Thái Lan có Thủ tướng lâm thời: Bước vào quỹ đạo mới
Thế giới - Ngày đăng : 05:38, 23/08/2014
Tướng Prayuth Chan-ocha đã được bầu làm Thủ tướng lâm thời Thái Lan. |
Việc lựa chọn ông Prayuth làm Thủ tướng thứ 29 của Thái Lan không nằm ngoài dự đoán của giới phân tích khi vị tướng 60 tuổi này là ứng cử viên duy nhất. Trong bối cảnh người dân đất nước Chùa vàng đã quá mệt mỏi với những cuộc biểu tình đường phố, việc lựa chọn một thủ tướng lâm thời được xem là cần thiết nhằm ổn định tình hình an ninh sau đảo chính. Vì thế, cuộc bầu chọn cũng diễn ra nhanh chóng, và không có bất kỳ tiếng nói phản đối nào ngoài việc ba vị chủ tọa là Chủ tịch NLA và hai phó chủ tịch không tham gia bỏ phiếu. Kết quả trên không bất ngờ bởi trong các cuộc thăm dò dư luận trước khi bầu chọn, ông Chan-ocha luôn giành được sự ủng hộ của người dân, giới quân sự và cả một số nhân vật đối lập. Tất cả đều có chung một quan điểm rằng, không ai khác ngoài ông Chan-ocha là người thích hợp để lãnh đạo Chính phủ lâm thời Thái Lan trong môi trường chính trị hiện nay.
Kết quả cuộc bầu chọn (ông Chan-ocha làm Thủ tướng lâm thời) sẽ được chuyển lên Nhà vua Bhumibol Adulyadej để phê chuẩn. Sau đó ông Chan-ocha sẽ tiến hành lựa chọn một nội các gồm 35 thành viên để đưa chính phủ tạm quyền đi vào hoạt động từ đầu tháng 9 này. Tuy vậy, ông Chan-ocha vẫn nắm giữ vị trí người đứng đầu Hội đồng Gìn giữ trật tự và hòa bình quốc gia (NCPO) - cơ quan quyền lực cao nhất của lực lượng làm đảo chính. Do hiến pháp tạm thời không cấm người đứng đầu cơ quan này làm thủ tướng lâm thời nên việc ngồi vào chiếc "ghế nóng" của tướng Chan-ocha không bị coi là vi hiến.
Sự kiện tướng Chan-ocha được bầu làm Thủ tướng nhằm đẩy nhanh tiến trình thành lập Chính phủ lâm thời là một trong những bước đi quan trọng trong bước 2 của lộ trình cải cách 3 bước mà lực lượng tiến hành đảo chính đã cam kết. Sau khi Thái Lan có bản hiến pháp tạm thời ngày 22-7, tiếp đó ngày 31-7 thành lập NLA lâm thời và việc bầu Thủ tướng lâm thời đã được hoàn tất, quân đội nhanh chóng hình thành các thiết chế của một nhà nước sau đảo chính - sớm hơn dự kiến - phần nào đã xoa dịu những lo ngại của lực lượng đối lập về việc quân đội kéo dài thời gian quản lý đất nước. Dù tình trạng thiết quân luật được ban bố từ ngày 20-5 vẫn còn hiệu lực, song với việc Chính phủ lâm thời được thành lập sẽ là nền tảng quan trọng để ổn định chính trường Thái Lan.
Ba tháng sau khi tiến hành đảo chính quân sự, tướng Chan-ocha đã thay bộ đồng phục quân đội bằng bộ đồ dân sự để tiếp nhận vị trí Thủ tướng lâm thời. Thế nhưng, chặng đường một năm chuyển tiếp, trước khi thực hiện cuộc tổng tuyển cử dự kiến vào tháng 10-2015, vẫn còn không ít thách thức. Trong đó làm thế nào để hiện thực hóa mục tiêu cải cách, khôi phục dân chủ và hòa hợp dân tộc cũng như thúc đẩy tăng trưởng kinh tế là những nhiệm vụ ưu tiên hàng đầu của Chính phủ lâm thời.
Giới phân tích nhận định rằng, triển vọng tăng trưởng kinh tế của Thái Lan có phần sáng hơn và bất ổn chính trị giảm bớt sau khi quân đội nắm quyền điều hành đất nước. Song nền kinh tế lớn thứ hai Đông Nam Á vẫn phải đối mặt với nhiều trở ngại, trong đó phải kể tới gánh nợ của các hộ gia đình ở mức cao. Ủy ban Phát triển kinh tế và xã hội quốc gia Thái Lan (NESDB) mới đây cho biết, với nhịp độ tăng trưởng 0,9% trong quý II-2014, kinh tế Thái Lan đã tránh được suy thoái trong gang tấc sau khi tăng trưởng âm (-1,9%) trong quý I-2014.
Tuy nhiên, NESDB dự báo, kinh tế nước này chỉ sẽ tăng trưởng ở mức 1,5-2% trong năm 2014, thấp hơn so với dự báo tăng 1,5-2,5% trước đó. Ủy ban này nhận định rằng, những biến động chính trị trong 5 tháng đầu năm 2014 sẽ kéo nền kinh tế tăng trưởng dưới mức tiềm năng trong cả năm 2014, trong bối cảnh lĩnh vực ô tô và du lịch vẫn tăng ì ạch; số du khách đến Thái Lan trong 7 tháng đầu năm nay đã giảm 10,7% so với cùng kỳ năm ngoái, xuống còn 13,62 triệu lượt du khách. Liệu tình hình Thái Lan sắp tới có đi vào quỹ đạo ổn định để phát triển như mong muốn hay không là câu hỏi mà nhiều người dân đang trông đợi ở nhà lãnh đạo Chan-ocha.