, bảo đảm việc giải quyết vụ án khách quan, đúng pháp luật, không để kết án oan người vô tội, bỏ lọt tội phạm, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, cơ quan, tổ chức. Một vấn đề nữa cần rút kinh nghiệm là trong quá trình soạn thảo và ban hành Thông tư 28/2014 là việc lấy ý kiến đối tượng tác động. Theo giới luật sư, họ chưa được Bộ Công an tham khảo ý kiến.

Chủ tịch Liên đoàn Luật sư Việt Nam Lê Thúc Anh:
Ngay tên gọi đã thiếu bình đẳng

Ngay tên gọi của Điều 38 là "Quy định về trách nhiệm của điều tra viên trong việc xử lý vi phạm đối với người bào chữa, người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc trợ giúp viên pháp lý" đã thể hiện sự không bình đẳng trong quan hệ tố tụng giữa điều tra viên và người bào chữa. Khi phát hiện người bào chữa có hành vi cụ thể vi phạm Điều 58, Bộ luật Tố tụng Hình sự, Điều 6, Nghị định số 110/2013 quy định về các hành vi vi phạm trong hoạt động hành nghề của luật sư, điều tra viên chỉ có trách nhiệm báo cáo thủ trưởng hoặc phó thủ trưởng cơ quan điều tra ra quyết định thu hồi giấy chứng nhận người bào chữa, giấy chứng nhận người bảo vệ quyền lợi của đương sự hoặc đề xuất biện pháp xử lý khác theo quy định của pháp luật. Đồng thời, người bào chữa cũng có quyền phát hiện, báo cáo và kiến nghị xử lý đối với các điều tra viên có hành vi cản trở quyền hành nghề hợp pháp của mình, vi phạm nhiệm vụ, quyền hạn đã được pháp luật quy định.

Hà Phong