Quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ: Niềm tin đang bị lung lay
Luận đàm thời sự - Ngày đăng : 06:19, 22/08/2014
Thủ tướng Đức Angela Merkel và Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. |
Vụ việc trong bóng tối bắt đầu "nổi sóng" từ cuối tuần trước khi chính Tuần báo Der Spiegel của Đức tung ra bài viết tiết lộ Cục Tình báo nước ngoài Đức (BND) đã tiến hành do thám Thổ Nhĩ Kỳ kể từ năm 2009 cũng như nghe trộm ít nhất một cuộc gọi của Ngoại trưởng Mỹ John Kerry và người tiền nhiệm Hillary Clinton. Cụ thể, điện thoại vệ tinh của ông J.Kerry bị nghe lén hồi năm ngoái khi đang thảo luận tình hình Trung Đông với một nhân vật không rõ danh tính. Một năm trước đó, cuộc trò chuyện qua điện thoại giữa bà H.Clinton và cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan xung quanh tình hình Syria cũng đã bị nghe lén. Der Spiegel còn cho biết tình báo Đức do thám Thổ Nhĩ Kỳ - một đồng minh trong Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) - từ năm 2009. Phản ứng trước vụ "lộ sáng" này, ngày 18-8, Ankara đã triệu Đại sứ Đức Eberhard Pohl để bày tỏ sự quan ngại cũng như nỗi thất vọng. Sự kiện thông tin bí mật bất ngờ bị phơi bày đã khiến Berlin rơi vào tình trạng bối rối.
Nước Đức chưa nguôi ngoai sau vụ cựu nhân viên Cơ quan An ninh quốc gia Mỹ (NSA) Edward Snowden hồi năm ngoái tiết lộ việc tình báo nước này tiến hành do thám các đồng minh đã khiến quan hệ Washington-Berlin bị thử thách nghiêm trọng bởi nạn nhân "đình đám" nhất trong vụ việc này là nữ Thủ tướng Angela Merkel. Phía Đức lúc đó đã ngay lập tức mở cuộc điều tra hình sự, trục xuất Trưởng chi nhánh Cục Tình báo trung ương Mỹ (CIA) tại Berlin và thúc giục Mỹ ký hiệp định không do thám lẫn nhau. Bảo vệ bí mật đời tư các yếu nhân là một vấn đề cực kỳ nhạy cảm ở Đức, quốc gia đã từng sống qua các chế độ độc tài. Vì vậy, vụ nghe lén điện thoại đã ảnh hưởng nặng nề đến quan hệ Đức - Mỹ, vốn rất chặt chẽ kể từ khi nước Đức thống nhất. Dù đã đưa ra nhiều động thái phản ứng hành động của Washington, song hiện tại Thủ tướng Đức A.Merkel vẫn vấp phải những chỉ trích cho rằng bà phản ứng chưa đủ mạnh với cáo buộc NSA nghe lén điện thoại. Nhiều người Đức cho rằng đã đến lúc Berlin bớt phụ thuộc vào Mỹ không chỉ trong hoạt động tình báo; mà còn cần có những động thái mạnh mẽ nhằm buộc Washington chấm dứt do thám đồng minh như trục xuất những nhà ngoại giao bị phát hiện có hành vi này. Thậm chí có không ít ý kiến cho rằng, Đức có thể đưa thêm nội dung bảo vệ dữ liệu cá nhân vào cuộc đàm phán về thỏa thuận thương mại tự do giữa Mỹ và Liên minh Châu Âu (EU). Thế nên, trước diễn biến mới nhất trong quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ, Berlin khó có thể tiếp tục kêu gọi Washington thực hiện nghĩa vụ minh bạch thông tin khi phải tìm lời giải thích phù hợp với đồng minh lớn ở bên kia bờ Đại Tây Dương về điệp vụ nghe lén.
Không những thế, vụ việc tiết lộ hoạt động do thám của Cục Tình báo nước ngoài Đức (BND) có thể khiến quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ rơi vào khó khăn. Nhất là trong bối cảnh hai quốc gia này đã không ít lần "tiếng bấc, tiếng chì". Gần đây nhất là việc Bộ Ngoại giao Đức triệu tập Đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ để phản đối một bộ trưởng nước này cáo buộc bà A.Merkel "bắt nạt" Ankara để đạt được những lợi ích chính trị trước cuộc tổng tuyển cử sắp tới. Trước đó, nữ Thủ tướng Đức cũng chỉ trích Chính phủ Thổ Nhĩ Kỳ ra tay quá mạnh với người biểu tình và tiếp tục phản đối Ankara trở thành thành viên của EU.
Mặc dù, ngay sau vụ việc được tiết lộ, Ngoại trưởng Đức Frank-Walter Steinmeier đã có cuộc điện đàm kéo dài với người đồng cấp Thổ Nhĩ Kỳ Ahmet Davutoglu. Hai bên cũng đã nhất trí gặp nhau để thảo luận về vấn đề này, nhưng bê bối nghe lén nhiều khả năng sẽ tiếp tục làm lung lay nền tảng niềm tin giữa hai thành viên NATO.