Thu, trả tác quyền âm nhạc: Bao giờ về một mối?
Văn hóa - Ngày đăng : 05:55, 22/08/2014
Nhạc sĩ Phó Đức Phương đến gặp Ban tổ chức để yêu cầu thực hiện tác quyền trước show diễn của ca sĩ Khánh Ly. |
"Cuộc chiến" thu, trả tác quyền
Hình ảnh nhạc sĩ Phó Đức Phương bị ảnh hưởng nhiều khi ông - trên cương vị là Giám đốc của Trung tâm Bảo vệ quyền tác giả âm nhạc Việt Nam (VCPMC) - bị phản ánh là đã xông vào show biểu diễn của ca sĩ Khánh Ly tại Hà Nội và Đà Nẵng để đòi ban tổ chức trả tác quyền các ca khúc sử dụng trong show diễn. Nhiều người đã đặt câu hỏi về năng lực hoạt động của VCPMC, còn nhạc sĩ thở dài: "Cực chẳng đã mới phải làm vậy chứ thông thường các đơn vị tổ chức biểu diễn phải đến trả trực tiếp hoặc việc thu tác quyền đã có đội ngũ nhân viên".
Trong thực tế, công việc của VCPMC rất rộng, thu phí tác quyền âm nhạc ở 20 lĩnh vực: băng đĩa, nhạc chờ, nhạc chuông, nhạc trực tuyến, biểu diễn, nhạc sử dụng trên đài phát thanh, truyền hình, khu vui chơi, mua sắm… Nhưng biểu diễn âm nhạc là lĩnh vực thu được tác quyền ít nhất. Vì vậy, theo nhạc sĩ Phó Đức Phương, trong lần đích thân đi "đòi" tác quyền âm nhạc trong show Khánh Ly vừa qua, ông muốn đánh động dư luận và cơ quan quản lý rằng: Vấn đề tác quyền đang bị vi phạm nghiêm trọng, điển hình là show diễn của ca sĩ Khánh Ly.
Còn lý do Ban tổ chức show diễn Khánh Ly đưa ra khi chưa chịu đóng tiền tác quyền là vì mức phí mà VCPMC đưa ra quá cao lại áp dụng công thức tính theo số ghế khán giả, trong khi họ không bán được vé. Tại sao không để sau khi chương trình diễn ra, tính chính xác số vé bán được rồi trả tác quyền? Nhạc sĩ Phó Đức Phương cười buồn: "Xin thưa, trăm phần trăm các đơn vị tổ chức sẽ "lặn" mất!". Nên nguyên tắc của VCPMC: Nếu chưa trả tác quyền thì chưa được phép sử dụng tác phẩm mà trung tâm được ủy thác.
Những cuộc tranh cãi liên tiếp nổ ra, ban đầu giữa Ban tổ chức show diễn Khánh Ly và VCPMC, sau giới văn nghệ sĩ, các bầu sô và tổ chức biểu diễn vào cuộc. Mỗi người một ý, phía cho rằng nhạc sĩ Phó Đức Phương làm vậy là đúng. Phía khác lên tiếng "tố" VCPMC tính phí không minh bạch, mỗi lúc thu một kiểu. Để rồi một vấn đề được coi là hành động của những người đang làm về văn hóa trở thành một cuộc chiến mà dư luận nhận định "không khác gì ngoài chợ".
Cơ quan quản lý: Im lặng
Sự việc tranh chấp tác quyền trở nên um xùm rõ ràng có liên quan đến pháp luật nên nhiều người cho rằng, cách tốt nhất là cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực âm nhạc phải đứng ra giải quyết. Đã sử dụng tác phẩm âm nhạc, nhất lại với mục đích kinh doanh phải xin phép và trả tác quyền. Nếu không được đồng ý thì cơ quan quản lý không cấp phép biểu diễn. Song trong thực tế, không phải lúc nào những việc rõ ràng đó cũng được thực thi nghiêm túc. Chưa kể đến việc các quy định còn thiếu chặt chẽ, vẫn có những "khe hở" để các đơn vị tổ chức "lách luật". Đơn cử như việc cơ quan quản lý nhà nước trong lĩnh vực âm nhạc - cụ thể ở đây là Cục Nghệ thuật biểu diễn và Sở VH,TT&DL các địa phương có nhiệm vụ cấp phép tổ chức biểu diễn. Nhưng, trong mục thủ tục cấp phép ở Nghị định 79/2012/NĐ-CP "Quy định về biểu diễn nghệ thuật, trình diễn thời trang; thi người đẹp người mẫu" lại không bắt buộc ban tổ chức chương trình phải trả tác quyền trước khi được cấp phép biểu diễn mà chỉ yêu cầu cam kết trả tiền tác quyền. Còn việc thu, trả bản quyền lại là giao dịch dân sự, thực hiện theo Luật Sở hữu trí tuệ… Do vậy, rất nhiều buổi diễn không trả tác quyền vẫn diễn ra và mọi tranh cãi về vấn đề này Cục Nghệ thuật biểu diễn đều đứng ngoài cuộc.
Còn nhớ cách đây hai năm, sau một sự việc tương tự, VCPMC gửi kiến nghị lên Bộ VH-TT&DL với chữ ký của nhiều nhạc sĩ cho rằng Cục Nghệ thuật biểu diễn cấp phép khi tổ chức biểu diễn chưa đóng tác quyền là "tiếp tay" cho việc vi phạm pháp luật. Còn Cục Nghệ thuật biểu diễn thì coi đó là sự vu khống cơ quan quản lý nhà nước vì họ không có chức năng đòi tác quyền. Sự việc căng thẳng hơn khi cơ quan công an vào cuộc điều tra hoạt động của VCPMC và dù sau đó họ được chứng minh là minh bạch, có đầy đủ tư cách pháp nhân để hoạt động nhưng đến thời điểm hiện tại, hai bên vẫn không tìm được tiếng nói chung.
Trước những bất lực của VCPMC trong hoạt động thực thi tác quyền, trước những vi phạm đáng bị lên án khi đã sử dụng tác phẩm mà không trả tác quyền âm nhạc, trước sự im lặng "có lý" của cơ quan quản lý trực tiếp…, có lẽ đã đến lúc cần phải có một đầu mối chính thức, ở cấp cao hơn để quy hoạt động này về một mối thống nhất, hợp lý, minh bạch hơn.